Nhạc sĩ Lam Phương qua đời tối 22/12 sau thời gian chữa tai biến mạch máu não tại Fountain Valley, California (Mỹ). Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung nhớ lại chuyến lưu diễn với ông ở châu Âu và Australia vài năm trước. Chương trình kết thúc, cô cùng Bằng Kiều, Ngọc Anh, Mai Tiến Dũng, Tóc Tiên hòa giọng ca khúc Phút cuối. Khi câu hát "Chỉ còn gần em một giây phút thôi" vang lên, ông được đẩy ra sân khấu trên chiếc xe lăn. Hình ảnh nhạc sĩ ngoài 80 tuổi cố gắng đến gần hơn với khán giả khiến tất cả nghệ sĩ, người xem xúc động, không cầm được nước mắt.
Nguyễn Hồng Nhung nói: "Tôi thẫn thờ khi nghe tin chú qua đời, phút cuối ấy rồi cũng đến". Ca sĩ buồn vì đang trong nước, không thể tiễn đưa ông lần cuối.
Nhạc sĩ Lam Phương năm 2019. Ảnh: Quỳnh Anh.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long gọi Lam Phương là "nhạc sĩ của đại chúng" bởi tên tuổi ông quá đỗi quen thuộc với nhiều thế hệ, tầng lớp khán giả. Ông đa tài, viết nhạc theo nhiều phong cách khác nhau: từ trữ tình, bolero đến các bản nhạc mang âm hưởng dân gian. "Nhiều tác phẩm của ông, chỉ cần vang lên vài câu là khán giả lập tức nhận ra. Lam Phương có công góp phần hình thành nền âm nhạc đại chúng trước 1975", nhà phê bình nói.
Nghệ sĩ Minh Vượng nghe nhạc Lam Phương từ khi mới hơn 10 tuổi, yêu thích nhiều ca khúc như Thành phố buồn, Cỏ úa, Một mình, Cho em quên tuổi ngọc... Minh Vượng nói: "Tôi ngoại hình to béo nhưng tâm hồn rất mong manh nên thấu cảm nỗi buồn trong từng câu chữ, nốt nhạc".
am Phương sáng tác đến tận cuối đời, với đề tài chủ yếu về thân phận qua những câu chuyện bình dị. Cái nghèo, nỗi buồn, cô đơn trong sáng tác của ông đi vào lòng người nghe một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Phần lớn cảm nhận ông có được từ tuổi thơ vất vả.
Là anh cả trong gia đình nghèo khó ở Rạch Giá, Kiên Giang, từ nhỏ, nhạc sĩ Lam Phương đã thấm đẫm nỗi khổ. Gia đình ly tán khi cha ông bỏ đi vì túng quẫn, người mẹ vất vả làm thuê nuôi sáu con. Hoàn cảnh sống hình thành nên một Lam Phương trầm lặng, cô đơn. Trong mắt bạn bè học cùng ông ở tiểu học Vĩnh Lạc, ông ít sôi nổi, thường ngồi một mình nhìn mây bay ngoài cửa sổ lớp, dáng vẻ trầm ngâm như một người tu hành và chưa bao giờ thể hiện năng khiếu văn nghệ.
Chứng kiến mẹ vất vả bươn chải, chỉ mơ ước có mái nhà che nắng che mưa, Lam Phương làm cật lực để có tiền mua nhà cho bà. Những năm 1950, ông vay mượn tiền bạn bè đi in nhạc để bán, làm thuê lao động chân tay để có tiền trả nợ, rồi lại tiếp tục đi bán nhạc lẻ... Chiều thu - bản nhạc đầu đời của ông không được đón nhận. Năm 1954, Khúc ca ngày mùa ra đời, đưa tên tuổi ông phổ biến ở Sài Gòn. Hương thanh bình, Mùa hoa phượng, Trăng thanh bình, Nhạc rừng khuya... lần lượt ra đời và đến khi Kiếp nghèo phổ biến, ông mới thực sự thoát nghèo.
Trong sách Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương, Nguyễn Thanh Nhã chấp bút, ông cho biết viết bài Kiếp nghèo trong hoàn cảnh thật. Năm 1953, trên đường đi học về, ông gặp một trận mưa to, không có chỗ trú, đành phải đi dưới mưa để tìm "thú đau thương". Cảm giác cô đơn, nhỏ bé, bị cuộc đời ruồng rẫy xâm chiếm ông. Về nhà, ông không kịp thay quần áo, ôm đàn và viết. Ca khúc trở thành nhạc phẩm thịnh hành bậc nhất những năm 1960 ở miền Nam, giúp ông thu được 1.200.000 đồng tiền bản quyền, mua cho mẹ và các em căn nhà trị giá 40 cây vàng lúc bấy giờ.
Thành phố buồn - tác phẩm ra đời năm 1970 - cũng là sáng tác tiêu biểu trong sự nghiệp của ông. Ca khúc phổ biến đến mức có thể người nghe không biết tên tác giả, nhưng chỉ nghe một đoạn là nhận ra. Thành phố buồn gắn với danh ca Chế Linh và qua nửa thế kỷ vẫn liên tục được các ca sĩ trong, ngoài nước biểu diễn. Nhờ tiền bán bản quyền ca khúc, nhạc sĩ Lam Phương mua biệt thự 300 m2 ở quận 10 - hiện vẫn là tài sản gia đình ông.
Giản dị, hiền lành là dấu ấn ông để lại trong lòng các nghệ sĩ. Nguyễn Hồng Nhung nhớ ông thích giao lưu với khán giả. Dù phải ngồi xe lăn, ông vẫn nhận lời lưu diễn cùng một số đơn vị tổ chức biểu diễn. Khi đến một số vùng xa xôi, máy bay không có điểm đỗ, ông đi bus cùng mọi người. Không đi lại được nhưng ông giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Ông thường trò chuyện với các ca sĩ thuộc thế hệ con, cháu, khuyên họ tận hiến với nghề.
Ca sĩ Thanh Hà nhớ về ông: "Ông hiền hơn cả chữ hiền. Tôi chưa từng thấy nghệ sĩ nào mộc mạc đến vậy". Những năm cuối đời, sức khỏe nhạc sĩ sa sút, ông ở nhà bầu bạn với chiếc tivi, lấy âm nhạc làm nguồn sống. Thanh Hà thường nấu những món ăn Việt Nam đãi ông. Năm ngoái, ông gửi một đoạn ghi âm cho chương trình ca nhạc Trăm nhớ ngàn thương, bày tỏ mong ước được trở về quê hương. Ban tổ chức khi ấy gửi tặng ông món quà là cốm Hà Nội để nhạc sĩ nguôi nỗi nhớ nhà.
Sau năm 1975, khi định cư ở Mỹ, ông trải qua nhiều biến cố cuộc sống. Ly hôn diễn viên Túy Hồng năm 1979, ông sáng tác nhiều bài nhạc buồn như Điên, Buồn, Mất, Tiếc, Say, Lầm... Những năm 1980, khi sang Pháp sống với người vợ thứ hai - bà Cẩm Hường, trong men say tình ái, ông sáng tác nhiều tình khúc như Bé yêu, Thiên đàng ái ân, Bài Tango cho em, Mùa thu yêu đương, Cho em tuổi ngọc... Năm 1995, ông chia tay bà Cẩm Hường, trở lại Mỹ, sống với người vợ thứ ba không được bao lâu thì đổ vỡ.
Năm 1999, ông bị tai biến, liệt nửa người, sống cùng xe lăn. Gần đây, sức khỏe ông yếu, chỉ quanh quẩn trong bốn góc phòng, thậm chí không biết Covid-19 đang hoành hành. Ca sĩ Quang Thành miêu tả cuộc sống của ông những ngày cuối đời là "năm không" - không nghe, không xem, không đọc, không bàn, không sợ. Nhạc sĩ đón sinh nhật cuối hồi tháng 3, bên gia đình em gái, con và cháu ruột.
Hà Thu/vnesxpress