Hẳn mọi người vẫn nhớ vào tháng 10 năm 2015, Đại học Tây Nguyên gây xôn xao dư luận xã hội khi ra thông báo cảnh báo, buộc thôi học hơn 1000 sinh viên. Tháng 11 năm 2017, báo chí lại thêm một lần nữa dùng từ “báo động” với thông tin hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học tại các trường đại học trong cả nước vì kết quả học tập thấp kém, không đạt yêu cầu. Trong danh sách các trường buộc thôi học nhiều sinh viên có không ít trường thuộc nhóm có điểm đầu vào khá cao.
Như vậy, việc hàng trăm, hàng ngàn sinh viên bị cảnh báo học vụ, đuổi học, bỏ học mỗi năm đã không còn là chuyện hiếm nữa mà đã trở thành một vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để có hướng giải quyết vì rõ ràng đây chính là một sự lãng phí lớn cả về tiền bạc và thời gian không chỉ của bản thân các sinh viên mà của cả xã hội. Thay vì theo học một vài kỳ rồi sau đó bị đuổi học hoặc tự ý bỏ học, sẽ là tốt hơn nếu ngay từ đầu các sinh viên tìm một công việc nào đó để làm, vừa có thu nhập vừa tìm ra được đam mê và thế mạnh của bản thân, tránh được việc học đại để rồi bỏ học giữa chừng khi hoặc không có sự yêu thích với ngành học, hoặc không đủ năng lực học tập.
Tình trạng hàng trăm sinh viên bỏ học hoặc bị buộc thôi học giữa chừng này bên cạnh các lý do chủ quan xuất phát từ bản thân các sinh viên như: ham chơi, lười học, chọn nhầm ngành nghề… không thể không nhắc đến những nguyên nhân khách quan sau đây:
Thứ nhất: nhiều trường bố trí lớp học của năm thứ nhất còn chưa hợp lý
Năm thứ nhất là năm học có ý nghĩa quan trọng với các tân sinh viên khi các em vừa mới chân ướt chân ráo bước vào trường. Đây cũng là năm sinh viên được học các môn đại cương như Lý luận chính trị hay ngoại ngữ. Tuy nhiên, nhiều trường đại học hiện nay đang xếp quá đông sinh viên trong một lớp. Đối với môn ngoại ngữ đa số các trường đều xếp trong khoảng 40-60 sinh viên/lớp còn các môn Lý luận chính trị thường xếp 70-80 sinh viên/lớp, thậm chí có lúc còn hơn 100 sinh viên/lớp và đương nhiên là phải học trong các hội trường lớn.
Với sĩ số lớp quá đông như vậy thì dù cho giảng viên có cố gắng đến mấy cũng khó mà bao quát hết lớp trong suốt buổi học, càng khó có thể đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm.Việc học trong những lớp đông như vậy mỗi sinh viên khó lòng tập trung mà thường dễ bị sao nhãng, phân tâm, thậm chí nếu học lực yếu sẽ có nguy cơ không theo kịp lượng kiến thức mà thầy cô đang giảng.Mà một khi năm thứ nhất đã học yếu thì năm tiếp theo dễ dẫn đến nguy cơ đuối, hụt hơi, chán nản dẫn đến nghỉ học hoặc trượt dài trong những cuộc ăn nhậu, game online thâu đêm suốt sáng.
Thứ hai: số lượng cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp nhiều nên làm giảm ý chí, động cơ và tinh thần học tập của sinh viên.
Theo số liệu từ Bản tin khảo sát thị trường lao động quý 2/2018, được Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê công bố hôm 18/9 tại Hà Nội, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 126.900 người, giảm 15.400 người so với quý 1/2018. Còn trước đó, trong Quý 3/2017, Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237 nghìn người.
Sinh viên là những người trẻ đang trong quá trình trưởng thành nên dễ chịu tác động từ thực trạng xã hội. Những con số thống kê về lượng cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp được cập nhật dễ làm nhiều bạn nhụt ý chí, mất đi động cơ học tập vì có học tốt ra trường chắc gì đã xin được việc. Thêm vào đó những dự thảo về tăng tuổi lao động như nam 62 tuổi nữ 60 tuổi mới nghỉ hưu càng làm cho cơ hội có việc làm của người trẻ dường như xa vời hơn. Xuất phát từ ý nghĩ đã được mặc định sẵn trong đầu là có học tốt cũng thất nghiệp hoặc học ra chắc gì đã làm đúng chuyên ngành nên nhiều bạn thấy không cần phải gắng sức làm gì, cứ bình bình qua ngày, cho có tấm bằng là được. Từ đó dẫn đến kết quả học tập ngày càng theo chiều hướng đi xuống.
Giáo dục không phải là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là câu chuyện chung của toàn xã hội vì nó quyết định đến chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai. Vì vậy, cần sớm tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề hàng ngàn sinh viên bỏ học mỗi năm, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc của toàn xã hội.
Ngọc Hạnh