Kỳ 2: Chính sách thu hút nhân tài nhiều nhưng còn bất cập

Thứ hai, 05/04/2021 - 09:11

Là một nhà ngoại giao, lại là người rất tâm huyết với việc xây dựng mạng lưới kết nối “Nhân tài đất Việt” trên khắp thế giới, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã có buổi chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề này.

Du học sinh là nguồn lực chất lượng cao dồi dào của Việt Nam

Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về “Tầm vóc” thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay?

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có 5,3 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, khoảng 80% trong số đó sinh sống và làm việc tại các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó còn có đội ngũ gần 200.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Nhật Bản, Pháp và nhiều nước khác. Hiện có hàng nghìn kỹ sư, lập trình viên người Việt Nam có trình độ cao đang làm việc tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ, trong đó nhiều người làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Microsoft… và đã có rất nhiều cống hiến, đóng góp trên các lĩnh vực như khoa học công nghệ, kinh tế, chính trị, văn hóa tại những nước họ đang sinh sống, học tập và làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị
chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ. Ảnh: VGP/ Tuấn Dũng

Trong thời gian tới với những chính sách phù hợp, sẽ thu hút được các bạn trẻ, đây sẽ là nguồn lực lao động chất lượng cao có tiềm năng dồi dào của Việt Nam, có khả năng đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Tạo môi trường nghiên cứu và học thuật chuyên nghiệp để thu hút nhân tài

Là người có nhiều cơ hội lắng nghe tâm tư các bạn trẻ đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, ông có thể chia sẻ những nguyện vọng của thế hệ trẻ ưu tú đối với các chính sách để thu hút họ về nước đóng góp cho xây dựng và phát triển Tổ quốc?

Các bạn trẻ người Việt Nam ở nước ngoài đều có tình cảm gắn kết cội nguồn, luôn hướng về quê hương đất nước, mong muốn được đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên trong thời gian qua, mặc dù nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế để thu hút cũng như phát huy những đóng góp của các bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài, nhưng kết quả còn hạn chế, chưa như mong muốn.

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Uỷ ban), Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng 500.000 đến 600.000 người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên, đang làm việc trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, rất nhiều người có những vị trí đáng nể ở nước sở tại. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút và phát huy được năng lực, tri thức, kinh nghiệm người Việt ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Những chính sách ưu đãi của chúng ta đối với kiều bào khi về nước sinh sống làm việc đang chủ yếu tập trung vào tạo điều kiện về xuất nhập cảnh, quốc tịch, nhà ở, thu nhập…Nhưng điều mà các nhà khoa học, trí thức kiều bào luôn bày tỏ mong muốn đó là được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa, có những cơ chế chính sách thiết thực, phù hợp, cụ thể, tạo môi trường làm việc, nghiên cứu chuyên nghiệp để họ có thể trở về, phát huy được hết khả năng của mình đóng góp cho đất nước.

Hiện nay Ủy ban đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất với Đảng và Nhà nước các cơ chế chính sách cụ thể, có tính đột phá, nhằm thu hút mạnh hơn nữa tiềm lực về công nghệ của trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài.

Xây dựng mạng lưới nhân tài đất Việt trên toàn cầu

Ông có thể cho biết những chính sách thu hút nhân tài nào đang được tích cực triển khai hiện nay?

Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách phát huy tiềm lực khoa học công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có giới trẻ, và rất nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào thực tế. Năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã thiết lập mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trẻ Việt Nam trên toàn thế giới với mục đích tạo điều kiện để họ cống hiến nhiều hơn nữa. Tháng 10/2019, Chính phủ đã ra Nghị định thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, với những cơ chế ưu đãi, tạo môi trường học thuật, làm việc thuận lợi để các nhà khoa học, trí thức cống hiến được cho nền khoa học công nghệ nước nhà. Tháng 3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam với những điều kiện hết sức thông thoáng, cởi mở để khuyến khích họ trở về đóng góp cho quê hương, đất nước. Gần đây nhất, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì đề án chiến lược Quốc gia về việc thu hút, trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước, sau khi đề án được xây dựng, sẽ có những chính sách, cơ chế đột phá hơn như chế độ đãi ngộ lương bổng; được quyền tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau của các bộ ngành, địa phương; được Nhà nước hỗ trợ trở về tổ chức, tham gia các diễn đàn, hội thảo trong các lĩnh vực khác nhau.

