Ưu đãi lãi suất 5,9%/năm cho người trẻ dưới 35 tuổi vay mua nhà ở xã hội từ nay đến hết năm 2025
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa chính thức công bố hai mức lãi suất ưu đãi áp dụng từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2025, nhằm hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi và các chủ đầu tư, người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ưu đãi lãi suất 5,9%/năm cho người trẻ dưới 35 tuổi vay mua nhà ở xã hội
Theo văn bản số 5312/NHNN-CSTT, mức lãi suất cho vay đối với người dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội được xác định trong 5 năm đầu là thấp hơn 2%/năm so với mức lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân bằng VND của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank). Cụ thể, mức lãi suất ưu đãi áp dụng từ 1/7 đến 31/12/2025 là 5,9%/năm.
Trong 10 năm vay tiếp theo, mức lãi suất tiếp tục được ưu đãi ở mức thấp hơn 1%/năm so với lãi suất trung dài hạn bình quân của 4 ngân hàng nêu trên.
Chính sách này nhằm hỗ trợ người trẻ, đặc biệt là lực lượng lao động tại các đô thị lớn, có cơ hội sở hữu nhà ở xã hội với chi phí hợp lý, từng bước hiện thực hóa nhu cầu an cư.
Ưu đãi lãi suất cho người mua và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân
Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành văn bản số 5313/NHNN-CSTT, quy định mức lãi suất ưu đãi cho các khoản vay thuộc Nghị quyết 33/NQ-CP, bao gồm: dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Theo đó, mức lãi suất áp dụng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2025 được quy định như sau: đối với người mua nhà ở tại các dự án thuộc diện hỗ trợ, lãi suất vay là 5,9%/năm; còn đối với chủ đầu tư các dự án, mức lãi suất là 6,4%/năm.
Các mức lãi suất này được áp dụng cho phần dư nợ tại các khoản vay đủ điều kiện theo Nghị quyết 33/NQ-CP, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn nhà ở ổn định và bền vững.
Việc công bố đồng thời hai gói lãi suất ưu đãi thể hiện bước đi cụ thể trong việc thực thi chính sách nhà ở của Chính phủ, góp phần kích thích nhu cầu thực về nhà ở trong bối cảnh thị trường bất động sản đang từng bước phục hồi.
Đáng chú ý, chính sách quy định rõ ràng cả hai đối tượng: người mua (nhu cầu thực) và chủ đầu tư (nguồn cung). Điều này có thể tạo ra tác động kép tích cực: thúc đẩy tiêu thụ nhà ở xã hội và khơi thông vốn cho các doanh nghiệp đang “kẹt” dự án vì chi phí tài chính.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trong quá trình phục hồi sau giai đoạn trầm lắng, đặc biệt ở phân khúc nhà ở thương mại trung – cao cấp, việc kích hoạt phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở công nhân bằng chính sách lãi suất ưu đãi được đánh giá là hợp lý.
Với loạt chính sách tín dụng ưu đãi lần này, kỳ vọng sẽ có làn sóng mới các dự án nhà ở xã hội tái khởi động, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận nhà ở thực sự cho người có thu nhập trung bình – thấp.
Anh Mai