Kỳ vọng về cái bắt tay Trump-Kim ở Khu phi quân sự liên Triều

Chủ nhật, 30/06/2019 - 09:02

Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng, ông muốn gặp Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Khu phi quân sự nằm giữa biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc.

Trong một tuyên bố trên Twitter sáng 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng ông có thể “bắt tay” và chào hỏi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi ông tới Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) nhân chuyến thăm Hàn Quốc.

Sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, ông Trump lên đường tới Hàn Quốc vào chiều tối ngày 29/6, để thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên với Tổng thống Moon Jae-in. Kế hoạch thăm Khu phi quân sự (DMZ) của Tổng thống Trump được úp mở từ trước đã khiến dư luận kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 có thể diễn ra ngay tại đây.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp
thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội cuối tháng 2/2019. Ảnh: Japan Times

Giới chức hạ thấp kỳ vọng

Chỉ vài giờ sau khi ông Trump đăng tải lời đề nghị trên Twitter, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui đã “đáp lại” rằng “Chúng tôi coi đây là một gợi ý rất thú vị, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được đề nghị chính thức về điều này”.

Tuyên bố của phía Triều Tiên cho biết thêm, một cuộc gặp như vậy cũng “sẽ là cơ hội có ý nghĩa nhằm thắt chặt các mối quan hệ cá nhân giữa 2 nhà lãnh đạo cũng như thúc đẩy quan hệ song phương”.

Trước khi lên đường dự hội nghị G20 tại Nhật Bản, khi được hỏi về việc liệu có thăm Nhà lãnh đạo Triều Tiên hay không, ông Trump nói rằng: “Tôi sẽ gặp rất nhiều người. Nhưng tôi có thể sẽ nói chuyện với ông ấy [Kim Jong-un - ND] theo một cách khác. Như bạn biết đấy, tôi sẽ tới Hàn Quốc sau khi dự hội nghị G-20 và tôi sẽ ở đó khoảng 1 ngày”.

Trong khi đó, cũng trong tuần này, một quan chức Hàn Quốc cho biết, ông Trump đang cân nhắc một chuyến đi tới DMZ nhân dịp thăm Hàn Quốc và quyết định có thể sẽ được đưa ra vào phút chót. Điều này khiến nhiều người đoán rằng một cuộc gặp với ông Kim có thể sẽ diễn ra.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã tìm cách hạ bớt kỳ vọng về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo khi một quan chức Nhà Trắng nói rằng, Tổng thống Trump không có kế hoạch gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên và “Tổng thống [Trump] tới Hàn Quốc để gặp Tổng thống Moon Jae-in”. Quan chức Nhà Trắng cũng nói rằng, kế hoạch thăm DMZ của Tổng thống Trump vẫn chưa hoàn tất.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 29/6 cho biết, phía Mỹ vẫn chưa xác nhận về gợi ý gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên của Tổng thống Trump. “Hàn Quốc ủng hộ các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, dù chưa có điều gì được quyết định liên quan đến một cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên trong ngày 30/6”.

Giới quan sát lạc quan thận trọng

Năm 2017, Tổng thống Trump từng muốn có chuyến thăm bất ngờ tới DMZ nhưng đã buộc phải hủy kế hoạch vì thời tiết xấu. Vì vậy khả năng ông tới DMZ trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này là khá cao. Tuy nhiên, giới quan sát lại tỏ ra thận trọng về một cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều ngay tại Khu phi quân sự ở biên giới liên Triều.

Theo giới phân tích, việc ông Kim Jong-un đã đi tàu 2 ngày tới Hà Nội để gặp Tổng thống Mỹ và rồi trở về “tay không” sẽ khiến ông cân nhắc kỹ lưỡng về một cuộc gặp trực tiếp khác. Nếu tới DMZ, dù chỉ là rất ngắn, ông Kim Jong-un cũng sẽ muốn biết chắc chắn rằng liệu cuộc gặp có thực sự diễn ra hay không và ông sẽ phải đạt được điều gì đó.

Trong khi đó, hiện vẫn chưa rõ, liệu mong một cuộc gặp như ông Trump gợi ý có đạt được điều gì đó khác ngoài việc chào hỏi và chụp ảnh hay không.

Hơn nữa, một cuộc gặp dù chỉ rất ngắn ở DMZ cũng cần phải có sự chuẩn bị về ngoại giao từ các bên liên quan. Trong khi đó, phía Mỹ và Triều Tiên được cho là đã không có cuộc gặp cấp chuyên viên nào kể từ sau cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 2 ở Hà Nội.

Vipin Narang, một nhà nghiên cứu an ninh tại đại học Massachusetts (Mỹ) cho rằng, thay vì tổ chức một cuộc gặp trực tiếp bất ngờ và ngắn ngủi, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ điện đàm hoặc trao đổi qua thư. “Tôi không kỳ vọng về cuộc gặp Trump-Kim [tại DMZ]. Điều đó quá rủi ro khi không có sự chuẩn bị chu đáo. Chẳng ai có thể chấp nhận một cuộc gặp thất bại lần thứ 2”.

Trong khi đó, các nhà phân tích ở Hàn Quốc lại tỏ ra lạc quan khi cho rằng, một cuộc gặp trực tiếp dù là “chớp nhoáng” giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại DMZ ít nhất cũng có thể giúp tái khởi động các mối quan hệ cũng như các cuộc đàm phán trong tương lai, đặc biệt là khi quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã không còn quá căng thẳng như thời điểm cách đây gần 2 năm.

Sau cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội, Triều Tiên đã vài lần thử vũ khí, trong đó có cả tên lửa tầm ngắn. Tuy nhiên, ông Trump, người từng dọa Triều Tiên sẽ gặp phải “lửa và giận giữ” lại có giọng điệu ôn hòa hơn nhiều về các sự kiện này so với thời điểm Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa và hạt nhân trong năm 2017.

Theo Leif-Eric Easley, một giáo sư tại Seoul, dù có diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh bất ngờ vào phút chót hay không, thì chuyến thăm của Tổng thống Trump tới DMZ cũng là một thông điệp gửi tới Nhà lãnh đạo Triều Tiên. Thông điệp này có thể sẽ là về “những lợi ích kinh tế nếu Triều Tiên lựa chọn hòa bình và phi hạt nhân hóa”./.

Thùy Linh/VOV.VNTheo BBC, WSJ