Biểu hiện "nhiễm độc" chủ nghĩa hưởng thụ
Thật đáng phấn khởi khi Việt Nam từ một nước đói kém, lạc hậu nay vươn vai, "rũ bùn đứng dậy sáng loà", để người dân có thể hưởng thụ thành quả của cách mạng, thành quả của hoà bình. Tuy nhiên, với một quốc gia mới bước vào ngưỡng thu nhập trung bình cao thì việc đề cao hưởng thụ, lãng phí, sính ngoại, ham chuộng tiêu dùng xa xỉ phẩm, vung tay quá trán trong tiêu dùng… là những biến thể của chủ nghĩa hưởng thụ đang trở thành mối quan ngại sâu sắc. Quả là đáng lo khi một bộ phận giới trẻ dần sa vào chủ nghĩa hưởng thụ nhưng không phải bằng tiền mồ hôi, bằng quá trình chăm chỉ tích luỹ mà ỷ lại cha mẹ, dựa dẫm vào người khác. Sự trỗi dậy của trào lưu ăn chơi xa xỉ đã bật công tắc báo động về thói tham ăn lười làm, thích hưởng thụ nhưng lười lao động, lối sống "phông bạt", tiêu dùng vượt quá năng lực của bản thân.
Hiện nay, "chủ nghĩa hưởng thụ" đã "vươn vòi" sang khu vực công với lối tư duy chuộng hình thức, thích phô trương, sử dụng xa xỉ phẩm để định vị bản thân. Việc lãng phí trong khu vực công đồng nghĩa với việc tiêu tốn tiền thuế của dân. Và thói "trưởng giả" một khi đã trở thành "phương tiện" tham nhũng thì càng đáng quan ngại gấp bội phần. Vụ việc 450.000 đô trong chiếc cặp số ở vụ án chuyến bay giải cứu; những chiếc thùng xốp có chứa hàng triệu đô ở vụ án Vạn Thịnh Phát, những "chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe" trị giá hàng chục ngàn đô trong vụ án Công ty Xuyên Việt Oil… Tất cả đều là "đạn bọc đường" hay nói cách khác chính ham muốn vật chất, tư duy hưởng thụ đã phá bỏ hàng rào cuối cùng triệt tiêu sức chiến đấu của một số cán bộ, đảng viên.
Rõ ràng, đại đa số Nhân dân, cán bộ, đảng viên có lối sống giản dị, cần cù, tiết kiệm. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy rằng một bộ phận không nhỏ đã bị đầu độc sa vào vũng lầy của chủ nghĩa hưởng thụ. Biểu hiện dễ thấy nhất về mặt tư tưởng, họ một lòng theo đuổi danh lợi, ham hưởng thụ; về mặt tinh thần, họ lười lao động, ù lì trong công tác không cầu tiến bộ. Về lối sống, họ đặt lợi ích cá nhân, của cải vật chất lên trên hết, dễ bề kết thành "vây cánh", hình thành lợi ích nhóm trong cơ quan, đơn vị. Về thái độ, họ luôn chọn việc nhẹ nhàng và luôn trong tâm thế "dễ làm", "khó bỏ", "kén cá, chọn canh" lựa chọn vị trí, không chịu đựng gian khổ, mất đi năng lượng đỏ và động lực để đấu tranh.
Sức công phá ghê gớm của chủ nghĩa hưởng thụ đối với xã hội
Chủ nghĩa hưởng thụ đã và đang lan truyền một cách chóng mặt, ăn sâu bám rễ vào đời sống thường ngày cả trong khu vực công lẫn trong khu vực tư. Tình trạng nhiễm độc chủ nghĩa hưởng thụ thực sự là mối nguy cho Đảng, cho đất nước, cho xã hội, cho mỗi gia đình.
Dân gian có câu "Miệng ăn núi lở", cái giá của việc phung phí như "gió vào nhà trống", không tích luỹ phòng khi sa cơ thất thế sẽ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, đau khổ. Chủ nghĩa hưởng thụ cũng là tác nhân làm suy đồi đạo đức xã hội. Không chỉ gây lãng phí vật chất, nghiêm trọng hơn, chủ nghĩa hưởng thụ còn làm tha hóa tinh thần con người, đặc biệt là những người ham chuộng lối sống xa hoa nhưng thiếu tiềm lực tài chính sẽ dễ bề có hành vi lệch chuẩn, méo mó, không ngần ngại xé bỏ hàng rào đạo đức, phá hoại pháp quyền thậm chí có hành vi phạm tội, gây nguy hiểm cho xã hội.
Chủ nghĩa hưởng thụ sẽ gây ra sự lãng phí rất lớn về của cải và tài nguyên xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của thế hệ tương lai. Việc hoang phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên đã bắt đầu gây ra cuộc khủng hoảng sinh thái cho nhân loại. Sự lan tràn của chủ nghĩa hưởng thụ tất yếu sẽ dẫn đến hao hụt lượng lớn của cải xã hội và khiến các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đã eo hẹp càng trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết. Hành vi này, đi ngược lại với xu hướng phát triển bền vững, đồng thời gây ra thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái.
