Kinh nghiệm quý từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Thị xã Nghĩa Lộ

Thứ năm, 15/06/2017 - 09:49

TNV - Tuy tiến độ chưa đạt, nhưng chất lượng và kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái lại là những kinh nghiệm quý đáng để nhiều địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang triển khai xây dựng nông thôn mới phải suy ngẫm, học hỏi. Đó là kinh nghiệm: Không để nợ đọng, tránh huy động sức dân quá mức, điều chỉnh đồ án cho phù hợp thực tiễn, khai thác tài nguyên vật liệu tại chỗ…

Điểm xuất phát thấp

Năm 2011, Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới tại 3 xã: Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc.

Tại thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới xã Nghĩa An mới đạt 2/19 tiêu chí , xã Nghĩa Phúc đạt 1/19 tiêu chí , xã Nghĩa Lợi đạt 1/19 tiêu chí. Đến nay sau 5 năm triển khai thực hiện, xã Nghĩa An đã đạt 15/19 tiêu chí, xã Nghĩa Lợi đạt 13/19 tiêu chí và xã Nghĩa Phúc đạt 11/19 tiêu chí; Các tiêu chí chưa hoàn thành đều đạt mức từ 50% trở lên. Do điểm xuất phát trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới ở Thị xã Nghĩa Lộ là rất thấp, nên thành quả đạt được hôm nay là bước tiến dài, rất tích cực so với những địa phương có lợi thế thuận lợi hơn.

Nhờ chủ trương tiết kiệm, một số cột, ván gỗ của nhà văn hóa bản Nậm Đông 2
(xã Nghĩa An)
đã xuống cấp được Bí thư chi bộ Hà Văn Đoàn và bà con trong bản
dồn sức vào tu bổ sửa chữa làm nơi sinh hoạt chắc chắn cho bà con.
Góp phần sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực.

Bước đầu, Thị xã Nghĩa Lộ đã đạt được những kết quả quan trọng như: Nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng lên;  Bộ mặt nông thôn được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và tương đối bền vững. Nhân dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xây dựng đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương, nhà văn hóa; Cải tạo, nâng cấp nhà ở, các công trình vệ sinh gia đình… Chất lượng cuộc sống nhân dân khu vực nông thôn được nâng lên, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Chủ tịch xã Nghĩa An: Vi Ngọc Chình (bên phải) chỉ những thanh gỗ
được sửa chữa tại nhà văn hóa bản Nậm Đông 2.

Do nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình tuy đã được quan tâm nhưng còn thấp so với nhu cầu trong đề án; Là địa phương miền núi còn nghèo nên việc huy động nguồn lực xã hội hóa từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thị xã còn thấp; Đồ án quy hoạch mới dừng lại ở quy hoạch chung, việc cắm mốc quy hoạch chưa thực hiện được; Việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp còn hạn chế; Một số tiêu chí đã hoàn thành nhưng chất lượng chưa cao, thiếu tính bền vững do các chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành tiêu chí biến động theo từng năm như: Tiêu chí Thu nhập, Giáo dục, Môi trường, An ninh – Trật tự xã hội…Đây là những khó khăn làm ảnh hưởng tiến độ, mục tiêu xây dựng Nông thôn mới của thị xã Nghĩa Lộ.

Không để nợ đọng và tránh huy động sức dân quá mức

Tuy chậm, nhưng cho đến nay trong mọi hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng không có công trình nào để nợ đọng, nguồn vốn hàng năm được giải ngân kịp thời, hiệu quả, theo phương châm có từng nào thì làm từng lấy. Đối với tiêu chí chợ nông thôn: Khi lập đồ án quy hoạch nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, đến 2020 cả 3 xã đều đã quy hoạch chợ nông thôn. Song trong quá trình triển khai thực hiện xét thấy trên địa bàn thị xã có chợ Mường Lò là một trong những chợ lớn của tỉnh, lại ở gần các xã, giao thông đi lại thuận lợi nên hầu hết các hoạt động giao thương mua bán của nhân dân 03 xã đều diễn ra tại chợ Mường Lò.


Các bạn trẻ Thị xã Nghĩa Lộ luyện tập 06 điệu xòe cổ - đặc trưng văn hóa của đất Mường Lò.

Do vậy, các xã đều đề xuất điều chỉnh Đồ án đến năm 2020 chưa xây dựng chợ nông thôn, nhưng trong quy hoạch vẫn để quỹ đất để khi nhu cầu mua bán của bà con trên địa bàn các xã tăng cao thì mới đầu tư xây dựng chợ, phục vụ kịp thời hoạt động mua bán sản xuất kinh doanh của nhân dân, tránh đầu tư xây dựng gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả nguồn lực của nhà nước, nhân dân.

Ông Vi Văn Chình (Chủ tịch UBND xã Nghĩa An) cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất trên 05 ha đất không có kinh phí đền bù trên cơ sở tự nguyện; huy động đông đảo bà con nhân dân đào, đắp lòng, lề đường, mương, giải phóng mặt bằng, vận chuyển vật liệu... bình quân mỗi năm khoảng 3.000 ngày công lao động; Dùng công lao động khai thác tài nguyên sẵn có (cát, đá, sỏi, cây que) trên địa bàn; Các công trình xây dựng thuộc vốn mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do xã đứng ra làm chủ đầu tư cùng sự giám sát của nhân dân đã giảm nhiều các khoản chi phí không cần thiết, đồng thời tranh thủ được các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án để thực hiện; Với hình thức vận động nhân dân toàn xã, xây dựng cuốn chiếu từng công trình và phân đều công trình cho các thôn bản, không vận động nhân dân đóng góp theo từng cụm dân cư hay theo từng thôn bản, từng công trình, vì vậy mức đóng góp của dân giảm; Hoàn thành công trình nào, thanh, quyết toán công trình đó công khai minh bạch cho toàn dân biết…Nên xã không có tình trạng nợ đọng.

