Lãnh thổ, địa phương trong thiết chế quản trị nhà nước

Thứ tư, 05/03/2025 - 12:05

Lãnh thổ là hình thức tuyên bố chủ quyền (sở hữu) vùng đất thuộc chủ quyền của một quốc gia. Sự tuyên bố quyền chủ quyền thường xuất hiện các rắc rối tranh chấp giữa các nhà nước. Đó là những liên hệ từ lâu qua các giai đoạn về lịch sử, các cộng đồng người hay các cộng đồng tôn giáo. Lãnh thổ còn là kết quả phân quyền quản trị bên trong một nhà nước.

1.Nhận thức về lãnh thổ, địa phương. Lãnh thổ có cơ sở (hay tiền đề ) trước hết là một vùng đất. Nói cách khách, chỉ vùng đất nào có chủ sở hữu mới gọi tên là lãnh thổ. ( Thường ngời ta không gọi Châu Nam Cực là lãnh thổ. Nó chỉ là châu lục, tức vùng đất có tên gọi theo phân chia địa lý, không ai sở hữu ). Lãnh thổ là hình thức tuyên bố chủ quyền (sở hữu) vùng đất thuộc chủ quyền của một quốc gia. Sự tuyên bố quyền chủ quyền thường xuất hiện các rắc rối tranh chấp giữa các nhà nước. Đó là những liên hệ từ lâu qua các giai đoạn về lịch sử, các cộng đồng người hay các cộng đồng tôn giáo. Lãnh thổ còn là kết quả phân quyền quản trị bên trong một nhà nước. Trên cơ sở đó mà hình thành các kiểu, các hình thái địa phương gắn với chính quyền tương ứng. Lãnh thổ bên trong quốc gia phân chia theo luật cơ bản tạo thành các cấp địa phương trong một nhà nước.

Khái niệm vùng đất, lãnh thổ, địa phương có yếu tố tương đồng và khác biêt. Tương đồng ở chỗ, vùng đất, lãnh thổ, địa phương đều phản ánh không gian địa lý. Nhưng vùng đất là phạm vi không gian thuần túy; lãnh thổ là vùng đất có chủ quyền liên quan đến các quốc gia; địa phương là cấu trúc bên trong lãnh thổ quốc gia, nó cũng là vùng đất với phạm vi, giới hạn nhất định. Lãnh thổ, địa phương còn có yếu tố khách quan và mặt chủ quan. Khách quan vì đó là một không gian tự nhiên. Không ai làm ra, tạo ra với những đặc điểm đặc trưng khác nhau. Cũng không ai có thể xóa bỏ ( mặt định vị không gian của nó ). Chủ quan là sự sở hữu, hay phân quyền trách nhiệm quản lý. Sự tuyên bố chủ quyền hay thẩm quyền để xác nhận chủ thể sở hữu và trách nhiệm xã hội của chủ thể liên quan đến nhà nước và các thực thể địa phương bên trong. Nếu chủ sở hữu lãnh thổ thuộc chủ quyền của một nhà nước, thì chủ quyền đó mang tinh chính trị. Nếu là các thiết chế bên trong quốc gia được phân định, nó thuộc về trách nhiệm hành chính của một thiết chế đối với nhà nước do luật cơ bản ( thường là hiến pháp ) xác định. Theo đó chủ thể được trao quyền dưới dạng thẩm quyền hành chính, gọi là các cấp địa phương. Chúng có thể thay đổi theo ý chí của nhà nước, sao cho địa phương phát huy tốt nhất vai trò của chính quyền, nhân dân và tiềm năng của đối tượng. Thiết chế địa phương như vậy mang tính hành chính – chính trị. (Hành chính là các chủ thể quản lý; chính trị là địa phương trong cấu trúc chủ quyền quốc gia trong quan hệ quốc tế ). Với nghĩa này lãnh thổ chính là các cấu trúc phân định sự chiếm hữu mang tính nhà nước; Địa phương là sự phân quyền quản lý mang tinh thẩm quyền các chủ thể trong một nhà nước. Địa phương, trong tương quan với lãnh thổ quốc gia, do nhà nước trung ương là chủ thể. Nhà nước thực hiện việc phân vạch ra từng loại chủ thể, từng cấp thẩm quyền. ( Thường là rộng hẹp gắn với các tồn tại hiện hữu trong đó ). Như vậy địa phương lấy lãnh thổ một quốc gia, rồi định vị nó, xác định thẩm quyền của các thiết chế bên trong mà thành. Đinh vị là sự xác định phạm vi và vị trí không gian mà cho mỗi cấp, loại địa phương ( rộng bao nhiêu, liền kề với các chủ thể khác theo phương định vị như thế nào…). Địa phương còn mang mặt xã hội của chủ thể. Tức chúng phải gắn với cộng đồng cư dân và vộ máy quản trị và các động lực phát triển.

