Cần thống nhất nhận thức và hành động
Tổng bí thư Tô Lâm đã nhận định: "Đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống giặc nội xâm đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp"[1]. Rõ ràng, đây là vấn đề không mới nhưng cấp thiết, rất được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Vậy nên, trong giai đoạn hiện nay cần nhận thức đúng đắn về tác hại của chủ nghĩa hưởng thụ, đề cao, lan toả phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi đây là trụ cột quan trọng để huy động mọi nguồn lực để tiến vào kỷ nguyên mới là việc làm cần kíp.
Cần hiểu rõ, bài trừ chủ nghĩa hưởng thụ, thực hành tiết kiệm không có nghĩa là quay lại cuộc sống nghèo nàn, thắt lưng buộc bụng, chịu đói khổ mà có nghĩa là học cách trân trọng tài nguyên, môi trường tự nhiên và thành quả lao động, chống lại sự vung tay quá trớn trong tiêu dùng. Mỗi người dân, mỗi cán bộ đảng viên nêu cao tinh thần "tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn", "ít chắt chiu hơn nhiều phung phí" để chủ động ứng phó với những biến động, khủng hoảng có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Cho dù đó hạt gạo, mét vải hay một đồng tiền lẻ đều phải được sử dụng có kế hoạch và tiết kiệm nhất.
Chủ trương đã có, kỷ luật Đảng đã "vạch" thông qua nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận của của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, "nan lồng thể chế" cũng được siết chặt qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong đó có Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây có thể được coi là lời hiệu triệu của Đảng, là quyết tâm của Nhà nước, là màng lưới lọc loại bỏ cặn bã của chủ nghĩa hưởng thụ, thói xa hoa, lãng phí để xây dựng xã hội mới. Việc còn lại là quyết liệt trong hành động, trong tổ chức triển khai thực hiện. Trong giai đoạn hiện nay cần tập trung hoàn thiện chế độ quản lý ngân sách, thắt chặt chi tiêu công, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, điều tra xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm để tạo tính răn đe.
Như vậy, trong hành trình vươn khơi xa cập bến phồn thịnh cần thống nhất cả nhận thức lẫn hành động trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, xem chủ nghĩa hưởng thụ là kẻ thù cần tiêu diệt; chống lãng phí, thực hành tiết kiệm là trụ cột, là điểm tựa vững chắc kiến tạo tương lai. Cần ý thức rõ, chúng ta còn nghèo, cần tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm cơ hội, phát huy tối đa các nguồn lực để dồn sức cho sự phát triển trong tương lai để đất nước thuận lợi tiến vào kỷ nguyên mới.
Nuôi dưỡng "gen" cần, kiệm trong Đảng
Dân gian có câu "Buôn thuyền bán bè không bằng ăn dè hà tiện". Đó là kinh nghiệm được cha ông đúc kết, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là "mã gen di truyền" đã ăn sâu vào lối sống người Việt, là vốn quý cần được trao truyền và tiếp nối. Trong thời đại hiện nay, mặc dù điều kiện sống của người dân đã được cải thiện, ngân sách nhà nước không quá eo hẹp và chúng ta không còn phải trải qua thời kỳ "thắt lưng buộc bụng", nhưng dù sung túc đến đâu cũng đừng nhất mực tôn sùng chủ nghĩa hưởng thụ, chìm đắm trong xa hoa, truỵ lạc mà hãy khắc ghi lời dặn dò của lớp người đi trước: "Được mùa chớ phụ ngô khoai, đến khi thất bác lấy ai bạn cùng".
Bài học của lịch sử giúp chúng ta thấu suốt rằng vinh hay nhục, hưng hay vong của mỗi thời kỳ đều phụ thuộc vào giới cầm quyền có cần, kiệm, lo cho dân, cho nước hay hoang phí đắm chìm trong xa hoa, truỵ lạc. Kể từ khi có Đảng, nhiều thế hệ cán bộ cách mạng lão thành luôn nêu cao lối sống giản dị, tinh thần cần cù, tiết kiệm. Vậy nên, đối với cán bộ, đảng viên, đây là đức quý, đáng tự hào cần gìn giữ, lấy đó làm nền tảng để tu dưỡng bản thân, xây dựng, phát triển Đảng, để quản lý đất nước, là trụ cột đi đến thịnh vượng.
Thêm vào đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công"[2]. Như vậy, có thể nói "gen cần, kiệm" không chỉ là tiền đề cơ bản cho sự phát triển, mà còn là sự bảo đảm quan trọng để đất nước kế thừa quá khứ và tạo ra những đỉnh vinh quang trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lan toả văn hoá cần, kiệm trong toàn xã hội
Trong giai đoạn rất đặc biệt như hiện nay, cần thổi bùng, lan toả mạnh mẽ phong trào thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện", "cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày" như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết "Chống lãng phí". Để làm được điều này, các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, đơn vị, đoàn thể và đông đảo cán bộ, đảng viên, phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, Nhà nước, có ý thức tiết kiệm trong chi tiêu công, sử dụng tài sản công. Bởi một lẽ "Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính"[3].
