Lạc đỏ - sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện Lục Yên

Thứ bảy, 17/08/2024 - 17:10

TNV - Với diện tích cây trồng khoảng 500 ha mỗi năm, lạc đỏ không chỉ là sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện Lục Yên mà còn là sản phẩm OCOP đặc sản của tỉnh Yên Bái, mang lại nguồn thu mỗi năm từ 44 - 60 tỷ đồng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện đời sống cho hàng nghìn hộ nông dân của huyện.


Lạc đỏ - sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện Lục Yên- Ảnh 1.

 Bà con nông dân huyện Lục Yên chăm chỉ canh tác trên những thửa ruộng trồng lạc.(Ảnh: Phòng Nông nghiệp cung cấp).

Diện tích trồng lạc lớn nhất tỉnh

Theo thông tin từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên, lạc đỏ là giống cây trồng bản địa có từ nhiều đời nay và là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện đời sống cho hàng nghìn hộ nông dân của huyện Lục Yên. Bình quân mỗi năm diện tích trồng lạc đỏ trên địa bàn huyện duy trì khoảng trên 500 ha và là huyện có diện tích trồng lạc lớn nhất tỉnh, năng suất bình quân cả năm đạt 21 tạ/ha, sản lượng hàng năm khoảng 1.100 - 1.200 tấn, giá trị được thu từ lạc đỏ ước 44 - 60 tỷ đồng mỗi năm.

Trong đó, đa phần diện tích trồng lạc đỏ được tập trung tại khu vực nương, vườn, soi bãi thuộc các xã vùng ven hồ Thác Bà và sông Chảy như: Minh Xuân, Liễu Đô, Minh Tiến, Vĩnh Lạc, An Phú, Tân Lập, Phan Thanh, Minh Chuẩn, Tân Lĩnh, Yên Thắng. Cây lạc đỏ được bà con trồng chủ yếu ở vụ đông xuân (375 ha) và vụ mùa 125 ha, do năng suất lạc ở vụ đông xuân là 22 tạ/ha cao hơn so với vụ mùa (18 tạ/ha). 

Lạc đỏ - sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện Lục Yên- Ảnh 2.

Hạt lạc đỏ Lục Yên có nhiều nét đặc trưng độc đáo so với lạc đỏ ở các địa phương khác. (Ảnh: HTX cung cấp).

Được biết, lạc đỏ Lục Yên có nhiều nét đặc trưng độc đáo so với lạc đỏ ở các địa phương khác: lớp vỏ lụa bên ngoài màu đỏ đậm, hạt lạc nhỏ và săn chắc; lạc có vị ngọt bùi, béo, ngậy thơm. Với những đặc điểm nổi bật đó, sản phẩm lạc đỏ Lục Yên được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh săn lùng tìm mua, sử dụng.

Do vậy, hàng năm cứ đến mua thu hoạch là các thương lái trong vùng và nhiều thương thương lái từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang,.. lại tấp nập kéo về Lục Yên để thu mua lạc theo nhiều hình thức (mua tươi, khô) phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. "Qua theo dõi hàng năm, sản phẩm lạc đỏ của huyện không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường" – bà Nguyễn Hồng Nhung, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tự hào khẳng định.

Chia sẻ về nguyên nhân quan trọng làm nên chất lượng đặc biệt thơm ngon của hạt lạc đỏ Lục Yên, bà Nhung bật mí có lẽ là do thời gian sinh trưởng dài hơn các giống lạc khác, cộng với chất đất phù sa màu mỡ tơi xốp, nguồn nước ngọt lành của hồ thác Bà, của sông Chảy tạo nên, cũng như khí hậu thổ nhưỡng mát mẻ tinh khiết của núi rừng Lục Yên kết lại mà thành. 

Lạc đỏ - sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện Lục Yên- Ảnh 3.

Tổ hợp tác trồng lạc đỏ xã Minh Tiến giúp nhau khi đến vụ thu hoạch. (Ảnh: Phòng Nông nghiệp cung cấp)

Niềm tự hào của nông dân Đất Ngọc

Nhận thấy rõ giá trị khác biệt và nổi trội của hạt lạc đỏ Lục Yên, năm 2018 chính quyền huyện đã hỗ trợ Hợp tác xã Thái Sơn đang đứng chân hoạt động trên địa bàn xã Tân Lĩnh (Lục Yên) đầu tư toàn bộ dây chuyền máy sấy lạc củ trị giá 70 triệu đồng, cũng như hoàn thiện các qui trình xây dựng sản phẩm "Lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn",..

