Chiều nay (10/11), tại Nhà hát lớn Hà Nội diễn ra Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với Doanh nghiệp" lần thứ tư và Chương trình xét, công nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam" năm 2024 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp thực thi tốt văn hóa kinh doanh, đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Diễn đàn do Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức nhằm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; là nơi các doanh nghiệp thảo luận, tranh biện, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để phát huy tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường đa văn hóa đến kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững.
Diễn đàn cũng là dịp để Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả trong môi trường đa văn hóa; tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam; lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động "Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam" do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Diễn đàn gồm 02 hoạt động chính: Hội thảo với chủ đề "Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa". Tại Hội thảo các khách mời đã tập trung trao đổi, thảo luận, tranh biện xung quanh các vấn đề chính như: Môi trường đa văn hóa trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu; Tác động của môi trường đa văn hóa đến phát triển kinh doanh; Những khó khăn, rào cản của môi trường đa văn hóa đến hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay; Giải pháp các doanh nghiệp đã, đang và sẽ triển khai để khắc phục và phát huy tác động tích cực của môi trường đa văn hóa; Các kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan ban ngành…
Bên cạnh đó là Lễ tôn vinh và trao chứng nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam" năm 2024. Đây là các doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét duyệt "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam" lựa chọn. Bộ tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tham gia xây dựng và có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và báo chí, đặc biệt là phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp và bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nước ta ngày càng lớn mạnh tăng nhanh về số lượng và quy mô, đóng góp quan trọng cho mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hộ. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình hỗ trợ vì cộng đồng, đất nước; xây dựng mối quan hệ gắn bó tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên sức mạnh mềm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn nâng tầm khu vực và thế giới. Mỗi doanh nghiệp trở thành những đại sứ văn hóa quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy mong muốn, Diễn đàn sẽ là hoạt động tích cực lan tỏa sâu rộng những ý nghĩa, thông điệp của Cuộc vận động, nêu cao vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy hết sức quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, hình thành cộng đồng ngày càng đông đảo, lớn mạnh các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, tiến tới tiệm cận tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh thế giới, để đất nước ta hội nhập nhanh rộng, bền vững trong thời gian tới.
"Sau diễn đàn này, cộng đồng doanh nghiệp có nhận thức toàn diện hơn về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lan tỏa những hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, quảng bá được hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế', Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Diệp Anh/Chinhphu