TNV - Đóng góp của Hồ Chí Minh với việc lựa chọn sự phát triển của Việt Nam theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đã góp phần làm phong phú thêm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về khả năng của các nước có trình độ phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa khác nhau, trong những điều kiện cụ thể thực hiện những biến đổi tiến bộ sâu sắc theo con đường xây dựng một xã hội mới. Đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là nét đặc sắc trong nhân tố chủ quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực tiễn bối cảnh của thế giới những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nếu như C.Mác hoạt động trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển, đã bộc lộ gay gắt mâu thuẫn kinh tế - xã hội, cuộc đấu tranh giữa tư sản và vô sản đòi hỏi phải có lý luận đáp ứng yêu cầu của thời đại đó. V.I.Lênin hoạt động lý luận trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản đã chuyển thành chủ nghĩa đế quốc, vấn đề trực tiếp tiến hành cách mạng vô sản được đặt ra. Còn Hồ Chí Minh sinh ra và hoạt động trong bối cảnh lịch sử chủ nghĩa đế quốc đã phân chia xong thuộc địa lần thứ nhất và tiếp tục chia lại thuộc địa (cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất). Đặc biệt, Cách mạng tháng Mười Nga với sự ra đời của của nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, rồi đến cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Hai với thắng lợi của phe Đồng minh chống phát xít, mở ra con đường phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa cho hàng loạt nước. Rõ ràng, Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử gắn với lịch sử của thế giới khi mà bên cạnh mâu thuẫn cơ bản giữa tư sản và vô sản, đã xuất hiện gay gắt mâu thuẫn giữa hệ thống tư bản chủ nghĩa và hệ thống xã hội chủ nghĩa, giữa các nước thực dân tư bản với nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia phong kiến nhỏ bé, lạc hậu ở Đông Dương, trong bối cảnh chung của thế giới, cũng không thoát khỏi thân phận là thuộc địa nửa phong kiến. Xã hội Việt Nam cũng hội tụ những mâu thuẫn lớn của thời đại. Với tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn, cả nước đã nổi dậy chống thực dân Pháp và chống lại cả triều đình nhà Nguyễn. Nhiều sĩ phu yêu nước đã đứng lên tập hợp quần chúng chống lại thực dân Pháp xâm lược nhưng cuối cùng đều chưa giành được thắng lợi. Nguyên nhân chính của những thất bại đó là do bế tắc về đường lối, về nhận thức quy luật khách quan của sự vận động thời cuộc. Trong bối cảnh lịch sử ấy của đất nước và thời đại, rất cần một tư tưởng khoa học, cách mạng, vượt lên trên những tư tưởng đương thời. Và cũng chính hoàn cảnh lịch sử với yêu cầu cách mạng ấy là nguồn gốc đầu tiên quy định mục tiêu, khơi nguồn động lực cho việc hình thành và phát triển những quan điểm duy vật lịch sử trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mà trung tâm của vấn đề là tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, đảm nhận sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, theo con đường mà Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đã vạch ra.
Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho yêu nước, tiến bộ, trên một miền quê hương cách mạng, hiếu học nên ở Hồ Chí Minh đã sớm có sự kế thừa những tư tưởng triết học, nhất là triết học chính trị xã hội trong truyền thống của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có những tư tưởng triết học sâu sắc và độc đáo, được hình thành từ rất sớm, được bổ sung và tích lũy trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà tiêu điểm của nó là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết và đạo lý làm người. Có thể khẳng định, những tư tưởng triết học truyền thống của dân tộc là cội nguồn, là yếu tố nội sinh được tích tụ một cách tự nhiên trong quan điểm duy vật lịch sử của Hồ Chí Minh. Điều đó cũng giúp Người dễ dàng tiếp thu và kế thừa tất cả những giá trị triết học của nhân loại, để các giá trị của các trường phái triết học phương Đông hoặc phương Tây không hề mâu thuẫn mà hài hòa, bổ sung cho nhau khi nhập thân vào quan điểm duy vật lịch sử của Hồ Chí Minh.
Ra đi từ hành trang yêu nước, trải qua hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước, trải nghiệm thực tiễn, Hồ Chí Minh đã tiếp thu, thâu thái những giá trị tinh hoa của quan điểm triết học phương Đông và phương Tây để làm giàu thêm tri thức và những quan điểm duy vật lịch sử của mình. Bước ngoặt nhảy vọt về chất trong sự hình thành quan điểm duy vật lịch sử của Hồ Chí Minh chính là việc Người đã kế thừa thẳng và trực tiếp triết học Mác - Lênin . Theo đánh giá của Người thì: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta … là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng”. Đối với Hồ Chí Minh, việc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của Người, nâng tầm trí tuệ của Người lên tầm cao mới. Người không chỉ vượt lên trên tất cả những người Việt Nam đương thời mà còn đem lại một thế giới quan khoa học, một phương pháp nhận thức và hành động đúng đắn.
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã trang bị cho Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng trong con đường cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã góp phần trả lời cho Hồ Chí Minh những câu hỏi lớn mà trước đó Người chưa trả lời được. Với khả năng tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, Hồ Chí Minh không tiếp thu nguyên xi chủ nghĩa Mác - Lênin mà vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử đó vào điều kiện cụ thể của thời đại mới và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin diễn ra một cách tự nhiên, với sự chân thành và giản dị của Người: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III”. Và từ những nhận thức ban đầu, Hồ Chí Minh đã tiếp thu một cách có chọn lọc, không rập khuôn, máy móc, sao chép giáo điều, vận dụng triết học Mác - Lênin vào nhận thức và giải quyết những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam, chứ không đi tìm những kết luận có sẵn trong sách vở.
Nhân tố chủ quan của Hồ Chí Minh là tổng hòa của nhân cách, phẩm chất, tài năng và trí tuệ của Người, đã giúp Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó còn là tấm lòng yêu nước, yêu dân nồng nàn, sâu sắc. Hồ Chí Minh có tâm hồn của một người yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành cách mạng, một trái tim yêu thương nhân dân, thương người cùng khổ, sẵn sàng chịu đựng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Một hành trình cách mạng sôi nổi, nhiệt huyết, mang trong mình những truyền thống tốt đẹp và sức mạnh của một dân tộc đang khao khát hòa bình và tự do. Lòng yêu nước ở Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với lòng yêu thương con người, khát vọng giải phóng dân tộc gắn liền với khát vọng giải phóng con người. Chính tấm lòng yêu nước thương dân nồng nàn sâu sắc đã giúp Người vượt qua mọi khó khăn, gian nan trong hành trình đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Sau rất nhiều năm bôn ba, trải qua rất nhiều gian nan, vất vả, Người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc: con đường cách mạng vô sản. Và cũng chính từ đây, Hồ Chí Minh chính là “kiến trúc sư trưởng” của một công cuộc hoàn toàn mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam.
Trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã có quan điểm duy vật lịch sử về tiến trình lịch sử - tự nhiên của các hình thái kinh tế - xã hội: “ Xã hội từ chỗ ăn lông, ở lỗ, tiến đến xã hội nô lệ, tiến đến chế độ phong kiến, tiến đến xã hội tư bản, rồi tiến đến xã hội chủ nghĩa ”. Theo Người, sự phát triển từ một chế độ xã hội này sang một chế độ xã hội khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, phức tạp giữa cái mới và cái cũ, nhưng cái mới nhất định sẽ chiến thắng: “ Một chế độ này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, kịch liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển. Kết quả là cái mới, cái đang tiến bộ nhất định thắng ”. Sự phát triển ấy là một tất yếu lịch sử, không lực lượng nào có thể ngăn trở được: “ Lịch sử của xã hội do người lao động tạo ra. Sự phát triển của lịch sử là quy luật không ai ngăn trở được… Chế độ tư bản nhất định sẽ biến đổi thành chế độ xã hội chủ nghĩa” và “Sớm hay muộn, tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội ”.
Sự độc đáo, sáng tạo của Hồ Chí Minh về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam thể hiện nhân tố chủ quan của Người trên nhiều phương diện. Trên nền tảng hiện thực xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lênin thì tư tưởng về tiến trình cách mạng dân tộc mới trở nên khoa học, bởi lẽ, ở Học thuyết ấy, Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được tư tưởng về sự thống nhất giữa tính “tuần tự” và tính “bỏ qua” một hay một vài hình thái kinh tế - xã hội để lên hình thái kinh tế - xã hội cao hơn, tiến bộ hơn. Và từ cơ sở khoa học đó, Người đã quyết định đặt cách mạng giải phóng dân tộc nằm trong quỹ đạo của cách mạng vô sản.
Hồ Chí Minh cho rằng, tuy chủ nghĩa xã hội có mục tiêu, nguyên lý chung, nhưng cần nhận thức rõ tính quy luật chung và đặc điểm lịch sử cụ thể của mỗi nước khi bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng: “ Nhưng tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau… Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội,… có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội' ”. Và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với: “… đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. Do vậy, phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, chống giáo điều, rập khuôn kinh nghiệm nước ngoài. Người nhấn mạnh: “ Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác...ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội ”.
Xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một sáng tạo to lớn của Hồ Chí Minh trong việc tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Cho đến nay, những đóng góp của Người về lý luận con đường cách mạng Việt Nam nói chung, xây dựng chủ nghĩa xã hội nói riêng, vẫn giữ nguyên giá trị, là ánh sáng soi đường cho Đảng và Nhân dân ta vững bước trên con đường xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đại tá, TS Nguyễn Văn Thủy, Trung tá Hán Văn Thắng - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng