Lễ hội “Khô già già” – Trầm tích tín ngưỡng, biểu tượng tâm linh đặc sắc của người Hà Nhì ở Lào Cai

Thứ tư, 05/07/2017 - 16:32

TNV - Lễ hội Khô già già hay còn gọi là lễ hội cầu mùa, thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thờ thần rừng, thần nước, thần đất của cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

A5 (4)

Chia thịt trâu cho các gia đình về làm cơm cúng tổ tiên. Ảnh: TL

Tất cả các nghi lễ đều có mối quan hệ mật thiết với mục tiêu tối cao là “tôn thờ thần tự nhiên”, mong nhận được sự che chở để cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Đây là hoạt động tâm điểm nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội mùa Thu của “Năm Du lịch quốc gia 2017 – Lào cai – Tây Bắc” diễn ra từ ngày 4 – 6/7/2017.

Lễ hội còn là nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Hà Nhì được diễn ra liên tục trong 03 ngày, bắt đầu từ ngày Thìn đầu tháng Sáu (âm lịch) đến hết ngày Ngọ hàng năm; theo tục lệ, hôm nay là ngày thứ 2 (ngày Tỵ) và cũng là ngày chính lễ, bà con sẽ làm lễ mổ trâu chia đều cho mọi nhà mang về làm cơm để mang chiều nay đội mâm cơm ra các lán đã lợp mái cỏ gianh vào ngày hôm qua ở rừng công viên (bãi đất trống đầu bản) để làm nghi thức dâng cúng các vị thần. Ông Hoàng Công Kiều (Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Bát Xát) cho biết.

A8 (2)

Nghi lễ tạ cúng thần linh trong lễ Khô già già. Ảnh: TL

Để chuẩn bị cho nghi lễ cúng thần linh trong lễ hội Khô già già , người Hà Nhì sẽ cùng nhau họp bàn việc tổ chức và đóng góp mua sắm lễ vật trước đó cả tháng trời. Một trong những loại lễ vật không thể thiếu là con trâu trong lễ hiến tế. Yêu cầu việc múa sắm trâu tế phải là trâu đực đã trưởng thành, khỏe mạnh, không ốm đau, béo tốt và đen tuyền.

Trước ngày lễ chính, toàn thể các chủ hộ là nam giới sẽ có trách nhiệm đi lên rừng, lên núi cắt những bó cỏ gianh đẹp nhất để mang về lợp mái lán – nơi tổ chức các nghi lễ chính của lễ hội. Mỗi gia đình có trách nhiệm cắt 3 bó to hoặc 5 bó nhỏ; nếu năm nào làm lại toàn bộ lán thờ, các gia đình sẽ phải cắt 9 bó cỏ gianh để lợp mái. Đúng buổi sáng ngày Thìn, toàn bộ số cỏ gianh được mọi người mang ra rừng công viên , họ cùng dỡ mái gianh cũ, lợp lên mái gianh mới để chuẩn bị cho lễ hội.

A1 (20)

Lợp mái lán tại rừng công viên. Ảnh: TL

Theo truyền thống, con trâu dâng cúng của thôn hàng ngày ăn cỏ gianh ở đồi núi nào thì cả thôn sẽ đến cắt gianh ở đồi núi đó về lợp mái lán. Lán thờ là nơi phân chia thịt trâu cho các gia đình về làm lễ cúng tổ tiên, là nơi tổ chức nghi lễ đón thần về dự lễ hội, nơi tập trung vui chơi, ca hát của cả cộng đồng trong những ngày diễn ra lễ hội, ngôi lán dần trở thành biểu tượng tâm linh cho toàn lễ hội, là nơi thương nhớ của mỗi người con Hà Nhì khi đi xa nhớ về.

Con Trâu trong lễ hội Khô già già là con vật quý, gắn liền với đời sống của cư dân làm nông nghiệp, là biểu trưng cho sức mạnh và sự bền bỉ mà người Hà Nhì muốn dâng lên cho thánh thần. Vì vậy, thịt của con trâu trong ngày lễ là biểu tượng của món ăn mang tính thiêng, hàm chứa sức mạnh của cả trời, đất và các thánh thần ban phát, mang đến sức mạnh giúp con người vượt qua mọi khó khăn, vất vả để đi đến cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc.

