TNV - Từ trường hợp đầu tiên được báo cáo từ Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019, sự lây lan của loại virus corona chủng mới đến nay được gọi là SARS-CoV-2 (severe acute respiratory syndrome coronavirus 2 – coronavirus 2 gây hội chứng suy hô hấp cấp nặng) đã lây nhiễm cho khoảng 400.000 người, trong đó có trên 18.800 người chết vì căn bệnh này trên toàn cầu. Tại Việt Nam, số ca nhiễm virus này đang tăng từng ngày (chủ yếu là người trở về từ các nước đang là các vùng dịch tể), và cũng đã có số lượng đáng kể các bệnh nhân phải nhập viện điều trị, trong đó một số ca bị suy hô hấp rất nặng phải thở máy, hoặc nguy kịch hơn nữa đã phải nhờ đến kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể ECMO ( Extra-Corporeal Membrane Oxygenation ) như là giải pháp sống còn trong thời gian điều trị chờ hồi phục.
ECMO là một kỹ thuật hỗ trợ cơ học đồng thời chức năng tim và phổi bởi một hệ thống tim phổi nhân tạo. Kỹ thuật này được phát triển từ kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể trong phẫu thuật tim được áp dụng đầu tiên bởi John Gibon vào năm 1953. Nguyên lý ECMO là sử dụng một bơm bên ngoài (loại bơm ly tâm hoặc loại bơm con lăn) để đẩy máu tĩnh mạch (chưa được oxy hóa) của bệnh nhân qua một màng phổi nhân tạo (oxygenator) giúp cung cấp O 2 và thải CO 2 , sau đó bơm máu giàu oxy trở lại hệ tuần hoàn của người bệnh.
Ứng dụng kỹ thuật ECMO đầu tiên trong hồi sức sau một ca mổ tim bẩm sinh phức tạp.
Ứng dụng ECMO có thể giúp điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân vẫn bị hạ oxy máu hoặc bị ưu thán (tăng CO 2 ) quá mức mặc dù đã được hỗ trợ thở máy tối đa, hoặc cho những bệnh nhân bị sốc tim không hồi phục. Trường hợp bệnh nhân bị suy tim, ECMO được chỉ định để tạo cơ hội cho bệnh nhân hồi phục chức năng tim, hoặc khi đó ECMO có vai trò làm cầu nối (chờ ghép tim, chờ cấy thiết bị hỗ trợ tâm thất VAD hoặc cấy tim nhân tạo toàn phần TAH). Trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp, ECMO giúp làm giảm mức độ hỗ trợ của máy thở, do đó bệnh nhân sẽ có cơ hội để hồi phục bệnh lý nền tại phổi.
Trên Thế giới, từ năm 1970, đã thực hiện ECMO giúp cứu sống nhiều bệnh nhân tưởng chừng không qua khỏi, vốn đã trơ với điều trị hồi sức nội khoa thông thường. Tỷ lệ sống còn các bệnh nhân này khi được hỗ trợ ECMO khá cao trên 90% thành công cho các hội chứng đường hô hấp; trên 80% thành công cho các trường hợp tăng áp phổi thường xuyên; trên 65% thành công cho các trường hợp sốc nhiễm trùng; trên 60% thành công sau phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp, trên 50% đối với bệnh lý cơ tim dãn.
Thành công ca ECMO đầu tiên sau 05 ngày được hỗ trợ ECMO vào năm 2009.
Bệnh nhân đầu tiên được ứng dụng thành công kỹ thuật ECMO tại Việt Nam vào tháng 3/2009 là một bệnh nhi sau phẩu thuật sữa chữa đảo gốc các đại động mạch chủ và phổi (bệnh tim bẩm sinh phức tạp).Thành công của phương thức điều trị mới này ở Việt Nam không những đã mở ra cơ hội cứu sống cho những bệnh nhân cần hồi sức sau các ca mổ tim nặng, mà đã được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực hồi sức tích cực đặc biệt rất hiệu quả cho nhiều ca suy hô hấp nguy kịch đến tính mạng người bệnh.
Sự phá hủy nhanh các cơ quan nội tạng do sự nhân lên của virus trong cơ thể người bệnh, đặc biệt là khi suy hô hấp, chức năng phổi trở nên không đáp ứng với nhu cầu oxy cơ thể thậm chí cả với những bệnh nhân đang được thở máy tại khoa hồi sức tích cực. ECMO được xem là giải pháp sống còn cho những bệnh nhân nguy kịch trong thời gian chờ điều trị hồi phục.
Hình ảnh tổn thương phổi lan tỏa trên x-quang do viêm phổi virus làm suy chức năng
phổi nghiêm trọng cần hỗ trợ thở máy và ECMO.
Để tiến hành được kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể ECMO cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các chuyên khoa như nội, ngoại khoa, các lĩnh vực hồi sức và xét nghiệm cận lâm sàng… cũng như phải có đội ngũ có đủ năng lực được đào tạo chuyên nghiệp. Trường Đại học Phan Châu Trinh và Tập đoàn Y khoa Tâm Trí với mong muốn giới thiệu đến quí độc giả về kỹ thuật ECMO - mục đích và ứng dụng trong thực tiễn, với hy vọng phát triển hơn nữa một cách đồng bộ kỹ thuật hiện đại này tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân, nhất là áp dụng cho những ca bệnh nguy kịch có khả năng bị suy hô hấp nặng trong đại dịch SARS-CoV2 đang lan rộng như hiện nay.
Hình ảnh phục hồi tổn thương phổi sau thời gian điều trị cải thiện chức năng phổi đã được cai ECMO và máy thở.
Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Đức Hoằng