Với đặc thù là một xã tỷ lệ hộ nghèo còn cao - đây cũng là một tiêu chí khó và phải quyết tâm xóa nghèo nhanh và bền vững. Cho nên, xã Nghĩa An luôn đưa ra mục tiêu cần phải giảm bớt mức đóng góp cho người dân, tranh thủ huy động sức lao động, tài nguyên, thiên nhiên trên địa bàn và xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc, không phân biệt công trình thôn nào đều tập trung góp sức hoàn thành, do vậy mức đóng góp của nhân dân cả xã trong xây dựng nông thôn mới bình quân mỗi năm là 200 triệu đồng, mỗi nhân khẩu khoảng 30.000 đ/ năm. Sức dân không bị lạm dụng huy động quá mức nên không xảy ra tình trạng kêu ca, thắc mắc, nhân dân phấn khởi, tin tưởng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Chuyển từ sản xuất quảng canh sang sản xuất hàng hóa

Nhờ xác định công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Vì vậy, trong 5 năm qua, đây là nhiệm vụ được các cấp ủy đảng, chính quyền từ thị xã đến cơ sở tập trung quan tâm chỉ đạo. Trên cơ sở xác định những tiềm năng lợi thế của địa phương, thị xã đã xây dựng đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2014-2016; Dự án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và các dự án thử nghiệm giống cây con mới.


Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng (bên phải) trao truyền xòe cổ cho chị Lường Thị Thủy
(Phó Bí thư Đoàn xã Nghĩa An).

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất hàng năm của tỉnh đã hỗ trợ 3 xã trên 2,76 tỷ đồng để xây dựng 15 mô hình phát triển sản xuất. Đồng thời, hàng năm thị xã đã tập trung nguồn lực, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn như: Vốn chương trình 135, chương trình hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh, hỗ trợ chăn nuôi trâu bò cho hộ người có công với cách mạng, vốn chương trình khuyến công, vốn sự nghiệp khoa học… với số tiền trong 5 năm là trên 7 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Đó là mô hình sản xuất lúa hàng hóa, duy trì bình quân 500ha/vụ; Mô hình trồng hoa trong nhà lưới, trồng cà chua, súp lơ xanh vụ đông, trồng ngô nếp tím, ngô HN88, trồng nấm sò, trồng nấm rơm trái vụ, nuôi chim bồ câu Pháp, nuôi trâu cái sinh sản, mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, mô hình sản xuất gạch không nung qui mô hộ gia đình...

Các mô hình phát triển sản xuất đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, cách thức tổ chức sản xuất của người nông dân từ sản xuất quảng canh sang sản xuất hàng hóa, tạo cho bà con sự chủ động tích cực trong thời vụ sản xuất, cơ cấu giống, công tác phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, đạt tỷ lệ 75% diện tích đất 2 vụ lúa trở lên; Hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản phẩm nông nghiệp được nâng lên rõ rệt, đã có một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, bước đầu mang tính đặc trưng của vùng như: Gạo Séng cù, Hương chiêm, Ngô nếp tím, Cà chua, Nấm rơm... Góp phần để sản xuất nông nghiệp của thị xã trong 5 năm qua luôn đạt được kết quả toàn diện trên cả 3 mặt diện tích, năng suất và sản lượng; Thu nhập/ha đất lúa thị xã năm 2015 đạt 126 triệu đồng, tăng 67% so với năm 2010; Diện tích vụ đông 3 xã năm 2015 đạt 280 ha, tăng 40% so với năm 2010; Diện tích lúa hàng hóa 3 xã năm 2015 đạt bình quân 267ha/vụ, tăng 48% so với năm 2010.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các làng nghề, điểm du lịch

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề, lao động trong khu vực nông nghiệp nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực. Đến nay tại 3 xã đã có 140 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với 185 lao động, tăng so với năm 2010 là 54 cơ sở và 60 lao động. Một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có qui mô vừa và nhỏ, công nghệ tiên tiến như: Cơ sở sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH Hoàng Phát, xưởng sản xuất thảm hạt của Doanh nghiệp tư nhân Liên Thức (xã Nghĩa Phúc); cơ sở sản xuất gạch không nung của ông Chu Văn Phát, Cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng của ông Chu Văn Hậu (xã Nghĩa An). Thương mại – dịch vụ phát triển tương đối nhanh, 3 xã hiện có 126 hộ kinh doanh Thương mại – dịch vụ. Đặc biệt trong dịch vụ đã có thêm ngành nghề có tính mới so với các vùng trong tỉnh như: Du lịch cộng đồng, ẩm thực dân tộc... ( 3 xã có 25 hộ kinh doanh du lịch cộng đồng và ẩm thực dân tộc ). Đến năm 2015, số hộ sản xuất phi nông nghiệp của 3 xã là 266 hộ, chiếm tỷ lệ 12,41% tăng so với năm 2010 là 9,41%.

Thịt trâu sấy gác bếp của gia đình ông Lường Văn Mộc ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An.
Đây là món ăn truyền thống độc đáo của đồng bào Thái.

Tuy tiến độ chưa đạt, nhưng chất lượng và kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thị xã Nghĩa Lộ lại là những kinh nghiệm quý đáng để nhiều địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang triển khai xây dựng nông thôn mới phải suy ngẫm, học hỏi. Đó là kinh nghiệm: Không để nợ đọng, tránh huy động sức dân quá mức, điều chỉnh đồ án cho phù hợp thực tiễn, khai thác tài nguyên vật liệu tại chỗ…/.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh