TNV - Năm 1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra. Sau 5 năm ngày cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Đánh giá về sự kiện trọng đại này, Giáo sư Trần Văn Giàu, vị “nhạc trưởng” ở Nam Bộ giai đoạn ấy đã viết: “Một trong những nguyên nhân thành công của Nam bộ ngày 24, 25 tháng Tám năm 1945, bắt nguồn từ kinh nghiệm thất bại của Nam Kỳ Khởi Nghĩa tháng 11 năm 1940. Người đi trước lấy thân mình lót đường cho người tới sau là thế.Thất bại - mẹ thành công là thế”.
Đêm 22 rạng 23-11-1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra ở hầu khắp các tỉnh miền Nam. Từ cuộc khởi nghĩa này, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trước trụ sở cách mạng ở Mỹ Tho, Vĩnh Long để rồi sau này đã được chọn thành Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Khởi nghĩa Nam Kỳ dù bị thực dân Pháp dìm trong biển máu song tinh thần yêu nước quả cảm vô song của những người anh hùng đã đã làm nên cuộc khởi nghĩa rung chuyển toàn Nam Bộ khi ấy là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ và xốc cả dân tộc Việt Nam đi tới.
Kể từ khi thực dân Pháp đặt toàn bộ ách thống trị lên đầu, lên cổ nhân dân ta ở Miền Nam thì đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang có quy mô rộng lớn và mạnh mẽ nhất. 83 năm qua và mãi mãi về sau, khí phách anh hùng, tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của những người anh hùng đã làm nên cuộc khởi nghĩa này vẫn sống mãi. Đây là cuộc khởi nghĩa để lại nhiều dấu ấn đặc biệt khó phai mờ: Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện và chính là lá quốc kỳ thấm đẫm máu đào của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước; lần đầu tiên trong tài liệu, truyền đơn xuất hiện tên gọi "Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà" v.v…
Nhân dân tham gia khởi nghĩa Nam kỳ. Ảnh TL.
Tháng 7 năm 1940, Xứ uỷ Nam Kỳ họp mở rộng đã thông qua đề cương chuẩn bị khởi nghĩa do thường vụ Xứ uỷ khởi thảo. Ông Phan Đăng Lưu, đại diện Trung ương Đảng, sau khi dự hội nghị này được cử ra Bắc họp Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (từ ngày 6 đến 9/11/1940) để báo cáo và xin chỉ thị của Trung ương.Sau khi nghe báo cáo và phân tích tình hình, Trung ương Đảng đã chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vì thời cơ cách mạng chưa cho phép. Thế nhưng, sau khi ông Phan Đăng Lưu trở lại truyền đạt quyết định này thì lệnh khởi nghĩa đã triển khai tới tận cơ sở, không thể thu hồi. Ngày 20/11/1940, lệnh khởi nghĩa được ban hành và cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra giữ đêm 22 rạng ngày 23/11/1940. Tổ chức cập rập, lại bị kẻ địch cài cắm gián điệp vào hàng ngũ nên các lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa này bị bắt ngay sau khi vừa họp để nghe Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn Tạ Uyên phổ biến kế hoạch khởi nghĩa. Đại diện Trung ương Đảng Phan Đăng Lưu về tới Sài Gòn cũng bị địch bắt. Rất nhiều kế hoạch của khởi nghĩa đề ra trước đó không thể thực hiện được nhưng đêm 22 rạng sáng 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vẫn bùng nổ với khí thế mạnh mẽ và quy mô lớn chưa từng có. Trừ Hà Tiên, Trà Vinh, bà Rịa, Vũng Tàu, các tỉnh còn lại khởi nghĩa đã nổ ra rộng khắp, gần như cả nông thôn Nam Bộ rung chuyển từ Biên Hòa đến tận Cà Mau. Ở Mỹ Tho, đã có 54 trong tổng số 56 xã được giải phóng.Nhiều tỉnh thành hác từ Chợ Lớn đến Tân An, nhiều khu vực đã nằm trong tay quân khởi nghĩa. Cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm phấp phới tung bay ở hàng loạt trụ sở của chính quyền cách mạng.
Lá cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ của Tổ quốc Việt Nam ra đời từ Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940
Thực dân Pháp điên cùng đàn áp và phản kích dữ dội nhằm tiêu diệt đội quân khởi nghĩa và chính quyền cách mạng.Cùng với quần chúng, du kích quân Nam Kỳ đã chiến đấu vô cùng anh dũng.Mặc dù bị đàn áp khốc liệt nhưng cúng có nơi như Mỹ Tho, quân khởi nghĩa đã nắm chính quyền được 49 ngày. Có địa điểm, ta mở toà án để quần chúng xét xử những tên phản động. Một số nơi, ta tịch thu ruộng đất, phá kho thóc của địa chủ chia cho dân nghèo và nuôi nghĩa quân v.v…Trước sự đàn áp khốc liệt của quân thù, tính đến ngày 31/12/1940, ở các tỉnh có phong trào khởi nghĩa gần 6.000 người đã bị bắt và bị giết (giặc lấy dây thép xâu tay rồi phơi nắng cho đến chết khô, hoặc chất lên sà lan đưa ra biển nhận chìm). Nghĩa quân ngày càng gặp nhiều khó khăn và đã phải rút về Thủ Dầu Một, vùng Đồng Tháp Mười và U Minh để bảo toàn và củng cố lực lượng chờ thời cơ mới. Tháng 12/1940, Đảng bộ Nam Kỳ họp ở Bà Quẹo (Gia Định) quyết định rút lui để tránh tổn thất, đưa lực lượng còn lại xây dựng căn cứ ở rừng U Minh và Đồng Tháp Mười. Ngày 10/3/1941 tại ở Đức Hòa (Long An), tòa án binh của thực dân Pháp đã xử bắn 29 người. Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định Tạ Uyên bị giặc đánh chết trong nhà tù. Nhiều lãnh tụ cốt cán của Đảng bị bắt trước khởi nghĩa nổ ra cũng nhân cơ hội này bị thực dân Pháp quy tội, kết án và xử tử hình như: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai. Có thể nói từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chưa khi nào phong trào cách mạng Việt Nam gặp tổn thất to lớn như lúc này.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy thất bại, nhưng đã để lại nhiều bài học sau này cho cách mạng Việt Nam.Đặc biệt, nó đã gây tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài.Đảng Cộng sản Pháp trong một bức thư gửi tới Đảng Cộng sản Đông Dương sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại đã viết: "... Chúng tôi cúi đầu trước vong linh những người chiến sĩ đấu tranh cho tự do đã hy sinh hồi tháng 11 dưới súng liên thanh của Decoux, Beaudouin, Pétain... Chúng tôi kính cẩn nghiên mình trước những người anh hùng đó, đặc biệt chúng tôi nghiêng mình trước những anh chị em ruột thịt anh hùng là đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương".
Khởi nghĩa Nam kỳ là trang sử oanh liệt của mảnh đất Miền Nam anh dũng kiên cường, thể hiện tinh thần yêu nước cháy bỏng, khí phách hiên ngang trước quân thù và đặc biệt là tinh thần thà chết không chịu làm nô lệ.
Vũ Trung Kiên - Học viện Chính trị khu vực II
Trần Thị Hảo - Học viện Hành chính Quốc gia phân viện tại TP. HCM