Lào Cai làm theo lời Bác về “Đoàn kết chặt chẽ”

Thứ hai, 28/10/2024 - 08:00

Đoàn kết có vai trò quan trọng đối với dân tộc và Đảng ta, quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì thế, đoàn kết, đại đoàn kết được chủ tịch Hồ Chí Minh coi là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhất quán, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.

Quan niệm về đoàn kết, đại đoàn kết

Thực tiễn quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước đã chứng minh. Đoàn kết là một yêu cầu khách quan của dân tộc vì lợi ích của của cộng đồng, đoàn kết đã trở thành mẫu số chung để tập hợp mọi lực lượng phát huy sức mạnh chống thiên tai và giặc ngoại xâm.

Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Đảng luôn xác định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng thành công trong lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết chính là một hệ thống quan điểm, nguyên tắc, phương pháp về tuyên truyền vận động, tập hợp, tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện rõ quan điểm, lập trường, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, được cụ thể hóa thành những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp tập hợp, quy tụ và phát huy sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân, tổ chức lực lượng cách mạng, phát huy cao nhất sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người chỉ rõ, sức mạnh lớn nhất là ở Nhân dân, "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"[1], đoàn kết được Nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn nhất. Người khẳng định: "Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ"[2]. Người căn dặn: Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công"[3].

Thực tiễn Lào Cai làm theo lời dạy của Bác về "đoàn kết chặt chẽ"

Sau những áp bức thống trị của Pháp – Phỉ, tháng 11 năm 1950 Lào Cai được giải phóng, từng bước tiến hành công cuộc phát triển kinh tế xóa bỏ tàn dư của Pháp – Phỉ và chế độ phong kiến để lại, đến năm 1958 Lào Cai đã giành nhiều thắng lợi to lớn của cuộc vận động quần chúng tiễu phỉ, lập khu tự trị, khôi phục kinh tế. Nhiệm vụ của Lào Cai lúc này là phải tiến hành đấu tranh để xóa bỏ dấu tích phong kiến, cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Muốn thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này, trước hết Lào Cai cần nêu cao tình thần đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết chặt chẽ. Tuy nhiên, do chính sách "chia để trị" của thực dân Pháp làm cho Lào Cai còn tư tưởng kỳ thị, phân biệt dân tộc, thậm chí các lực lượng phản cách mạng còn kích động tư tưởng dân tộc cực đoan trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc

Với giác quan chính trị mẫn tiệp, Hồ Chí Minh nhận thấy Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ dân trí thấp, lại chịu tác động bởi chính sách "chia để trị" của thực dân Pháp và sự kích động không ngừng của các thế lực thù địch thì vấn đề đoàn kết, đại đoàn kết có ý nghĩa quyết định thành bại đến sự nghiệp cách mạng của Lào Cai. Vì thế, ngày 24 -9-1958 trong bài nói chuyện với đại biểu, đồng bào, cán bộ, bộ đội, công nhân tỉnh Lào Cai Bác đã đặc biệt nhấn mạnh. Lào Cai cần phải cố gắng hơn nữa nhằm thực hiện "Đoàn kết chặt chẽ - Tỉnh ta có 20 dân tộc anh em. Ngày xưa bọn thực dân và phong kiến tìm mọi cách để chia rẽ và gây xung đột giữa các dân tộc để chúng nó dễ áp bức bót lột.

Ngày nay, dưới chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta, các dân tộc bất kỳ to hay là nhỏ đều bình đẳng, đều là người chủ nước nhà Việt Nam. Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt. Đặc biệt là với các dân tộc ít người như đồng bào Lô Lô thì các dân tộc đông người hơn cần phải giúp đỡ họ về mọi mặt"[4]

Thấm nhuần tư tưởng của Người Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn luôn coi trọng việc học tập và làm theo lời dạy của Bác về đoàn kết và đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hành và giữ gìn đoàn kết trong Đảng, nhờ vậy Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã tạo lên khối đại đoàn kết bền vững, vượt qua mọi khó khăn thách thức giành nhiều thắng lợi to lớn

Truyền thống đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc được Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Lào Cai phát huy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phá tan chính sách "chia để trị", gây phỉ "dùng người Việt để đánh người Việt" của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làm thất bại mọi âm mưu "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.

Nhờ đoàn kết chặt chẽ, Đảng bộ các dân tộc Lào Cai đã góp phần bảo vệ thành quả cách mạng trong chiến tranh biên giới 1979, chung tay cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đại hội Đảng VI (1986) của Đảng ta khởi xướng.

Tổng kết 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai (11/10/1991-1/10/2021), "Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực vươn lên của toàn Đảng bộ, Lào Cai đã có bước chuyển mình nhanh chóng. Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước, sau 30 năm tái lập, về kinh tế, Lào Cai đang vươn lên trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bình quân giai đoạn 1991- 2020 đạt 10,2%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 9.172 tỷ đồng (gấp 252 lần so với năm 1991); GRDP bình quân đầu người đạt 76,3 triệu đồng (gấp 113 lần so với năm 1991); tỷ lệ giảm nghèo từ 55% (1991) xuống còn 8,46% (2020) theo tiêu chí mới; khách du lịch đến Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt người (2019), đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới với 61/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, thôn, bản có đường giao thông kiên cố và điện lưới quốc gia. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn được xếp thứ hạng cao của cả nước, là tỉnh đầu tiên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI) "[5]

Với tinh thần học tập và thực hành đoàn kết chặt chẽ, "năm 2023 quy mô GRDP trên địa bàn tỉnh Lào Cai xếp thứ 4/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc; xếp thứ 39/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương"[6]

Như vậy, Đoàn kết, đại đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu của Đảng bộ tỉnh Lào Cai. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc để 25 dân tộc trong tỉnh luôn đồng thuận, đồng sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương Lào Cai phát triển giàu đẹp, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

ThS. Đặng Minh Hiển

Trường Chính trị tỉnh Lào Cai


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.10, tr. 453.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t9, tr. 244.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.13, tr. 119.

[4] Lào Cai làm theo lời Bác. NXB Chính trị quốc gia. H, 1999 tr54-55

[5] Báo Lào Cai, ngày 1/10/2021: 30 năm khơi dậy khát vọng, sáng tạo, tạo đột phá vì một Lào Cai phát triển nhan và bền vững

[6] Báo cáo tỏn kết kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024