Ông Đàm Văn Việt – Giám đốc HTX Thái Sơn vui mừng cho biết – từ khi được Nhà nước hỗ trợ máy sấy HTX đã khắc phục cơ bản tình trạng hạt lạc bị ẩm mốc, xuống cấp do không được phơi nắng, giúp hàng ngàn bà con trồng lạc trong huyện yên tâm sản xuất. Theo ông Việt, với công suất sấy 3 tấn trong thời gian 2 ngày so với phơi 4 ngày nắng thì nhanh gấp 2 lần lại không phải lo tìm chỗ phơi, nhưng hệ thống máy sấy này sẽ đặc biệt phát huy tác dụng nhất là vào những thời điểm thu hoạch lạc mà gặp phải trời mưa ẩm ướt kéo dài.

Không dừng lại ở đó, Hợp tác xã Thái Sơn còn đầu tư máy ép dầu lạc trị giá 500 triệu đồng từ năm 2017 và đầu tư máy tách vỏ lạc vào năm 2018 nhằm nâng cao năng lực thu mua, liên kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm lạc đỏ cho hàng trăm hộ dân trong vùng; đồng thời nâng cao công suất sấy, tách vỏ và ép dầu gấp nhiều lần phục vụ bà con trong việc bảo quản và chế biến, nâng cao chất lượng cũng như giá trị sản phẩm làm ra.

Được sự động viên tiếp sức của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến tháng 8/2020, Hợp tác xã Thái Sơn đã có 3 sản phẩm gồm: lạc ri vỏ đỏ, dầu lạc trắng và dầu lạc đỏ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện mỗi năm HTX Thái Sơn liên kết với gần 150 hộ, sản xuất, chế biến và tiêu thụ từ 1 -1,5% sản lượng lạc đỏ của huyện đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. 

Lạc đỏ - sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện Lục Yên- Ảnh 4.

HTX Thái Sơn tuyển loại kỹ càng trước khi đóng gói sản phẩm "Lạc ri vỏ đỏ" xuất đi tiêu thụ.(Ảnh: HTX cung cấp).

Lạc đỏ - sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện Lục Yên- Ảnh 5.

Dầu lạc đỏ - sản phẩm OCOP 3 sao do HTX Thái Sơn sản xuất ra từ nguyên liệu hạt lạc đỏ Lục Yên, vừa đa dạng hóa nhu cầu tiêu dùng vừa gia tăng giá trị cho hạt lạc. (Ảnh: HTX cung cấp) 

Các sản phẩm của Hợp tác xã nhận được sự đánh giá cao của khách hàng trong cả nước; đặc biệt sản phẩm lạc ri vỏ đỏ của Hợp tác xã đã được 10 cơ sở kinh doanh nông sản an toàn, tín nhiệm liên kết tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 5 cơ sở ngoài tỉnh gồm: Điện Biên, Lâm Đồng, Hà Nội, Hưng Yên, Lào Cai, góp phần gia tăng giá trị và lan tỏa chất lượng thơm ngon của hạt lạc đỏ Lục Yên vươn tới nhiều tỉnh thành trong nước.

Để tiếp tục bảo vệ và nâng cao giá trị cho hạt lạc đỏ, huyện Lục Yên đã hoàn thiện hồ sơ và được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Lạc đỏ Lục Yên" vào năm 2021 cho bà con nông dân trồng lạc đỏ trong huyện. Đến năm 2023, 10 tổ hợp tác trồng lạc đỏ tại 10 xã trên địa bàn huyện đều được chứng nhận sản phẩm VietGAP với diện tích ban đầu là 22,4 ha; riêng tổ hợp tác trồng lạc đỏ của xã Vĩnh Lạc được cấp mã số vùng trồng với diện tích 3,8 ha.

Đây là kết quả từ những nỗ lực của bà con nông dân trồng lạc và chính quyền địa phương, từng bước khẳng định thương hiệu "Lạc đỏ Lục Yên" trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện theo hướng liên kết nhiều vùng sản xuất vừa và nhỏ liền kề, tạo ra vùng sản xuất lớn, hình thành rõ nét vùng chuyên canh sản xuất lạc của huyện. 

Lạc đỏ - sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện Lục Yên- Ảnh 6.

Ngôi nhà khang trang, cuộc sống ấm no của gia đình bà Mít cũng như nhiều hộ dân ở bản Bến Muỗm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, phần lớn là nhờ trồng lạc đỏ. (Ảnh: P. Quỳnh)

Được biết vụ thu hoạch lạc vừa qua (tháng 6/2024), các hộ trồng lạc trong huyện Lục Yên rất phấn khởi bởi thời tiết nắng to thuận lợi cho việc thu hoạch, phơi và bảo quản, giá bán cao hơn các năm trước, trong khi năng suất và sản lượng vẫn được duy trì tốt. Cùng với các nông sản chất lượng cao như khoai tím, cam sành, vịt bầu, măng mai,.. thì lạc đỏ là niềm tự hào của bà con nông dân Đất Ngọc Lục Yên.

Phạm Quỳnh