Nét đẹp của sản phẩm Bát Tràng là vẻ đẹp tinh xảo thể hiện trên từng chi tiết, đường nét của sản phẩm. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Khéo léo, tận dụng lợi thế
Theo đánh giá của các chuyên gia, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội đã và đang là xu hướng được khách du lịch tìm đến, không chỉ bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công mà du khách còn đến với làng nghề Hà Nội để được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình; được tham quan, hòa mình cùng nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm.
Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) được xem như là một bảo tàng nghệ thuật sống động, chứa đựng một giá trị văn hóa và niềm tự hào của người dân Hà thành nói riêng và Việt Nam nói chung. Nét đẹp của sản phẩm Bát Tràng là vẻ đẹp tinh xảo thể hiện trên từng chi tiết, đường nét của sản phẩm. Bát Tràng ngày nay còn trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế.
Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho hay, toàn xã có gần 300 doanh nghiệp và khoảng 800 hộ sản xuất gốm sứ, trong đó có khoảng 5% làm hàng xuất khẩu với giá trị hàng hóa sản xuất hằng năm đạt khoảng 2.000 tỷ đồng…
Cùng thu hút khách quốc tế, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là cái nôi của nghề dệt lụa truyền thống, trở thành một sản phẩm của văn hóa, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông và Thủ đô Hà Nội.
Từ xưa, lụa và gấm Vạn Phúc làm từ tơ nõn, loại tơ tằm hạng nhất, đã sớm nổi tiếng đất kinh kỳ, được dùng may trang phục, võng lọng của vua quan, may đồ tế lễ. Lụa Vạn Phúc vươn tới nhiều vùng, từng tham dự hội chợ triển lãm kinh tế-kỹ thuật, hàng thủ công nghiệp ở một số nước, nhất là ở Pháp và trở thành một thương hiệu nổi tiếng của xứ sở Đông Dương. Đến năm 1958, tơ lụa Vạn Phúc được xuất sang các nước Đông Âu.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết, hiện tại, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn 132 máy dệt, khoảng 300 hộ dệt và kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm, với khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh khác nhau. Trong các loại lụa cổ truyền, nổi tiếng nhất là lụa vân có hoa nổi bóng mịn trên mặt lụa, hoa chìm thì chỉ thấy khi ra ánh sáng.
Làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng là hai điểm du lịch làng nghề thu hút đông đảo du khách trong nước và hàng chục nghìn lượt du khách quốc tế đến tham quan, mua sắm mỗi năm.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn nhiều làng nghề lâu đời khác như mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên), phường rối Chàng Sơn (huyện Thạch Thất)... đều là những nơi có tiềm năng lớn trong việc phát triển trở thành điểm du lịch, có thể gắn kết với các sản phẩm du lịch khác để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng phát triển song du lịch làng nghề còn là những câu chuyện dài bởi thiếu rất nhiều yếu tố như mẫu mã, sản phẩm làng nghề chưa đa dạng; thiếu ứng dụng công nghệ trong phát triển, quảng bá sản phẩm làng nghề…
Khách thăm quan tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Ảnh: VGP/TL
Đổi mới để thu hút khách du lịch
Để phát huy giá trị làng nghề và thu hút khách du lịch, huyện Gia Lâm đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, triển khai đầu tư hệ thống "Du lịch thông minh" tại Bát Tràng. Theo bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Gia Lâm, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng điểm các Kiosk thông tin tại các điểm du lịch như: Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá; Phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản…
Nhờ sự nhạy bén trong cơ chế thị trường, làng nghề Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm, hướng tới trở thành làng nghề kiểu mẫu của Thủ đô. Bát Tràng hiện vinh dự là một trong hai điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm…
Đối với làng lụa Vạn Phúc, để phát triển du lịch làng nghề bền vững, quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất tại làng thường xuyên, chủ động học hỏi, tiếp cận với công nghệ 4.0 để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đến với khách hàng trong và ngoài nước.
"Hiệp hội làng nghề và chính quyền phường đã có các chương trình quảng bá sản phẩm cho làng nghề, các cửa hàng cũng bố trí, sắp xếp sản phẩm ngăn nắp, đẹp mắt hơn. Hiện nay, để tạo được dấu ấn trong khách hàng, các cơ sở thiết kế đa dạng các sản phẩm, với những mẫu mã mới, phù hợp với xu hướng, nhằm thu hút khách tới tham quan, mua sắm", ông Phạm Khắc Hà cho hay.
Ngoài ứng dụng công nghệ vào quảng bá sản phẩm thì việc kể câu chuyện văn hóa làng nghề cho du khách cũng là cách làm hay, sáng tạo. Cuối tháng 3 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) đã tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề "Kết nối di sản phát triển du lịch", các địa phương, đơn vị tham gia đã chào hàng nhiều tour mới, trong đó ấn tượng là tour Hoàng thành Thăng Long-Bát Tràng.
Sau khi tham quan Hoàng thành Thăng Long, tìm hiểu các cổ vật nghìn năm, du khách được lên xe buýt hai tầng, đi qua nhiều con phố nổi tiếng của Hà Nội tham quan tìm hiểu về đình Bát Tràng, chợ gốm Bát Tràng, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt.
Việc kết nối giữa Hoàng thành Thăng Long và các làng nghề là điều nhiều nhà khoa học đề xuất từ lâu và nay chính thức được hiện thực hóa. "Đây cũng là cách chúng ta kể câu chuyện làng nghề, câu chuyện văn hóa cho các du khách, để mỗi du khách khi đến với Hà Nội càng thêm yêu hơn và muốn quay lại nhiều hơn…", Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ.
Diệu Anh/Chinhphu