Khi trâu đã được hai ông Khư dù (người tìm chân) mua được, họ sẽ mang về nhốt tại thôn để được ăn cái cỏ, uống nguồn nước thiêng của thôn - đây cũng là hành động nhằm thông báo cho thần linh biết là con trâu hoàn toàn khỏe mạnh, đúng theo yêu cầu. Trâu tế thần được hai ông Khư dù chăm sóc cẩn thận, trước ngày lễ 2 ngày, trâu được mang đến nhốt trong chuồng của nhà ông thầy cúng chính (gạ ma à guy) để ông chăm sóc. Đến ngày Tỵ, hai ông Khư dù sẽ trâu đưa ra ngoài bãi, buộc trâu vào cột cây đu (a guý) để tiến hành lễ hiến trâu. Mọi người tham dự sẽ cùng trói trâu lại, hai ông thầy cúng (gạ ma à guy) cùng già làng (a pu xu mù) mang ống vầu đến nguồn nước thiêng đầu bản để làm lễ xin nước về làm lễ tẩy uế, dâng hiến hồn trâu cho thần thánh.

A2 (18)

Thầy cúng dắt trâu ra làm lễ tế. Ảnh: TL

Thầy cúng chính cầm ống nước thiêng được lấy từ đầu nguồn, làm lễ rửa đuôi, chân, bụng, cổ và đầu trâu với ý nghĩa làm sạch hồn của nó trước khi dâng thần. Sau đó, một người già làng có gia đình yên ấm, đầy đủ con cháu, kinh tế khá giả sẽ được cả bản chọn ra thay mặt cho dân bản làm lễ tế trâu, ông cầm dao giết trâu cùng tàu lá đao cúi lạy 4 hướng và cầu khấn thần mặt trời, mặt trăng, các vị thần khác cùng hồn lúa, hồn ngô hãy về để đón nhận linh hồn của con trâu, phù hộ cho bản làng cả năm gặp nhiều may mắn…

Sau nghi thức dâng tế hồn trâu cho thần linh, con trâu sẽ được mổ và chia đều cho các gia đình mang về làm lễ cúng tổ tiên, cầu mong tổ tiên bảo vệ gia đình, bảo vệ con cháu trong của người Hà Nhì ở Lào Cai được bố trí ở góc nhà, nơi gần với cây cột chủ của ngôi nhà. Phía trước mỗi bàn thờ là nơi ngủ của ông chủ nhà, gần với bàn thờ tổ tiên là bếp chính của gia đình, ở đó có đặt hòn đá thiêng (phu chu ma) chuyên trông coi gia đình. Đây là nơi thiêng, kiêng không cho phụ nữ nằm, ngồi, hay bước chân qua. Bàn thờ tổ tiên của người Hà Nhì thường là một cái tủ nhỏ, đơn giản, trên nóc tủ là nơi thờ cúng tổ tiên, phía ngăn dưới để các vật dụng cụ phục vụ việc cúng tế... Trên mặt bàn đặt 2 cái thớt gỗ, một cái dùng để chế biến lễ vật, một cái dùng để làm mâm đặt các đồ tế lễ, bên cạnh bàn thờ có treo một giỏ đan bằng tre để một số loại bát đĩa dùng để sắp đồ cúng.

Thịt trâu được chia gồm có tim (lư ma), gan (ê sò), thịt trâu (ê sà) đem về dâng cúng tổ tiên, gia chủ làm lễ cúng mời tổ tiên từ trời về. Lễ vật cúng trên bàn thờ (a bô hơ đà) gồm có: 01 bát bánh gồm 3 hoặc 5 cái bánh dầy “hò thò” (tùy theo dòng dọ, họ Tráng 03 chiếc, họ Ly 05 chiếc); 01 bát rượu nếp cái ủ (dứ bà); 01 bát thịt trâu (nhìu sà) gồm có 5 miếng; 01 bát nước chè gừng; 01 đôi đũa ; 01 đèn dầu. Mọi việc chuẩn bị cho lễ cúng tổ tiên đều do người vợ chủ nhà trực tiếp chế biến, nếu người vợ này ốm yếu hay đã mất thì người con gái lớn hoặc người con dâu cả đảm nhiệm.

A6 (4)

Cúng tổ tiên. Ảnh: TL

Khi cúng, chủ gia đình phải ăn mặc chỉnh tề, đầu vấn khăn, cầm chậu ra máng nước đầu làng lấy về một chậu nước và đặt vào gần bếp nấu để chuẩn bị cúng, tất cả mọi người phải bỏ hết giày, dép, rửa sạch chân tay, ăn mặc sạch sẽ, đầu đội mũ hoặc cuốn khăn. Khi cúng, ông chủ nhà đứng phía trước, các con cháu trong gia đình quỳ phía dưới, ông chủ cúng quỳ lạy 3 lần trước bàn thờ, sau đó con cháu sẽ làm lễ vái, quỳ lạy 3 lần trước bàn thờ. Ông chủ khấn mang tính chất tâm niệm nhằm cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho cả gia đình trong năm qua được khoẻ mạnh, cây trồng, vật nuôi đều phát triển...

“Xin dâng lên tổ tiên lễ vật, mời tổ tiên về xơi, cầu mong tổ tiên về phù hộ cho gia đình mùa vụ mới thu được nhiều lúa, nhiều gà, nhiều lợn; con trâu không bị ốm đau, bệnh tật, con người khỏe mạnh...”

Sau khi nghi lễ cúng được thực hiện xong, tất cả các bát lễ vật trên mâm cúng được chia cho tất cả mọi người để ăn lấy may, khi nhận phần chia của tổ tiên tất cả phải đưa hai tay ra phía trước nhận lấy tỏ rõ sự kính cẩn trước tổ tiên khi được ban phúc. Ngoài ra, bà vợ của chủ nhà cũng sẽ lấy một phần thịt, bánh dầy cho vào một cái bát và bê ra đặt vào mảnh lá chuối bên ngoài cửa để cho người giúp việc của tổ tiên ăn. Bởi người Hà Nhì quan niệm rằng tổ tiên của họ sống ở một nơi rất ra, ở mãi trên trời nên khi con cháu mời về dự tết tháng 6 thì tổ tiên phải cưỡi ngựa về, không thể đi bộ được, vì phải cưỡi ngựa về nên cần có một người hầu chuyên dắt ngựa, chăm sóc ngựa trong suốt chặng đường đi. Hơn nữa vì là người hầu, chỉ chuyên dắt ngựa nên không được vào trong nhà, do đó sau khi cúng chủ nhà sẽ để phần một ít thức ăn cho người hầu này ăn uống lấy sức chăm sóc ngựa và có sức dắt ngựa đưa tổ tiên về trời.

A7 (3)

Các gia đình mang mâm lễ ra rừng công viên làm lễ cúng các vị thần. Ảnh: TL

Chủ các gia đình đội rước mâm lễ vật gồm các nông sản ngon và quí nhất của gia đình làm ra về trung tâm hành lễ để thực hiện tế thần. Các chủ gia đình bày đặt lễ vật lên mâm rồi đội rước mâm lễ từ nhà đến bãi tổ chức cúng chung của làng. Đoàn người rước mâm lễ bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đến các đấng thần linh, luôn theo sát cuộc sống và che chở, phù hộ cho dân làng.

Khi thực hành nghi lễ cúng chung cho các mâm cúng của cả bản làng. Hai thầy cúng chỉnh lại trang phục, khăn áo, hai chân trần vào vị trí đứng trước chỗ cúng tại trung tâm cột đu “a guý”. Thầy chính đứng bên phải, thầy phụ đứng bên trái cùng đứng ngang hàng nhau để thực hiện lễ cúng.

Vào những ngày sau khi cúng tế thần, tại khu vui chơi của làng các cuộc chơi vẫn tiếp tục diễn ra ở cột đu (a guý) và (a gừ). Bà con đến vui chơi đa dạng về lứa tuổi và giới tính. Một số nam nữ còn thể hiện tâm tình của mình qua những câu hát đối đáp giao duyên thể hiện nỗi niềm thầm kín, yêu thương…

A3 (14)

Thầy cúng làm lễ đu cầu may. Ảnh: TL

Một số trẻ em, thanh niên và thậm trí cả người già cùng nhau hòa niềm vui qua các điệu múa truyền thống như : Múa đón trăng, múa dẫn tiên, múa cầu mùa. Sự đan xen thực hiện niềm vui qua các động múa giữa những lứa tuổi khác nhau còn nhằm mục đích trao truyền cho thế hệ trẻ giá trị nghệ thuật truyền thống của cha ông cho con cháu. Mỗi người có một khả năng biểu hiện khác nhau, tuy nhiên dù hình thức biểu cảm thế nào thì trong đó vẫn hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc giữa thế hệ trước với thế hệ sau.

A4 (8)

Làm bánh dày tết tháng sáu (âm lịch). Ảnh: TL

Theo ông Dương Tuấn Nghĩa (Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa – Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Lào cai): Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì hàm chứa các lớp trầm tích tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được trao truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, người dân luôn có ý thức duy trì tổ chức lễ hội hàng năm, tạo nên sự cố kết cộng đồng chặt chẽ, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, giữ gìn mảnh đất biên cương.

Phạm Quỳnh