Thêm vào đó, lún sâu vào chủ nghĩa hưởng thụ là hòn đá tảng kéo lùi đạo đức xã hội vào chỗ suy đồi. Bởi Đảng cầm quyền có vai trò quan trọng trong việc định hướng giáo dục xã hội. Cán bộ liêm chính, đạo đức sẽ làm gương cho dân hướng thiện, cán bộ bất chính thì đạo đức của của xã hội sẽ thụt lùi. Xu hướng xa hoa, hưởng thụ không lành mạnh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là yếu tố làm ô nhiễm bầu không khí xã hội không những hiện nay và cả mai sau.
Làm xói mòn đạo đức Đảng
Có thể khẳng định rằng, chủ nghĩa hưởng thụ theo đuổi lối sống xa hoa, lãng phí, đam mê vật chất không phù hợp với bản chất và mục đích phụng sự Nhân dân của Đảng ta, càng xa rời với bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là căn bệnh trầm kha, nguy hại, là căn nguyên của tình trạng tham nhũng, lãng phí, là tác nhân làm dẫn đến sự thoái hóa tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Cần ghi nhớ, Đảng ta dựa vào Nhân dân để kết sợi dây đồng tâm toàn dân tộc, dựa vào sự phục vụ Nhân dân hết lòng để nhận được sự ủng hộ của Nhân dân. Vậy nếu chủ nghĩa hưởng thụ phát triển trong Đảng, thì còn ai mặn mà với việc mưu cầu hạnh phúc cho dân, còn ai phấn đấu vì các mục tiêu cao đẹp của Đảng? Và điều đó không khác nào chúng ta không giữ được bản chất của Đảng cộng sản, để "bánh xe" dân tộc đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, cần nhận định rõ chủ nghĩa hưởng thụ, sự xa hoa, lãng phí phô trương là tác nhân chính gây tổn hại đến hình ảnh của Đảng và chính quyền cách mạng. Những buổi tiệc chiêu đãi xa hoa, "lấy của làng làm lệnh" để thể hiện đẳng cấp, lấy lòng cấp trên và lối sống ham chuộng hình thức đã làm tổn hại đến Đảng ta. Đây là bức tường vô hình ngăn cách Đảng với quần chúng, khiến Đảng mất đi lòng dân, mất đi gốc rễ, cội nguồn sức mạnh của mình.
Ngoài ra, chủ nghĩa hưởng thụ sẽ dẫn đến sự suy đồi về mặt tinh thần của con người và khiến Đảng ta, cán bộ, đảng viên ta mất đi động lực đấu tranh vì sự tiến bộ xã hội. Nếu tôn thời chủ nghĩa hưởng thụ, chỉ chăm chăm theo đuổi vật chất sẽ khiến cán bộ, đảng viên dần xuống tinh thần, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ưa "ăn cỗ" thay vì "lội nước". Như vậy khác nào Đảng sẽ đánh mất vai trò là người dẫn đường, người lãnh đạo, dẫn dẫn dắt Nhân dân đấu tranh vì tiến bộ, công bằng xã hội.
Và nếu chủ nghĩa hưởng thụ trở thành xu hướng thịnh hành trong Đảng và chính quyền, chắc chắn sẽ bóp méo các giá trị, chuẩn mực của đời sống chính trị, của cán bộ, đảng viên. Và khi lợi ích cá nhân, lối sống thực dụng, đồng tiền được đặt lên trước hết, trên hết thì làm sao tập trung xây dựng được chủ nghĩa xã hội? Nếu như đại đa số cán bộ đều lấy hưởng thụ, xa hoa lãng phí thì thói vị kỷ sẽ lên ngôi, chủ nghĩa cá nhân sẽ chi phối gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, trong xã hội, là mầm mống nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm cán bộ sa đoạ, mất sức chiến đấu. Vậy làm sao để Đảng ta giữ mình, xứng đáng là đạo đức, là văn minh? Làm sao đưa phát triển đất nước tiến vào kỷ nguyên mới? Làm sao để đất nước vươn mình mạnh mẽ?
Như vậy, có thể khẳng định rằng, chủ nghĩa hưởng thụ, tình trạng lãng phí, xa hoa không phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước và là "cơn gió độc" đưa xã hội dần chệch hướng khỏi truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta, làm xói mòn nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nó không chỉ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn làm xói mòn đạo đức xã hội, làm tổn hại đến hình ảnh Đảng, của chính quyền; tổn hại đến mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, giữa cán bộ với quần chúng, làm lung lay nền tảng cầm quyền của Đảng. Nếu không được điều trị kịp thời và phòng ngừa hiệu quả, về lâu dài, nó sẽ trở thành "căn bệnh mãn tính" không thể chữa khỏi, dẫn đến nhiều biến chứng cản trở Việt Nam trên hành trình tiến vào kỷ nguyên mới.
(Còn nữa)
Trương Thị Điệp
Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng