TNV - Ngày 05-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi từ bến Nhà Rồng thuộc Nam Bộ. 30 năm sau, năm 1941, Nguyễn Tất Thành khi ấy đã mang tên là Nguyễn Ái Quốc trở về đầu nguồn PắcBó. Tìm đường cứu nước, về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã cùng Trung ương Đảng ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách phù hợp thực tiễn cách mạng Việt Nam, một trong những dấu ấn lớn ấy chính là thành lập Mặt trận Việt Minh.
1. Mười một năm trước khi về nước lãnh đạo cách mạng, tại Hương Cảng – Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính cương văn tắt, Sách lược văn tắt được thông qua tại hội nghị thành lập Đảng có rất nhiều điểm về tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v”.
Bằng tư duy sáng tạo nên ngay sau khi về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với tư tưởng xuyên suốt là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản”, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra sức mạnh của lòng dân và tập trung xây dựng lực lượng chính trị bằng tổ chức Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Mặt trận Việt Minh có mục đích là đoàn kết, tập hợp các lực lượng cách mạng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chính yếu là giải phóng dân tộc: "Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".
Đối với sự thay đổi chiến lược quan trọng này, Giáo sư Trần Văn Giàu đã đánh giá, đó là sự chuyển hướng đường lối cách mạng Việt Nam quay về hướng dân tộc chủ nghĩa đã bắt đầu từ khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Sự chuyển hướng này bao gồm cả chiến lược, chiến thuật và tổ chức đấu tranh. Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Văn Giàu, sự chuyển hướng chỉ thật sự rõ kể từ khi Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương 8 và quyết định thành lập Mặt tận Việt Minh thì: “Mới thật có một bước ngoặt đầy đủ của đường lối. Từ nay tất cả các hoạt động đều nhằm vào một mục tiêu chính: giành độc lập dân tộc, rút khẩu hiệu cách mạng điền địa, và rút tất cả những gì có thể gây trở ngại cho sự tập hợp các lực lượng dân tộc. Không tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương mà lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); không tổ chức công hội mà tổ chức công nhân cứu quốc, không tổ chức nông hội mà tổ chức nông dân cứu quốc; đó không phải chỉ là đổi tên; từ nay các cuộc đấu tranh kinh tế, xã hội đều phải kể đến lợi ích dân tộc tối cao, phải điều chỉnh chừng mực thế nào để vừa quyền lợi giai cấp của công nông được bênh vực, vừa quyền lợi của tư sản dân tộc và của thân sĩ, địa chủ yêu nước cũng không phải bị thiệt thòi cho phép họ gia nhập hàng ngũ giải phóng dân tộc của Việt Minh. Không đặt nhiệm vụ lập chính phủ công nông như trước, mà lập chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ”.
Chương trình Việt Minh.
2. Ngay từ những năm tháng còn hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh quan điểm Đảng phải lãnh đạo phát triển mạnh mẽ tổ chức Mặt trận và làm sao Mặt trận tin cậy và thừa nhận quyền lãnh đạo của Đảng: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”. Khi được thành lập, Mặt trận Việt Minh được xây dựng có hệ thống; công bố chương trình, với những chủ trương, chính sách cụ thể, cơ bản vì độc lập dân tộc; hoạt động vì nhiệm vụ cấp bách của cách mạng là phát huy tinh thần dân tộc, yêu nước để giành độc lập.
Việt Minh công bố luôn Tuyên ngôn và Điều lệ, nói rõ tôn chỉ, mục đích của mình: "Liên hiệp hết thảy tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật-Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Tôn chỉ quy định điều kiện gia nhập Việt Minh: "Việt Minh kết nạp từng đoàn thể, không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, hễ thừa nhận mục đích, tôn chỉ và chương trình của Việt Minh và được Tổng bộ Việt Minh thông qua, thời được gia nhập Việt Minh".
Mười chính sách lớn của Việt Minh
3. Ngày 16 - 17-8-1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa trên cả nước. Trong thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, tháng 8-1945, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Việt Minh tập hợp hàng chục triệu người: “Trong Việt Minh đồng bào ta bắt tay nhau chặt chẽ, không phân biệt trai, gái, già, trẻ, lương, giáo, giàu, nghèo”, “Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập”.
Lãnh đạo Việt Minh và OSS năm 1945.
Ngay sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời, Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài báo, thơ tuyên truyền, giải thích chính sách của Mặt trận Việt Minh: “Muốn tự do độc lập thì phải hy sinh tranh đấu. Vậy ngay từ đây, mỗi cán bộ, mỗi một hội viên Việt Minh đều phải tuyên truyền tổ chức; Phải làm cho các Hội cứu quốc ngày càng mạnh, làm cho các đội tự vệ, các đội du kích ngày càng nhiều. Toàn quốc đồng bào, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu nghèo, quý tiện đều phải vào các Hội cứu quốc. Đoàn kết được chặt chẽ, giải phóng sẽ thành công”.
Việt Minh đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đường lối của Mặt trận Việt Minh là quy tụ tất cả các giới đồng bào vì mục tiêu chung là đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Đó chính là lý do mà năm 1945, khi Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ có hơn 5 nghìn đảng viên nhưng đã lãnh đạo Nhân dân làm nên cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại. Đó thật sự là cuộc cách mạng kết tinh sức mạnh của Nhân dân dưới sự lãnh đạo bằng đường lối đúng đắn từ tư duy đổi mới, sáng tạo của Hồ Chí Minh.
Kế tục vai trò lịch sử của các hình thức tổ chức Mặt trận trước đây, trong đó có Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay được xác định là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các giai cấp, tầng lớp, các cá nhân người Việt Nam tiêu biểu ở cả trong và ngoài nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nơi quy tụ các giới đồng bào nhằm phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam, không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ý thức hệ, ở trong nước hay ở nước ngoài vì mục tiêu chung là lợi ích quốc gia, dân tộc.
Vũ Trung Kiên – Vũ Thị Sen