Trong ngày 1/11, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại sân bay Nội Bài và 2 bệnh viện chuyên khoa về da liễu gồm BV Da liễu Trung ương và BV Da liễu Hà Nội.
Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận ổ dịch đậu mùa khỉ trong nước, 2 ca bệnh đã ghi nhận là từ nước ngoài trở về, tuy nhiên, hiện nay không chỉ các nước châu Âu, Mỹ ghi nhận ca bệnh mà nhiều nước trong khu vực với Việt Nam cũng đã có ca bệnh, như Australia 40 ca, New Zealand hơn 20, Thái Lan cũng ghi nhận hơn 10 ca. Do đó, nguồn bệnh xâm nhập vào nước ta từ khu vực sân bay quốc tế là rất lớn, sau đó là các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu vì các dấu hiệu, triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến da liễu.
Qua kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại sân bay Nội Bài và BV Da liễu Trung ương, BV Da liễu Hà Nội, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao công tác chuẩn bị và sẵn sàng vào cuộc của các đơn vị.
Tại 2 cơ sở y tế chuyên khoa về da liễu, Bộ Y tế đánh giá, mặc dù các BV gặp khó khăn do khuôn viên BV nhỏ, số lượng bệnh đông, tuy nhiên các BV cũng đã bố trí toàn bộ quy trình tiếp nhận và phân luồng sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ ngay từ ban đầu.
Tại BV Da liễu Trung ương, đoàn công tác lưu ý BV cần phải có kế hoạch về năng lực xét nghiệm và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm ca bệnh nghi ngờ, đồng thời phải tuyên truyền, dán tờ rơi có các thông tin về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp dự phòng để dân chờ khám sẽ đọc và tìm hiểu. BV cũng cần lưu ý hướng di chuyển bệnh nhân nghi ngờ để tránh nguy cơ lây nhiễm, cần có quy trình thực hiện và chuyển mẫu bệnh phẩm của ca bệnh nghi ngờ để xét nghiệm khẳng định.
BS. Bùi Quang Hào, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Da liễu Trung ương cho biết, mỗi ngày BV tiếp nhận từ 1.000-1.500 bệnh nhân đến khám. Thời gian này, BV có tiếp nhận một số trường hợp từ nước ngoài đến khám, chủ yếu là bệnh viêm da cơ địa, chưa có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
"Bệnh viện luôn lưu ý các bác sĩ khi thấy các triệu chứng về lâm sàng mà không giải thích được bằng các bệnh herpes, thủy đậu, giang mai, tay chân miệng… thì cần cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ. Đặc biệt, khi người bệnh có thêm biểu hiện sốt, mệt mỏi toàn thân hoặc có tiền sử đi từ nước ngoài về thì cần chuyển xuống phòng khám cách ly", BS. Bùi Quang Hào cho biết.
Đối với BV Da liễu Hà Nội, đoàn công tác lưu ý BV cần có quy trình chuyển tuyến đối với ca bệnh nhân nghi ngờ, nhất là phần báo cáo trong hệ thống BV để điều tra dịch tễ và cần có kế hoạch phòng chống dịch.
Đoàn công tác cũng đề nghị các BV thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo về bệnh đậu mùa khỉ cho cán bộ, nhân viên… của BV nhằm phát hiện sớm ca bệnh nếu có.
Đến nay, nước ta đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Cả 2 ca đều là ca bệnh xâm nhập, là người Việt trở về từ Dubai.
Hiền Minh/chinhphu