Lạng Sơn lấy chuyển đổi số làm động lực phát triển kinh tế

Thứ ba, 10/10/2023 - 14:15

TNV - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và cần thiết đối với khu vực kinh tế cửa khẩu, Lấy chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Lạng Sơn dần đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và là động lực để phát triển kinh tế trong kỷ nguyên mới.

Tạo đột phá về chuyển đổi số

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII và Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; tỉnh Lạng Sơn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân; đảm bảo an ninh, an toàn xã hội; góp phần cải thiện thứ hạng và nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công…của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với 05 trụ cột chính là chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số, phát triển cửa khẩu số. Tỉnh đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Năm 2023, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực được cả hệ thống chính trị vào cuộc lấy chuyển đổi số là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Ông Dương Xuân Huyên - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND Lạng Sơn.

Ông Dương Xuân Huyên - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh “Chuyển đổi số toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, động lực tạo đột phá của tỉnh. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên thực hiện, tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm rà soát lại tổng thể các nhiệm vụ để tập trung thực hiện; nâng cao vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện. Khẩn trương cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 49 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân”.

Thời gian qua Lạng Sơn triển khai cách làm sáng tạo bằng cách huy động thế hệ trẻ đoàn viên thanh niên và các tổ chức đoàn thể gồm 9.042 thành viêncủa 1.676 Tổ công nghệ cộng đồng đã vươn tới tất cả các xã, phường, thôn, bản, khu phố. Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng nền tảng “Công dân số Xứ Lạng” và các ứng dụng thương mại số, thanh toán số. Tỉnh đặt mục tiêu ngay trong năm 2022, 70% dân số trên địa bàn từ 15 tuổi trở lên cài đặt, sử dụng nền tảng “Công dân số Xứ Lạng”, ứng dụng “thương mại số”, “thanh toán số”.

Ông Dương Xuân Huyên phát biểu tại lễ khánh thành dự án Cửu khẩu thông minh.

Thực tế chứng minh, thời gian qua nhờ triển khai công nghệ số mà các hộ dân trên địa bàn cơ bản đã được nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo cách làm truyền thống, tiên phong ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số. Điển hình là sản phẩm Na Chi Lăng.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay chính quyền số đã phát triển cả 4 cấp; kinh tế số phát triển rộng khắp với trên 60% số hộ gia đình có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử; xã hội số với 100% các trường học hoạt động trên nền tảng số; cửa khẩu số được phát triển với 100% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia.

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh đã đưa mô hình nền tảng cửa khẩu số vào vận hànhtừ ngày 21/02/2022, đến nay nền tảng cửa khẩu số đã chạy ổn định, đa số các doanh nghiệp thành thạo khai báo thông tin trực tuyến và đã có hơn 1.865 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Nền tảng cửa khẩu số. Sử dụng Nền tảng cửa khẩu số, các doanh nghiệp chỉ cần kê khai thông tin 01 lần ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào với thời gian kê khai thông tin chỉ mất từ 2 - 5 phút. Điểm tích cực quan trọng đó là toàn bộ hoạt động của cửa khẩu được công khai, minh bạch, doanh nghiệp có đầy đủ thông tin về hàng hóa, phương tiện của mình đang ở đâu, đã được xử lý ra sao. Đến nay, Nền tảng cửa khẩu số đã 27 lần chỉnh sửa nâng cấp để phù hợp với tình hình thực tế tại cửa khẩu. Việc triển khai Nền tảng cửa khẩu số đã giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu; giúp minh bạch hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu; đảm bảo tính liên tục trong các hoạt động tại CK; góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 được cungcấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình. Đến năm 2030, 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc bí mật nhà nước), kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh; Tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số trên nền tảng thương mại điện tử trên 80%; Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.

Những con số ấn tượng

Trong những tháng đầu năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu KT-XH của tỉnh Lạng Sơn đều tăng khá so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 6,01% so với cùng kỳ. Sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, kinh tế cửa khẩu được quan tâm lãnh đạo, tập trung triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy nhanh thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.Sản xuất công nghiệp, xây dựng duy trì đà tăng trưởng. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển tiếp tục phục hồi tốt. Thu ngân sách toàn tỉnh đạt tiến độ dự toán; tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công tăng so với cùng kỳ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng so cùng kỳ; các lĩnh vực văn hóa - xã hội, công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.Quan hệ đối ngoại được mở rộng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, tăng 21 bậc so với năm 2021, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.Xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022.

Để phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, nhất là mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 7 - 7,5%, trong những tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung chủ yếu vào các nhiệm vụ như:

Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Duy trì ổn định sản xuất của các cơ sở công nghiệp. Hỗ trợ nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án phát triển công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các dự án đầu tư bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn lớn, tiềm năng; hướng dẫn, tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sau đại dịch. Tập trung chỉ đạo công tác quản lý ngân sách nhà nước; thực hiện quyết liệt các giải pháp, phấn đấu thu đạt tiến độ dự toán ngân sách. Đẩy mạnh chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội...

Ngày cao điểm thực hiện chuyển đổ số Quốc gia

Phạm Bình