Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và phát biểu tại Lễ khai giảng.
Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Dấu mốc đánh dấu sự chuyển mình của toàn ĐHQGHN
ĐHQGHN với tiền thân là Đại học Đông Dương (thành lập năm 1906), Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (thành lập năm 1945), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (thành lập năm 1956), là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đóng vai trò nòng cốt, tiên phong dẫn dắt hệ thống giáo dục Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, đón đầu các xu hướng khoa học, giáo dục và nỗ lực đóng góp vào sự hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng của quốc gia, khu vực và thế giới.
Sau gần 30 năm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, đến nay, ĐHQGHN đã trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, xuất sắc trong học thuật, hiệu quả trong quản trị và thiết thực trong phục vụ cộng đồng; là nơi ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài, có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, từng bước xác lập, khẳng định và nâng cao vị thế trên bản đồ các đại học hàng đầu khu vực và thế giới.
Năm học mới 2022-2023 bắt đầu với thầy và trò của ĐHQGHN trong một bối cảnh đặc biệt, đó là Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc theo mô hình đại học thông minh, đại học xanh, đồng bộ về cơ sở vật chất, hiện đại về trang thiết bị đã được chính thức đưa vào vận hành, từng bước hoàn thiện, đồng bộ theo hướng "5 trong 1", góp phần nâng tầm ĐHQGHN trong giai đoạn mới.
Năm nay là năm học đầu tiên ĐHQGHN tại Hòa Lạc đón 1.500 sinh viên QH.2022 của ĐHQGHN thuộc Trường Đại học Giáo dục, Trường Đại học Y - Dược, Trường Đại học Việt Nhật, Trường Quốc tế tới học tập tập trung.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội phát biểu tại Lễ khai giảng.
Trong diễn văn khai giảng, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chia sẻ, Dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt năm 2003 với quy mô 1.113 ha. Năm 2018 dự án được chuyển chủ đầu tư từ Bộ Xây dựng về ĐHQGHN. Sau gần 20 năm, tổng số vốn giải ngân cho dự án mới đạt được khoảng 15%, chủ yếu tập trung vào giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng.
ĐHQGHN hiện có quy mô khoảng 60.000 học sinh, sinh viên và thầy, cô giáo. Tuy nhiên, toàn bộ khu vực nội thành của ĐHQGHN chỉ có 16 ha, chủ yếu thuộc ba trường thành viên: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Ngoại ngữ. Phần lớn các đơn vị trong ĐHQGHN phải đi thuê cơ sở vật chất với chi phí hàng trăm tỷ mỗi năm. Không gian cho đào tạo và nghiên cứu khoa học rất chật chội, hầu như không có không gian để nghiên cứu chuyển giao và hợp tác cung ứng dịch vụ. Do đó, việc đưa dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc vào sử dụng sẽ giúp tạo ra không gian mới để nâng tầm ĐHQGHN.
Ngày 20/10/2021, cuộc họp đầu tiên bàn kế hoạch đưa sinh viên lên Hòa Lạc học tập đã diễn ra. Trên tinh thần không nói không, không nói khó, không bàn lùi, toàn thể ĐHQGHN đã triển khai ba đợt cao điểm, mỗi đợt 100 ngày. Ngày 19/5/2022, Cơ quan ĐHQGHN đã chính thức chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc. Đây là dấu mốc đánh dấu sự chuyển mình của toàn ĐHQGHN hướng tới một không gian phát triển mới về cơ sở vật chất, đời sống học thuật và quản trị đại học.
"Sự thành công bắt nguồn từ việc ĐHQGHN thay đổi tư duy và cách làm đối với một không gian mới như Hòa Lạc: Chuyển từ tập trung riêng cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tới Hòa Lạc sang đưa vào sử dụng dùng chung đáp ứng nhu cầu thiết yếu và cấp bách cho toàn ĐHQGHN để đảm bảo xây dựng đến đâu đưa vào sử dụng hiệu quả đến đó. Chuyển từ các ngành khoa học cơ bản sang mở mới thêm các ngành kỹ thuật công nghệ và các ngành xã hội có nhu cầu cao. Chuyển từ bắt buộc các đơn vị phải chuyển tới Hòa Lạc một cách hành chính sang ưu tiên phát triển các đơn vị đang có nhu cầu. Hơn hết, lãnh đạo phải chuyển tới Hòa Lạc thì tập thể mới theo gương, Cơ quan ĐHQGHN chuyển đến thì đơn vị mới sẵn sàng, thầy cô chuyển đến thì học sinh và gia đình mới yên tâm. Nếu chúng ta không có mặt ngày đêm ở Hòa Lạc thì Hòa Lạc sẽ khó chuyển mình", Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh.
Giám đốc ĐHQGHN bày tỏ mong muốn, với không gian phát triển mới, ĐHQGHN sẽ nhanh chóng vươn lên, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng trở thành trung tâm tri thức hàng đầu. Trong thời gian tới, ĐHQGHN tại Hòa Lạc là nơi các em học sinh, sinh viên mong muốn được tới, là ngôi nhà chung của các thầy cô giáo và cán bộ nhân viên, là địa chỉ hợp tác, phát triển của các doanh nghiệp.
Khẳng định danh tiếng, xác lập vị trí đại học hàng đầu Việt Nam
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ, ĐHQGHN đã và đang tiếp tục có bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, khẳng định danh tiếng, xác lập vị trí đại học hàng đầu Việt Nam và ghi danh vào nhóm các trường đại học có vị thế cao trong khu vực và thế giới.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đọc diễn văn khai giảng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định: Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, ĐHQGHN với quyết tâm và kiên trì đổi mới đồng bộ, chất lượng đào tạo tiếp tục được xã hội đánh giá cao; góp phần tích cực hỗ trợ hệ thống giáo dục quốc dân.
Các mô hình đào tạo có tính tiên phong, sáng tạo đặc sắc nhận được hiệu ứng tích cực từ người học và xã hội. Cơ cấu ngành nghề đào tạo có bước phát triển đột phá, chuyển dịch theo hướng thích ứng với cuộc cách mạng chuyển đổi số, tăng tính ứng dụng và khả năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tiếp tục ưu tiên triển khai các chương trình đào tạo khoa học cơ bản, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Có nhiều cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học, sản phẩm khoa học công nghệ.
Đặc biệt, ĐHQGHN có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đạt trình độ quốc tế có khả năng triển khai các nghiên cứu đột phá, tham gia, thực hiện những chương trình nghiên cứu có tầm vóc, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đối với sự phát triển của đất nước. Những thành công bước đầu của ĐHQGHN cùng với một số trường đại học đang tạo nên khí thế mới của giáo dục đại học Việt Nam trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao và chúc mừng về những thành tích xuất sắc mà tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHQGHN đã đạt được trong thời gian vừa qua và đặc biệt trân trọng, tri ân về những cống hiến, hy sinh, tâm huyết, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên ĐHQGHN qua các thời kỳ.
Nhân đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành liên quan; các đồng chí lãnh đạo TP. Hà Nội tiếp tục quan tâm, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan trong xây dựng hoàn chỉnh Khu đô thị ĐHQGHN cũng như đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho sinh viên.
"Chúng ta cần một Khu đô thị ĐHQGHN thông minh và bền vững, trở thành nơi hội tụ của các ý tưởng khởi nghiệp, sự sáng tạo cũng như bảo tồn và phát huy nhiều giá trị truyền thống và văn hóa dân tộc để góp phần thực hiện thắng lợi Luật Thủ đô và chiến lược phát triển thành phố; đồng thời tiếp tục tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Phát huy nội lực và ươm mầm nhà khoa học trẻ
Với uy tín, vị thế ở trong và ngoài nước, cũng như bề dày truyền thống trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, ĐHQGHN đã có nhiều quyết sách để phát huy nội lực và ươm mầm nhà khoa học trẻ. Trong năm 2021, ĐHQGHN đã ban hành Quy định hỗ trợ học bổng cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ, đây là bước đột phá tiên phong trong đào tạo bậc sau đại học, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN.
Cùng với đó, các chính sách về chế độ làm việc đối với giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ khoa học trẻ với nhiều điểm ưu việt và hội nhập quốc tế cũng được ban hành và thực thi. Chương trình học bổng dành cho sinh viên ngành khoa học cơ bản được triển khai thí điểm sẽ tạo cơ chế mở khích lệ các học sinh có thành tích xuất sắc được theo học các ngành học yêu thích, đồng thời tạo nguồn nhân lực cho các bậc học cao hơn, cũng như nguồn nhân lực khoa học trong tương lai.
Năm 2022 là năm đáng nhớ của ĐHQGHN với nhiều sự kiện nổi bật, Trường Đại học Luật được Thủ tướng Chính phủ thành lập trên cơ sở nâng cấp Khoa Luật; Thường trực Chính phủ đồng ý chuyển giao Bệnh viện Xây dựng với hai cơ sở tại Thanh Xuân và Linh Đàm về ĐHQGHN; nhiều nhà khoa học ĐHQGHN nằm trong danh sách các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới.
Với trách nhiệm dẫn dắt trong hệ thống giáo dục, ĐHQGHN luôn nỗ lực phấn đấu, khẳng định vị trí thông qua kết quả và chất lượng các hoạt động để được ghi nhận trong các hệ thống xếp hạng quốc tế, ghi nhận vị thế và uy tín của giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Liên tục trong 5 năm qua, ĐHQGHN được tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) và Time Higher E duca tion (THE) xếp trong nhóm 1000 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới.
Mới đây nhất, ĐHQGHN được QS tặng giải thưởng Công nhận về sự cải tiến chất lượng (Recognition of Improvement). Đây là lần đầu tiên một đại học của Việt Nam nhận được giải thưởng này.
Trong khuôn khổ Lễ khai giảng đã diễn ra nhiều hoạt động của sinh viên các đơn vị đào tạo thành viên và trực thuộc ĐHQGHN: Hội trại "Tự hào Câu lạc bộ tôi", Hội thao Thanh niên khỏe, Hội thi dân vũ, Cuộc thi "Rung chuông vàng", Teambuilding "Sức mạnh Câu lạc bộ tôi", phát động "Gửi thư cho mình ở tương lai", Gala Chào Tân sinh viên ĐHQGHN, Liên hoan các Câu lạc bộ nghệ thuật…
Phương Liên/chinhphu