Chính vì vậy, tư duy lý luận và nhận thức về kinh tế báo chí - truyền thông còn đơn sơ. Bài toán đặt ra hiện nay cho báo chí - truyền thông Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu làm thế nào để các cơ quan báo chí “tự chủ được tài chính”, tự đảm bảo được “nguồn lực kinh tế - kỹ thuật” cho các hoạt động nghiệp vụ, cũng như khả năng mở rộng quy mô sản phẩm và tầm ảnh hưởng.
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thường niên mang tên “Diễn đàn báo chí tháng sáu” do Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo Vietnamnet và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng chủ trì tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 10% so với cùng kỳ 2022.
Hầu hết các đài truyền hình đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo trong 1 ngày trên kênh, chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo. Báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí, đối với một số cơ quan báo chí là trên 90%.“Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống. Ngoài ra, hiện tại, các cơ quan báo chí đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước".
Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bross… Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú theo nhiều góc độ về vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh kinh tế số.
Tại các phiên thảo luận, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính; các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động báo chí truyền thông đã tập trung làm rõ những vấn đề: Thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam; Những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam; Phân tích về những dự báo, vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số thời gian tới; Sự đồng hành của hệ thống cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong lĩnh vực kinh tế báo chí nói riêng cũng như trong sự phát triển bền vững lâu dài của báo chí Việt Nam...
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Trần Thanh Lâm: “Tôi nghĩ rằng chúng ta hướng tới độc giả, tìm nguồn vui của độc giả là đúng nhưng chúng ta cũng có những thực thể khác trong xã hội rất cần sự đồng hành có trách nhiệm của báo chí để giữ các bên hình thành một mối quan hệ vừa giám sát vừa phản biện nhưng cũng đồng hành vì lợi ích chung và ở đó chúng ta tìm thấy lợi ích lớn hơn. Ở đây tôi muốn nói đến cộng đồng các doanh nghiệp”
Các ý kiến đều cho rằng, việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay.
Đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí. Mỗi cơ quan báo chí cần tìm ra phân khúc, phần sức mạnh của mình, để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp. Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời, xây dựng các nền tảng số Việt Nam, để Việt Nam không bị lệ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng số sẵn có của nước ngoài.
Theo nội dung của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng, các cơ quan báo chí phải xác định các loại hình báo chí. Ngoài những tờ báo có chức năng, nhiệm vụ đặc thù được nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động (dưới hình thức đặt hàng), còn lại hầu hết các tòa soạn sẽ phải tự chủ về tài chính.
Hoạt động theo cơ chế tự chủ đồng nghĩa với việc cơ quan báo chí sẽ quản trị theo mô hình doanh nghiệp. Thông tin thế nào để vừa trung thực khách quan, đúng bản chất sự thật mà lại hấp dẫn, thu hút nhiều độc giả là một bài toán luôn đặt ra đối với mỗi tòa soạn, trước mỗi quyết định xuất bản kỳ báo, tạp chí.
Theo PGS – Tiến sĩ Bùi Chí Trung: Quản lý và phát triển báo chí là để phát triển bền vững. Quản lý phải theo kịp sự phát triển của xã hội.
Quản lý Nhà nước về báo chí thì quản lý là để phát triển báo chí bền vững. Muốn phát triển bền vững, trước tiên phải vững về kinh tế. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quản lý hoạt động kinh tế báo chí, nếu quản thì quản đến đâu, phạm vi nào? Mục tiêu của quản lý kinh tế báo chí ở cấp độ Nhà nước cần xác định như thế nào, để báo chí cách mạng làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình trong tình hình mới.
Sự phát triển kinh tế báo chí đòi hỏi sự thay đổi cách tiếp cận để tránh phức tạp hóa, tiêu cực hóa vấn đề. Đổi mới động kinh tế báo chí truyền thông chính là mắt xích chính yếu để đổi mới toàn diện hệ thống báo chí - truyền thông trong bối cảnh số.
Mai Chí Vũ