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần quan tâm hơn nữa về uốn nắn, giáo dục học sinh về tính cần, kiệm, nâng cao ý thức chống chủ nghĩa hưởng thụ, xa hoa, lãng phí. Và việc hướng dẫn cần đi vào cụ thể tạo nên nếp sinh hoạt chuẩn mực như gọi và lấy thức ăn với số lượng phù hợp, không kén chọn thức ăn, không để thức ăn thừa hoặc vứt thức ăn thừa. Các cơ quan chức năng cũng phải có biện pháp hướng dẫn, khuyến nghị người dân tiêu dùng một cách văn minh, hợp lý. Mặt khác, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục để tăng sức hấp dẫn. Ví dụ, nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm hoạt động của nhà nông, giúp các em cảm nhận được sự khó khăn khi làm ra hạt lúa, củ khoai…để hình thành thói quen tiết kiệm.
Và trong mỗi gia đình cần phát huy truyền thống cần, kiệm từ việc tiết kiệm thực phẩm, điện, nước… Các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm trong việc giáo dục và hướng dẫn con cái biết trân trọng sức lao động, vun bồi đức tính cần cù, tiết kiệm thông qua lời nói và hành động, biến tiết kiệm thành thói quen, thành nề nếp sinh hoạt.
Các phương tiện truyền thông một mặt cần phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục, mặt khác cần nâng cao hoạt động giám sát dư luận xã hội. Cần lan toả tấm gương điển hình tiên tiến về cần kiệm, tiết kiệm, vạch trần và phê phán các hành vi, hiện tượng lãng phí, hình thành động lực tuyên truyền và dư luận xã hội mạnh mẽ, tạo chuyển biến trong nhận thức đúng đắn về hưởng thụ, lãng phí là đi ngược xu hướng, cần, kiệm mới là "mốt" trong thời đại mới.
Dựa vào dân để xoá bỏ chủ nghĩa hưởng thụ, ngăn chặn xu hướng xa hoa, lãng phí
Việc xoá bỏ chủ nghĩa hưởng thụ, phát động phong trào phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm phải dựa vào Nhân dân. Phải "làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp"[4]. "Mắt sáng", "tai tỏ" của quần chúng sẽ giúp Đảng ta tăng cường công tác giám sát. Bởi quần chúng là những người rõ mồn một việc cán bộ, đảng viên bị cuốn vào chủ nghĩa hưởng thụ, ham chuộng lối sống xa hoa, xa rời quần chúng. Bên cạnh đó, cần phải đi sâu vào cơ sở để nắm bắt thông tin, tiếp tục huy động sự nhiệt tình, chủ động của quần chúng để triệt tiêu chủ nghĩa hưởng thụ, nguồn cơn của lãng phí.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm, dựng hàng rào tư tưởng
Tinh thần trách nhiệm là liều thuốc tốt để chữa căn bệnh hưởng thụ, thói xa hoa, lãng phí. Bởi nếu không có tinh thần tự giác, dù có bao nhiêu chủ trương, bao nhiêu quyết sách, bao nhiêu biện pháp tuyên truyền giáo dục cũng trở thành vô nghĩa.
Đối với Nhân dân cần xây dựng thói quen lao động trước, hưởng thụ sau và hưởng thụ không vượt quá năng lực, nhu cầu của bản thân. Đối với bản thân cán bộ, đảng viên cần nêu cao ý thức vun bồi lý tưởng, nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm, hoài bão lớn lao để bị tránh cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa hưởng thụ, tự mình dựng nên rào chắn tránh thói trưởng giả, xa hoa, lãng. Đối với tổ chức Đảng, cần thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình, quan tâm đúng mực đến công tác tư tưởng nhằm sớm phát hiện sự sa sút, lệch lạc tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên để kịp thời nắn chỉnh.
Như vậy, trong kỷ nguyên mới, phải làm sao truyền thống cần kiệm, văn hoá yêu nước hòa nhập vào dòng máu của dân tộc, hình thành nên "gen tinh thần" đặc trưng của dân tộc Việt Nam? Phải làm sao khát vọng cống hiến của hơn 5,6 triệu đảng viên không tách rời mà hoà làm một với ý chí vươn lên của hơn 100 triệu dân Việt Nam? Phải làm sao sức mạnh của cơn lốc thời đại cần kết hợp với sức mạnh của truyền thống cần, kiệm được hun đúc từ bao đời? Những định hướng nêu trên chính là gợi ý để tìm câu trả lời. Và đây cũng chính điểm tựa vững chắc, là yếu tố cốt lõi bảo đảm Việt Nam nối dài những mốc son vẻ vang trong lịch sử, tạo hào quang rực rỡ trong kỷ nguyên mới.
Trương Thị Điệp
Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng
[1]. Tổng Bí thư Tô Lâm (2024), Chống lãng phí.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.110
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, Sđd, tr.16
[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 13, tr.419.