Những năm vừa qua, mỗi năm có khoảng 500 lượt các nhà chuyên gia, trí thức khoa học công nghệ và rất nhiều người Việt thành danh ở nước ngoài đã trở về nước hoặc định cư, hoặc cộng tác thường xuyên tại các cơ sở nghiên cứu, các trường Đại học, cả khu vực công lẫn khu vực tư, và có nhiều đóng góp cho tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Có thể kể đến 4 thành viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng như PGS, TS Trần Ngọc Anh, Giảng viên Đại học Harvard, Đại học Indiana, Hoa Kỳ; GS, TS Nguyễn Đức Khương, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu và Trưởng Khoa Tài chính - Kiểm toán - Kế toán tại Trường Kinh doanh IPAG, Pháp; PGS, TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Đại học Quốc gia Singapore; GS, TS Trần Văn Thọ, Giảng viên Đại học Waseda, Nhật Bản; hay vợ chồng doanh nhân Vũ Xuân Sơn và Lê Diệp Kiều Trang; doanh nhân Nguyễn Thành Nhân, cựu chuyên gia của Google…

Từ năm 2018 đến nay, Ủy ban phối hợp với Trung ương Đoàn TNCSHCM tổ chức 3 diễn đàn cho các nhà khoa học trẻ người Việt Nam ở nước ngoài, hằng năm đều có sự tham dự của hàng trăm bạn trẻ Việt Nam ưu tú ở khắp nơi trên thế giới tham gia. Họ cũng đã đưa ra rất nhiều đề xuất, ý tưởng liên quan đến những lĩnh vực thiết yếu đối với sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tháng 10/2020, tại Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với UBND TPHCM tổ chức, cũng có rất nhiều đề xuất, sáng kiến, ý tưởng của các nhà khoa học Việt Nam, nhất là giới trẻ, Ủy ban đã tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ ngành để nghiên cứu, triển khai áp dụng dựa trên đặc thù thực tế của bộ ngành mình, địa phương mình.

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về việc thu hút, trọng dụng nhân tài, thời gian tới, Ủy ban sẽ phối hợp cùng các bộ ngành xây dựng mạng lưới “nhân tài đất Việt” khắp nơi trên thế giới để kết nối giữa các nhà khoa học, nhân sĩ trong nước với các trí thức, nhân sĩ người Việt tại các quốc gia trên thế giới. Hiện Ủy ban vẫn đang trong quá trình chuẩn bị để xây dựng chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó nhấn mạnh công tác phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tiềm năng về trí thức, KHCN.

Đóng góp cho quê hương mọi nơi, mọi lúc

Thưa ông, quá trình triển khai những chính sách trên gặp thuận lợi và khó khăn như thế nào? Ủy ban có đề xuất gì để phát huy hiệu quả những chính sách thu hút nhân tài Việt Nam đóng góp cho phát triển đất nước?

Trong quá trình triển khai các Nghị quyết trên, chúng ta cũng đã thu được những kết quả nhất định. Hiện nay, tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã hình thành các mạng lưới, các câu lạc bộ trí thức, chuyên gia người Việt Nam, có kết nối hết sức chặt chẽ với các cơ sở khoa học công nghệ trong nước, đem lại những đóng góp đáng kể cho đất nước, trong đó có tư vấn cho Chính phủ, tư vấn cho các địa phương về các lĩnh vực trọng yếu phát triển kinh tế- xã hội. Chẳng hạn, Hội chuyên gia và các nhà khoa học Việt Nam toàn cầu có trụ sở tại Pháp với khoảng 1.000 thành viên là các nhà khoa học, trí thức Việt Nam trong nhiều lĩnh vực; nhóm Sáng kiến Việt Nam tại Hoa Kỳ liên kết với khoảng 40 cơ sở nghiên cứu, cũng như các trường Đại học danh tiếng trên thế giới, và nhiều nhóm khác. Họ giữ mối liên hệ và cộng tác với trong nước từ nhiều năm nay thông qua tư vấn chính sách, hiến kế, thậm chí nhiều người đã trở về nước và đang phát huy rất tốt khả năng của mình để phục vụ phát triển đất nước. Đặc biệt, trong các đợt dịch COVID-19 vừa rồi, rất nhiều chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài đã hiến kế cho Chính phủ trong công tác phòng chống dịch; nhiều bác sĩ người Việt ở Mỹ và một số nước đề nghị được về nước chung tay phòng chống đại dịch, thể hiện sự tâm huyết với nước nhà.

TPHCM là địa phương đang triển khai rất tốt việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Hiện nay có một mạng lưới kiều bào trẻ gồm các chuyên gia, trí thức đang cộng tác thường xuyên với các sở ngành của Thành phố, họ đầu tư nhiều dự án lớn, tiêu biểu là dự án in 3D bằng sợi carbon lớn nhất thế giới có mặt tại Việt Nam của vợ chồng doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang và Vũ Xuân Sơn. Ngoài ra còn nhiều nhóm khác đã và đang có đóng góp tích cực cho các địa phương khác như Hà Nội và các bộ ngành.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn có nhiều hạn chế bất cập, đầu tiên là nhận thức cũng như việc triển khai các chính sách thu hút nhân tài trên thực tế của nhiều bộ ngành, địa phương chưa sâu sát, chưa thống nhất, đồng bộ, mỗi nơi triển khai một kiểu hoặc không coi trọng triển khai; khả năng tiếp cận thông tin từ các bộ ngành, địa phương vẫn bị hạn chế; giữa các nhà khoa học trong nước với các nhà khoa học nước ngoài vẫn mang tâm lý dè dặt, thiếu sự phối hợp, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài không được đơn vị sử dụng tiếp nhận.

Thứ hai là cơ chế, chính sách đưa ra nhiều nhưng chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà khoa học, trí thức Việt Nam về nước, đóng góp nhiều hơn, như liên quan đến đãi ngộ đối với gia đình các nhà khoa học còn nhiều hạn chế; môi trường nghiên cứu, học thuật chưa được thuận lợi, chưa chuyên nghiệp. Hy vọng trong thời gian tới, với những chính sách thông thoáng, mang tính đột phá, sẽ loại bỏ được những rào cản này, thu hút nhân tài về phục vụ cho đất nước.

Nhìn một góc độ khác, không nhất thiết phải trở về nước hay làm việc ở trong nước mới cống hiến được cho đất nước. Qua theo dõi đánh giá những năm vừa qua, hiện có nhiều trí thức trẻ người Việt đang sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia, trên các cương vị công tác khác nhau nhưng vẫn cống hiến rất hiệu quả cho đất nước. Tại các quốc gia phát triển, các nhà khoa học, trí thức trẻ người Việt có môi trường nghiên cứu khoa học, có điều kiện sáng tạo phát triển tốt hơn, đặc biệt là ở những lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, chuyển đổi số, kinh tế số, trong nước có thể đưa ra những “đặt hàng” cụ thể với họ.

Cuối cùng, điều quan trọng hơn cả là cần đánh giá đúng tiềm lực, cũng như vị trí, vai trò của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để có thể đưa ra những cơ chế chính sách cụ thể, khuyến khích được những chuyên gia, trí thức đó đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Hồng Nguyên, Tuấn Dũng/Chinhphu