Các đội tham gia thi đấu tại VCK
Dù là một cuộc thi mới lạ với các bạn sinh viên nhưng FPT-ROV 2023 đã thu hút hàng nghìn bạn trẻ quan tâm, đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Nguyên… Ngoài FPT Polytechnic, nhiều đội chơi đến từ các cơ sở đào tạo khác cũng góp mặt tại cuộc thi như Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng Nghề Đà Nẵng… Không chỉ vậy, cuộc thi còn nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa, công nghệ, chế tạo máy.
Có mặt và theo dõi VCK cuộc thi, thầy Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết: “Đây là cuộc thi mà nhà trường đã ấp ủ từ lâu. Nhà trường mong muốn cuộc thi này sẽ khơi dậy niềm đam mê chế tạo của các bạn sinh viên cũng như những sản phẩm chế tạo có cơ hội ứng dụng vào thực tế. Ngay tại vòng chung kết này, BTC cũng nhận được thông tin đã có doanh nghiệp sẵn sàng ký hợp đồng với một trong số những đội thi để làm các thiết bị thăm dò và bảo dưỡng tàu”.
Thầy Vũ Chí Thành – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic phát biểu tại cuộc thi
Từ 46 đội thi, 4 vòng loại cơ sở tổ chức tại 4 vùng miền đất nước (Bắc - Trung - Tây - Nam), BTC đã chọn ra 12 đội thi xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết tại Đà Nẵng. Tại vòng cuối cùng này, các đội được bắt cặp thành 6 trận thi đấu đối kháng. Nhiệm vụ của các đội là điều khiển mô hình tàu ngầm của mình thực hiện các thử thách di chuyển, gắp - thả - đẩy đồ vật dưới nước.
Sau lượt trận tranh tài đối kháng, đội FPT Poly Hà Nội và Kilogram đã tiến đến trận đấu cuối cùng tranh ngôi quán quân. Với thiết kế nhỏ gọn, linh hoạt, tàu ngầm của đội FPT Poly Hà Nội đã nhanh chóng hoàn thành phần thi trước đối thủ.
Chung cuộc, FPT Poly Hà Nội (đến từ FPT Polytechnic Hà Nội) đã giành giải nhất của cuộc thi với tổng giá trị giải thưởng là 30 triệu đồng. Đội Kilograms đến từ FPT Polytechnic HCM và đội Young Bees đến từ FPT Polytechnic Cần Thơ lần lượt giành giải Nhì trị giá 20 triệu đồng và giải Ba trị giá 10 triệu đồng.
Cuộc thi Thiết kế và Chế tạo tàu ngầm 2023
“Để chiến thắng cuộc thi này, cần có khá nhiều kiến thức, kỹ năng, trong đó, sự khéo léo và khả năng tập trung cao độ là yếu tố hàng đầu. Trong quá trình tham gia thi đấu, chúng em đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Nhà trường, giảng viên cùng các chuyên gia cố vấn của cuộc thi. Về kinh phí thiết kế, lắp đặt chiếc tàu ngầm, chúng em đã chi khoảng 12 triệu đồng, ngoài ra còn nhận được thêm kinh phí hỗ trợ từ phía Nhà trường. Qua cuộc thi này, em và các bạn trong đội thấy rằng bản thân đã học được thêm rất nhiều kiến thức mới, đặc biệt là về khả năng thiết kế - chế tạo, xử lý tình huống, khắc phục sự cố…”, bạn Lê Đăng Lĩnh - Đại diện quán quân cuộc thi chia sẻ.
Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế tại Việt Nam và trên toàn cầu. Các bạn trẻ được tiếp cận và có cơ hội “thực chiến” trong mảng này càng sớm sẽ càng có nhiều lợi thế.
Là môi trường đào tạo theo triết lý “Thực học – Thực nghiệp”, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã tổ chức Cuộc thi Thiết kế và Chế tạo tàu ngầm có điều khiển với quy mô lớn trên toàn quốc, dành riêng cho nhóm sinh viên theo học ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển & Tự động hoá; Công nghệ kỹ thuật Cơ khí… Sản phẩm thi đấu của các đội/nhóm sinh viên không chỉ đảm bảo các yếu tố nền tảng về kiến thức, mà còn linh hoạt thích ứng với từng bài dự thi, môi trường thi đấu…
Ngay từ những lượt thi đấu đầu tiên, Ban tổ chức cuộc thi đã ghi nhận nhiều ý tưởng thiết kế tàu ngầm vô cùng sáng tạo, có tính khả thi. Là một lĩnh vực khó, ít thông tin, do vậy BTC đã tổ chức 10 buổi hướng dẫn, mời nhiều chuyên gia, kỹ thuật viên trong lĩnh vực đóng tàu, vận hành, thiết kế cố vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho các thí sinh.
Đội thi đạt Giải Nhất Cuộc thi Thiết kế và Chế tạo tàu ngầm 2023
Ban giám khảo cuộc thi bao gồm các chuyên gia đầu ngành, giảng viên bộ môn với nhiều kinh nghiệm sẽ đánh giá các đội theo tiêu chí sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng tư duy logic để giải quyết vấn đề, mức độ, tốc độ hoàn thiện các tác vụ yêu cầu. Để chiến thắng cuộc thi, ngoài các khía cạnh kỹ thuật, các đội phải tính toán chiến lược phù hợp để tận dụng tốt nhất khả năng của tàu ngầm khi thi đấu.
Ông Phạm Gia Vinh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH AIVI Việt Nam, thành viên BGK tại cuộc thi cho biết: “Tôi thực sự ấn tượng về ý tưởng cũng như các hoạt động đậm tính học thuật tại cuộc thi thiết kế và chế tạo tàu ngầm do Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tổ chức. Chúng ta rất cần những cuộc thi như thế này để nâng cao khả năng nghiên cứu, sáng tạo của giới trẻ, đồng thời, sự đầu tư của Nhà trường dành cho các đội thi đấu cũng sẽ là chìa khoá để mang tạo ra những sản phẩm thú vị, bất ngờ… Từ đó, hoạt động nghiên cứu, chế tạo trong giới trẻ sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, đem lại những giá trị tích cực cho xã hội, đất nước”.
Qúy Hiếu