Theo giác độ lịch sử phát triển, các thị tộc, bộ lạc ngày xưa mà khoa học lịch sử, triết học nghiên cứu, việc sở hữu các vùng đất ngay từ đầu đã xuất hiện yếu tố tranh chấp. Lãnh thổ gắn với sự di chuyển tự phát, được hợp thức hóa thành các chủ thể bên trong các thiết chế thị tộc, bộ lạc, đến cả giai đoạn xuất hiện các nhà nước. Khi các cộng đồng người giành được chủ quyền, hình thành dân tộc[1] thì qui định pháp luật quốc tế chung đồng thuận được xác lập để làm căn cứ xác lập chủ thể và xử lý tranh chấp.

2. Vấn đề địa phương trong tiến trình phát triển lịch sử trong một nhà nước. Trong một nhà nước, địa phương phản ánh hai loại cộng đồng. Đó là cộng đồng tự quản và cộng theo thiết chế nhà nước, tương ứng với chủ thể lãnh thổ cuốc gia là nhà ước và lãnh thổ hành chính quản lý bên (nhà nước). Các cộng đồng tự quản cũng hội đủ các yếu tố: phạm vị, cư dân và thiết chế quản trị. Tại các thiết chế địa phương cấp cơ sở được liên kết từ các cộng đồng tự quản. Ở Việt Nam thường gọi là các cộng làng xã. Trong tiến trình phát triển lịch sử như ở Việt Nam vấn đề địa phương luôn là một trong những đối tượng được xác định là cơ bản, quan trọng. Ở Việt Nam, hầu như không có địa phương nào mà lịch sử của nó không gắn với sự thay đổi tách – hợp và thay đổi cả tên gọi. Điều đó chứng tỏ trong địa phương có yếu tố không đổi, và có yếu tố dịch chuyển. Yếu tố không đổi là cấu trúc lãnh thổ tự nhiên cấu thành địa phương. Vẫn là vị trí, ( núi đó, sông đó và con người đó !). Trái lại yếu tố biến động là cấu trúc lại qui mô thể chế xã hội các địa phương. Sự cấu trúc lại làm thay đổi địa phương theo qui mô, cấu trúc các thực thể không gian theo sự thay đổi của thiết chế quản lý.

Tính ổn định của địa phương với tính cách là một thực thể trong hệ thống là yêu cầu rất quan trọng. Nhưng không phải vì thế mà chúng không bị hòa mực lại !( những chữ nghiêng trong bài là nhấn mạnh của tác giả). Tính ổn định bởi địa phương là một thực thể lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và hoạt động kinh tế, chính trị. Trong các cấu trúc địa phương thì cộng đồng làng truyền thống có tính bền vững gần như tuyệt đối. Làng truyền thống đề cập tới các làng hình thành ổn dịnh hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm mới thuộc cộng đồng ổn định bền vững. Nó không liên quan đến các cộng động di cư tự phát, lập làng tự phát, hoặc qui định mang tính hành chính, chủ yếu để quản trị, bỏ qua các yếu tố tự nhiên, văn hóa xã hội. Những cấu trúc như thế sau này hoàn toàn có thể thiết lập lại cho đúng phạm vi, qui mô, bảo đảm tính ổn định về các sinh hoạt dân sinh của một thiết chế tự quản. Như thế khái niệm " tự quản" phản ánh các cấu trúc địa phương. Như ở Việt Nam từ tỉnh, huyện, xã đến các làng (thôn, ấp, bản…). Tuy vậy tính bản địa, có yếu tố bảo thủ trong những cải cách cấu trúc địa phương yếu tố tự quản làng xã dường như không phải là vấn đền lớn so với cấu trúc từ thiết chế hành chính pháp lý ( xã , huyện, tỉnh và tương đương ).

Khái niệm địa phương và địa phương chủ nghĩa. Khái niệm địa phương và địa phương chủ nghĩa có liên hệ và khác biệt rất đáng lưu tâm khi nghiên cứu hoặc thiết chế quản trị. Nếu địa phương phản ánh các mặt đặc trưng đặc thù, đặc sắc về tập quán, truyền thống, văn hóa … chủ yếu ở một cộng đồng nhất nhất định, đặc biệt là cấu trúc làng – xã, thì địa phương chủ nghĩa là khái niệm phản ánh tâm lý, ý thức, thái độ ứng xử tiêu cực sao cho lợi ích cho địa phương mình. Nếu địa phương để chỉ tính bản sắc của cư dân một thiết chế tự quản, thì địa phương chủ nghĩa thuộc nhận thức, ý thức tiêu cực trọng, thể hiện chủ yếu trong công vụ và sinh hoạt. Địa phương cơ bản là khái niệm tích cực, nhân văn ở tính cố kết và đồng thuận. Địa phương do đặc trưng xã hội, văn hóa và truyền thống luôn luôn được chú trọng để phát huy mặt giá trị trong cộng đồng , quốc gia. Có thể nói địa phương chính là cái tôi tích cực. Trong khi địa phương chủ nghĩa là hiện tượng ý thức cần phê phán. Người quan tâm nhiều nhất về việc tránh địa phương chủ nghĩa trong công tác thì không ai khác, chính là Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Người cho rằng bệnh địa phương trong công tác của các bộ " … phải tẩy cho sạch…"[2] . Nó thuộc giá trị, điểm sáng. Thật trùng hợp giá trị bền vững từng có làng kháng chiến, trong Kháng chiến trường kỳ[3]. Đến nay Chính phủ, bộ Nông nghiệp và Hội Nông dân Việt Nam có chính sách khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ cho các địa phương ( làng, xã ) phát huy tính ưu việt, nổi trội địa phương sao cho mỗi làng, mỗi vùng một sản vật ( tiếng Anh : OVOP : Oen Villag One product) [4] và mỗi xã một sản phẩm OCOP ( One Commun One product )[5].

Về sự vận động, thay đổi của cải cách thiết chế hành chính địa phương trong thực tiễn quản trị quốc gia

Như trên đã phân tích, địa phương với vị trí là các thiết chế quản trị thường ổn định. Nhưng chúng vẫn thuộc đối tượng cải cách. Ổn định để bảo đảm môi trường phát triển các lĩnh vực. tạo liên kết và cố kết. Trong khi cải cách đòi hỏi từ sự thích ứng khi các thiết chế xã hội thấy có yếu tố trì trệ. Việc cải cách liên quan đến thể chế địa phương thường diễn ra trên các mặt: cải chách thể chế, theo đó địa phương sẽ tiếp cận các qui định theo hướng phổ biến là các qui định gia tăng quyền tự chủ, trao thêm thẩm quyền quản trị và tính tự chịu trách nhiệm gắn liền với tính giới hạn ( pháp lý ) về không gian sinh tồn. Vấn đề qui định rộng hẹp ra sao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như năng lực quản trị, hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng thông tin và phương tiện di chuyển. Nếu tiềm năng kinh tế còn hạn chế, các yếu tố hạ tầng kém phát triển, trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế thì cải cách chưa có động lực để diễn ra. Nước ta đã có mấy lần thay đổi không gian địa phương bao gồm cả chia nhỏ và sáp nhập. Kể từ khi thành lập nhà nước Dân chủ đến nay.

Cải cách thể chế và cải cách địa phương hiện nay có vị thế mở đầu cho kỷ nguyên mới. Nối tiếp hai kỳ đại hội của Đảng tiến tới Đại hội XIV vào thời gian tới, hiện đang đặt ra vấn đề cải cách thể chế, trong đó cải cấu trúc lại thiết chế địa phương. Vấn đề cải cách chính quyền địa phương luôn là một trong những nội dung lơn về hoàn thiện thể chế, trong đó có cấu trúc lại mô hình chính quyền theo qui mô, thẩm quyền, chế độ trách nhiệm…Chỉ các so với hiện nay là tính cấp bách trong nhận thức và chỉ đào, điều hành. Về mặt tốc độ, trung ương Đảng và cả hệ thống chính trị đưa ra quan điểm: coi cải cách địa phương nằm trong thể các yếu tố tác động trong một quan điểm đột phá của một kỷ nguyên mới; chống tụt hậu trong tương quan so sánh; quan điểm đã thống nhất ý chí thì kèm theo quyết tâm triển khai nó. Thời gian gần đây dường như vang lên từng ngày thể hiện ý chí chính trị, như: trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng; thần tốc, chỉ bàn làm, không bàn lùi; vừa chạy, vừa xếp hàng… Giữa ý tưởng và quyết sách có khi chỉ trong mấy ngày đã xuất hiện. Một phong cách làm việc đặc biệt. Trong bài viết này chỉ trình bày và phân tích luận giải về địa phương cần phải cấu trúc lại đề làm rõ thêm, tại sao địa phương hiện nay là là vấn đề nếu không cải cách, thì có thể là cản trở phát triển ?

Như trên đã phân tích, vùng đất với phạm vi nhất định chỉ là thực thể khách quan, tự nó không ai sinh ra và có thể làm cho chúng thay đổi các thuộc tính . Khi vùng đất khoác trên nó với khái niệm lãnh thổ, có nghĩa chúng đã có chủ. Chủ thể vùng đất có thể là chủ sở hữu ( chủ quyền quốc gia ), hoặc chủ thể trách nhiệm ( như các chính thể địa phương bên trong lãnh thổ quốc gia ). Khi lãnh thổ mang trên nó khái niệm địa phương, nghĩa là đó là các thiết chế giữa địa bàn, bộ phần bên dưới và tổng thể, tối cao nhất, trung ương ! Trở thành quan hệ trung ương – địa phương. Thuật ngữ trung ương, địa phương là khái phản ánh hai ( loại ) chủ thể có được từ phân công trách nhiệm chính trị trong một nhà nước. Điều này có từ thời cổ đại khi xuất hiện nhà nước. Địa phương còn mang trong đó ý nghĩa tác động chủ quan. Thực tiễn cũng chỉ rõ, địa phương không phải nhất thành bất biến. Địa phương cần ổn định để phát triển, nhưng không phải là không thể thay đổi. Địa phương là khái niệm cấu trúc, trong đó có cơ sở tự nhiên, cộng đồng dân cư và thể chế chính trị là các trụ cột. Địa phương là thực thể mà nhà nước tác động thường xuyên, liên tục theo quan hệ chia xẻ trách nhiệm ( trung ương , địa phương ), phát hiện tiềm năng, tạo dựng cơ hội cho các thiết chế đồng hành cùng phát triển…Trong các tác động ( chủ quan ) đó vấn đề qui mô của một thực thể ( cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chẳng hạn ), quan hệ về hệ thống của địa phương ( bao nhiêu cấp ) như thế nào là hiệu quả, trở thành chủ đề rất quan trọng trong các vấn đề quan trọng nhất hiện nay ( như tinh giản bộ máy, quản trị số, cạnh tranh khu vực và quốc tế…).

Thay đổi cấu trúc địa phương, (và cùng với nó là định vị lại trách nhiệm, chức trách, thẩm quyền ), là hiện tượng phổ biến ở mọi nhà nước. Mục đích của thay đổi là làm sao địa phương phát huy tốt nhất chức năng, chức trách đối với phát triển kinh tế, phát huy truyền thống văn hóa và an ninh quốc gia. Ngày nay còn thêm yêu cầu hội nhập về kinh tế là cơ hội để tăng năng lực tự chủ địa phương.

Các thực thể địa như làng ( thôn, bản…), xã , huyện, tỉnh trong lịch sử Việt Nam, dường như chỉ có cấu trúc làng là ổn định nhất từ tính tự quản sâu sắc. Ngoài ra các thực thể còn lại đều có hồ sơ biến động qua các thời kỳ. Chúng ta không nghiên cứu lịch sử các cấu trúc địa phương ( trong bài viết này ), nhưng mọi người trưởng thành Việt Nam đều nhận thức rằng mỗi địa phương có lịch sử thay đổi. Chúng không phải từ trước đến nay vẫn như thế !. Tại sao địa phương là là một trong những đối tượng tác động của thể chế, cải cách trong quản trị nhà nước. Theo tác giả địa phương là thực thể, ngoài yếu tố khách quan ( vị trí, địa mạo, thời tiết, khí hậu…) rất ít thay đổi, thì tác động chủ quan, nhất là tác động thể chế là nội dung rất quan trọng. Có mấy lý do liên quan đến tác động chủ quan này. Một là cấu trúc địa phương không phải thực thể nhất thành bất biến. Ở đâu cũng vậy. Nếu việc cấu trúc lại tạo lợi thế cho phát triển mà hiện tại chúng đang có yếu tố trì trệ, thì cần phải có sách lược tác động để xử lý.

Hai là, cấu trúc lại địa phương như thế nào là phù hợp là một tính toán có tính chiến lược, cơ bản, đảm bảo ổn định và lâu dài từ thực trạng đang có yếu tố trì trệ.

Ba là mục đích của việc cấu trúc lại địa phương phải bảo đảm sao cho các địa phương cơ hội về dư địa và cộng hưởng các nguồn lực để địa phương phát triển, bảo đảm sự hài hòa giữa chiến lược kinh tế xã hội quốc gia và năng lực riêng có, đặc thù của địa phương để tạo lợi thế tốt nhất cho sản xuất xã hội, phát triển kinh tế.

Bốn là, cấu trúc lại địa phương theo hướng ứng dụng hiệu quả chủ trương phân quyền mạnh mẽ cho địa phương theo năng lực và trách nhiệm ( Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm) [6].

Năm là, nhà nước Việt Nam thiết kế mô hình trung ương thống nhất quản lý ( hành chính nhà nước), địa phương thực hiện theo phân quyền và phân công pháp lý để phát huy tiệm năng bản địa. Từ đó, chiến lược tổng thể nhà nước ( trung ương ) có vai trò quan trọng bảo đảm cấu trúc địa phương một cách hài hòa, dân chủ, phát huy năng lực, sao cho nơi mạnh cần thêm dư địa, không gian phát triển có thêm cơ hội; nơi chưa mạnh, nhưng có dư địa cần thiết kế theo hướng tăng năng lực chủ thể, nhân tố chủ quan để tạo động lực cả thiết chế quản lý và câu trúc dân cư (nghĩa là thực trạng các thái cực trong cấu trúc địa phương để thể hiện sự bất cập ).

Thứ ba, cấu trúc lại không gian địa phương là một trong những nội dung căn cốt của thế chế chính trị, cũng như cơ sở phát huy dân chủ địa phương và gia đình, cá nhân, mà dân chủ về các mặt là nền tảng của thể chế xã hội chủ nghĩa, hướng tới hơn hẳn dân chủ tư sản ). Thực tế là, với các nền dân chủ, cơ chế kinh tế con đang trong giai đoạn chuyển đổi, tiềm năng kinh tế còn ở trình độ thấp, năng lực quản trị quốc gia còn hạn chế, thì tác động chủ quan để hòa mực lại cấu trúc lãnh thổ hành chính có thể diễn ra thường xuyên hơn là vấn đề có thể hiểu được. Như thực tiễn cấu trúc lãnh thổ hành chính Việt Nam, chỉ tính riêng từ ngày lập Nước Dân chủ cộng hòa, số lần điều chỉnh lãnh thổ cũng không phải là ít . Chỉ tính địa phương cấp tỉnh đã có tới gần mười lần tác động điều chỉnh. Thậm chí có giai đoạn rất ngắn, chỉ mấy năm đã có thay đổi ( mặc dù không phải thổng thể, đa số ). Chẳng hạn, 1976 đến 1979 có tới ba lần điều chỉnh lãnh thổ cấp tỉnh ![7]

Yếu tố địa phương tác động tới điều chỉnh lãnh thổ địa phương. Địa phương là khái niệm nói về các địa bàn cứ trú dân cư của các cộng đồng người. Khi điều chỉnh hay phân chia lãnh thổ, các nhà nước bao giờ cũng tính tới các yếu tố địa phương có trong tâm lý, ý thức, tình cảm cư dân và năng lực quản trị. Theo tác giả ý thức rõ nhất là vấn đề tâm lý tự hào riêng có chủ thể ( thế mạnh quê ta, tỉnh ta …). Theo tác giả, trong tâm lý địa phương có tâm lý tự hào địa phương và tâm lý ekip địa phương trong sinh hoạt và quản trị. Hai mặt đó tạo ra hiện tượng gọi là địa phương chủ nghĩa là mặt không tích cực. Trong địa phương chủ nghĩa thể hiện mạnh, vượt trội ( so với các yếu tố khác ) ở những người làm quản trị xã hội. ( Như trên đã dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhà nước đã luôn đề cập hiện tượng địa phương chủ nghĩa như là một hiện tưởng cản trở phát triển ). Địa phương chủ nghĩa thể hiện ra là: trong một xã thì muốn người của làng mình, thôn mình mới là quan trọng; trong một huyện thì người xã mình, trong một tỉnh thì người huyện mình…Thậm chi có hiện tượng khi sáp nhập lãnh thổ cấp tỉnh những lần trước thì âm ỉ tâm lý tỉnh lớn, tỉnh bé trong sử dụng cán bộ, phân bổ phương tiện, cơ sở vật chất làm việc… không phải không có. Việc áp dụng chủ trương một số vị trí lãnh đạo, điều hành ở một cấp địa phương phải là người ở địa phương khác đảm nhiệm là minh chứng cho giải pháp khắc phục tâm lý tiêu cực đó.[8]. Trong một số ngành, gọi là nhạy cảm liên quan đến đời sống dân sự, quyền công dân như ngành công an đã quán triệt rất cao việc không để người địa phương nắm vị trí trưởng ngành, nhất là cấp huyện và tỉnh từ gần mười năm trước! [9] Vậy nên địa phương chủ nghĩa là mặt trái, tiêu cực, khác với tự hào địa phương là mặt nhân văn, văn hóa cần trân trọng. Thực tế lịch sử những năm qua cho thấy, tâm lý địa phương trong cộng đồng tự quản, cơ bản chưa bao giờ ảnh hưởng đến mức làm khó chủ trương của Đảng và nhà nước. Tâm lý đó sẽ giảm dần khi tác động ở phạm vi, qui mô các cấp cao hơn từ xã đến tỉnh. Có chăng chỉ còn tâm lý các thiết chế này, giả sử là hợp nhất ( nhiều xã , nhiều huyện, nhiều tỉnh ) là: trụ sở ở đâu, có người địa phương tham chính hay không…

Thử phân tích không gian địa phương trong bối cảnh cải cách trước kỷ nguyên mới, vận hội và thời cơ mới. Thứ nhất sự cấu trúc lại không gian đối với các thiết chế địa phương không phải việc chưa có tiền lệ. Vì thế sự đồng thuận sẽ xuất hiện nếu thể chế và toàn xã hội đều thấy những bất cập như một thực trạng cần phải nhận thức, nhận ra và thay đổi. Ví như: 1. Sự bất cập trong cấu trúc địa phương mấy chục năm đổi mới tạo ra tình trạng nơi cần phát triển hơn nữa thì thiếu không gian; nơi nhiều không gian lai thiếu nhân lực…2. Hiện trạng tầng nấc phức tạp, tạo ra thủ tục rườm rà cản trở cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, sinh hoạt dân sự và các chủ thể khởi nghiệp. Những tình huống chỉ đạo miệng hoặc ngâm thủ tục[10] từ cấp trung gian không thiếu. Hậu quả là lãnh đạo cấp dưới phải chịu trách nhiệm. ( cấp dưới và cấp trên trong hành chính nhà nước thường là cấp theo thiết chế, ngành dọc như tỉnh – huyện, cấp theo thẩm quyền nội bộ, như vụ - phòng ). Mấy năm vừa qua có khá nhiều tình huống quản lý từ chỉ đạo miệng mà cán bộ cấp cơ sở dính vào trách nhiệm hình sự![11] Thường thì, trong các quan hệ phổ biến, ( bất kỳ quan hệ nào ), một khi xuất hiện yếu tố trung gian thì tất nhiên xuất hiện thêm một chủ thể, ý tưởng, thêm liên hệ, trong đó có các thủ tục. Thêm thủ tục là tiềm năng thêm sự lãng phí, trước mắt là lãng phí thời gian. Phải chăng chế độ làm việc vụ trưởng – chuyên viên, bỏ cấp phòng là thiết chế các bộ của Chính phủ đã từ thực trạng trung gian và lãng phí như thế ! ? Điều cần bàn là, do chính sách đào tạo bồi dưỡng tích cực của Đảng và Nhà nước, trong mấy thập kỉ, trình độ cán bộ, công chức đã khá đồng đều. Chỉ khác nhau ở vị trí việc làm và chức trách, kinh nghiệm ). Từ đó cũng thêm cơ sở, cắn cứ để giảm những mắt khâu, vốn không còn phù hợp nữa. Trong thực tiễn, cái gì đã không phù hợp thì đương nhiên tiềm ẩn, rồi xuất hiện yếu tố cản trở phát triển. …; 3. Chi tiêu ngân sách cho tiêu dùng và quản lý vượt trội so với chi cho đầu tư phát triển. Một trong những lý do là bộ máy và định biên. Hai yếu tố này có liên quan đến việc cấu trúc lại địa phương theo chiều rộng ( như hợp nhất, sáp nhập ), và theo cấu trúc tầng nấc cần phải tính tới. Đó là lý do tại sao Đảng và Nhà nước hiện nay chăn trở vấn đề tinh giản bộ máygiảm chi tiêu ngân sách cho khu vực quản trị nhà nước[12]

Thứ Hai, khi các yếu tố tác động đến các cấu trúc lãnh thổ đã và đang thay đổi theo hướng tiến bộ, cấu trúc không gian hành chính trở thành bất cập. ( thiếu không gian cho phát triển hoặc thiếu nguồn lực tạo cú hích cho dư địa phong phú ở các địa phương qui mô dân cứ rất hạn chế

Thứ ba, tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ vượt trội vể tỷ trọng so với các quốc gia và khu vực, có thể đáp ứng ngày càng nhiều cho dầu tư phát triển, kéo theo sự hoàn thiện, nâng cấp bứt phá hạ tầng giao thông và hạ tầng thông tin, phương tiện đi lại ngày càng hiện đại, chất lượng tạo sự kết nối không gian ( địa phương )… Những yếu tố đó làm cho các giới hạn thực tế hiện nay trở thành bất cập theo tư duy quản trị tốt. Đó là các tác động khiến cho cấu trúc địa phương bộc lộ những vấn đề cần điều chỉnh.

Thứ năm, với chính sách tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hệ thống chính trị ngày càng cao về tiêu chuẩn, khung năng lực; ngày càng được cập nhật kiến thức quản lý, năng lực chính trị, kĩ năng xử lý tình huống và ý thức về trách nhiệm giải trình…tạo cho nguồn nhân lực của hệ thống chính trị đã tiến bộ một cách căn bản, hơn hẳn về năng lực, hiệu quả công vụ so với giai đoạn trước. Các phẩm chất đó đủ cho động lực, năng lực, trách nhiệm sẵn sàng đáp ứng với đối tượng quản trị lớn hơn về không gian, phức tạp hơn về lĩnh vực, kinh tế xã hội.

Thứ sáu, theo logic của phát triển thể chế, nguồn lực của thiết chế cần sự kết nối, cung ứng từ nhỏ đến lớn ( như chủ thể địa phương và trung ương ), từ đơn giản đến phức tạp ( vừa có năng lực quản trị, tổ chức thực hiện, vừa được phần quyền chính sách tại địa phương ). Từ đó, nguồn lực địa phương đủ các tố chất bổ xung cho nguồn nhân lực chính sách, chiến lược ở tầm quốc gia. Xưa nay quan hệ trung ương – địa phương về nguồn nhân lực vẫn diễn ra. Tuy nhiên khung năng lực của cán bộ địa phương càng tiếp cận với trách nhiệm, chiến lực ở cấp trung ương sẽ càng thuận lợi nhờ sợ kết nối phát triển.

Thiết chế địa phương là một trong những vấn đề căn bản trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính trị. Nó luôn được xác định, qui định trong luật cơ bản của một quốc gia. Ở Nước ta, đó là Hiến pháp năm 2013 và các bản hiến pháp trước trong lịch sử nhà nước dân chủ từ sau Cách mạng tháng Tám ( 1945 ). Hiến pháp do nhân dân trao cho nhà nước xây dựng theo nguyên tắc dân chủ gián tiếp, tức là một sản phẩm pháp lý chính trị quan trọng mang tính chủ thể rõ rệt. Đó là ý chí, quyền của nhân dân trao cho nhà nước. Vậy nếu cần thay đổi ( sửa đổi ) vì sự nghiệp phát triển đất nước, như thay đổi cấu trúc và hệ thống các cấp địa phương để phát triển đất nước không phải vùng cấm của thể chế[13].

Thông tin tham khảo

1.Hiến pháp Việt Nam năm 1980; 1992; 2013

2. Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 1994 (sửa đổi )

3.Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ( 2003 )

4. Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi ( 2015 )

5. Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi ( 2025 )

6. https://tapchicongsan.org.vn ( Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức và nâng cao chất lượng ...19/11/2023; )

7. https://quochoi.vn ( Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên ... (Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên ...01/3/2025 )

8. https://tapchicongsan.org.vn ( Đổi mới hoạt động của chính quyền cơ sở…04/01/2009; Nguyễn Hữu Khiển

9. https://www.quanlynhanuoc.vn ( Phân cấp giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…10/3/2020; Trần Diệu Oanh )

10 Một số trang điện tử đã dẫn trong bài viét


[1] https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn ( Tư tưởng V.I.Lênin về quan hệ giai cấp - dân tộc và sự vận ...16/8/2021; Phạm Thị Hoàng Hà - Nguyễn Thị Thu Huyền )

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H. 2011,T. 5, tr 277

[3] https://nhandan.vn ( Làng kháng chiến giữa lòng Hà Nội…21/8/2015 )

[4] https://vietnam.vnanet.vn › ( OVOP Việt Nam - "sân chơi" thương hiệu làng nghề…15/12/2016 ).

[5] https://nhandan.vn

[6] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn...( 18/02/2025 ).

[7] https://tuoitre.vn ( Những lần sáp nhập tỉnh, thành ở Việt Nam trước đây như ...21/02/2025 )

[8] https://www.tapchicongsan.org.vn ( Bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa ...01/8/2022 ).

[9] https://cand.com.vn › Hoàn thành luân chuyển Trưởng Công an cấp huyện ...20/10/2016 )

[10] https://hanoimoi.vn ( Khắc phục cho được tình trạng "cấp dưới đi hỏi cấp trên ...06/12/2022 )

[11] https://tuoitre.vn ( Lãnh đạo đưa ra chỉ đạo miệng, khi sai phạm ai chịu trách ...12/01/2024 ).

[12] https://daibieunhandan.vn ( Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần tiếp tục tinh giản bộ máy, biên ...31/10/ 2024 ).

[13] https://quochoi.vn ( Sửa đổi Hiến pháp với việc hoàn thiện bộ ...Hoàng Thị Ngân )

GS.TS Nguyễn Hữu Khiển – ThS.NCS Triết học Lê Thị Minh Nguyệt