Về việc hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động (NLĐ), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn về điều kiện hưởng quá chặt chẽ. Do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này. Thậm chí đến nay chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo chế độ này.
Tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động. (nguồn ITN)
Theo thống kê của các tổ chức công đoàn, từ năm 2015 đến nay, số người có quyết định hỗ trợ học nghề là gần 30.400 người/năm (chiếm 4% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi năm). Nguyên nhân là do chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, nội dung hỗ trợ là học phí học nghề, chưa có các nội dung hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (chi phí ăn ở, sinh hoạt phí, đi lại…), nên chưa thu hút sự quan tâm cũng như hỗ trợ người thất nghiệp học nghề.
Trong giai đoạn 2015 - 2021, khoảng 96% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Tuy nhiên, chưa có quy định về chi phí cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, ảnh hưởng đến hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm. Mặt khác, nhiều lao động đang làm việc mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm mới, nhưng không có quy định để hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
Thống kê cũng cho thấy, tính đến hết quý I/2023, hơn 48.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động đồng nghĩa với việc những lao động này rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, do người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, mà nhu cầu lao động phổ thông ở nước ta lớn nên người lao động dễ tìm kiếm việc làm mới sau khi thất nghiệp. Mặt khác, có thực tế là dù người lao động đã qua đào tạo thì doanh nghiệp tuyển vào chỉ trả lương theo vị trí công việc như lao động phổ thông. Bên cạnh đó, người lao động nghỉ việc cũng có xu hướng chuyển về địa phương để tìm việc làm mới nhằm giảm chi phí sinh hoạt, đoàn tụ gia đình nên không có nhu cầu học nghề.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới với mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Chính sách của bảo hiểm thất nghiệp cũng mới chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác khiến người lao động càng không mặn mà.
Bên cạnh đó, chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Xuất phát từ thực tế, nhằm thu hút NLĐ học nghề cũng như sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác đào tạo nghề cho NLĐ, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được Bộ LĐTBXH xây dựng đã đề xuất bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, cũng dự kiến sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Cùng đó là tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng NLĐ chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp. Bổ sung quy định những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hình thức cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm; bổ sung quy định phạm vi và nội dung hỗ trợ (đi lại, ăn ở…) ngoài mức học phí…
P/v