TNV - Chiều 14/6, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức ký kết phối hợp tuyên truyền vận động hiến mô, tạng đồng thời khởi động đăng ký hiến mô tạng tại hệ thống Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Đại diện các đơn vị tại Lễ ký kết phối hợp tuyên truyền vận động hiến mô, tạng
Ghép mô, tạng được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong những phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20.
Tại Việt Nam, trải qua 32 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào tháng 6/1992; đến nay, ngành Y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới; Về mạng lưới hệ thống trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công; ghép được hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy, với hơn 1000 ca ghép tạng mỗi năm. Tuy nhiên nhu cầu mỗi năm có hàng chục ngàn bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng phải chờ đợi vì thiếu nguồn mô tạng, do đó chúng ta cần tăng nguồn hiến tạng sau chết/chết não.
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ: Ghép tạng là một phương pháp điều trị, nhưng hiện tỉ lệ được ghép mô tạng còn thấp, do thiếu nguồn tạng. Do đó, sáng kiến của 3 đơn vị trong việc ký kết tuyên truyền vận động hiến mô, tạng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để có thêm bệnh nhân được cứu sống.
Thứ trưởng Tuyên yêu cầu ba đơn vị ký kết, bên cạnh việc tuyên truyền vận động, cần hướng dẫn cá nhân đăng ký hiến tạng tập trung tuyên truyền cả người đăng ký hiến lẫn người thân của người đăng ký hiến tạng.
Phó giáo sư Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ: Thời gian qua, đã có nhiều tấm gương tiêu biểu trong ngành y tế hiến tạng sau khi qua đời, như nữ điều dưỡng Lộ Thị Thuỳ Linh của Bệnh viện E, đã hiến tạng cứu sống 4 bệnh nhân trong đó có 1 người bệnh được ghép tim và 2 người được ghép thận ở Bệnh viện Việt Đức, 1 người được ghép gan ở Bệnh viện 108. Nữ điều dưỡng Lộ Thị Thuỳ Linh được Bộ trưởng Bộ Y tế truy tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân", Công đoàn Y tế Việt Nam cũng tặng Bằng khen để tri ân và lan toả hành động nhân văn trong toàn ngành y tế.
Thành công của các ca phẫu thuật này chính là những dấu ấn lớn của ngành Y tế trong lĩnh vực cấy ghép mô tạng Việt Nam; thể hiện sự điều phối, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị y tế trong lĩnh vực ghép tạng; đồng thời cũng là minh chứng rõ nét cho tinh thần, truyền thống “tương thân, tương ái” của con người Việt Nam ta, Phó giáo sư Nguyễn Thanh Bình chia sẻ thêm.
Tiến sĩ Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về đăng ký hiến mô, tạng, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã chủ động báo cáo, đề xuất xây dựng chương trình vận động hiến mô, tạng và vận động hội viên trên cả nước đăng ký hiến mô tạng.
Sắp tới, cùng với tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh từ thiện, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tổ chức các hội thảo để nâng cao nhận thức, đóng góp tích cực vào công tác vận động hiến tạng; phối hợp tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành quả quốc tế vào công tác ghép tạng của Việt Nam.
PV