Lễ ra mắt Ban vận động thành lập Câu lạc bộ "Trái tim người lính Thủ đô" và Giới thiệu tác phẩm “Nam chinh Bắc chiến”

Thứ ba, 11/10/2022 - 08:53

TNV - Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022) và tiến tới kỷ niệm tròn 50 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2022), CLB "Trái tim Người lính Việt Nam" phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và CLB "Mãi mãi tuổi 20" tổ chức Lễ ra mắt Ban vận động thành lập CLB “Trái tim Người lính Thủ đô”; Giới thiệu tác phẩm “Nam chinh Bắc chiến” và Tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh”.

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người sáng lập Câu lạc bộ "Trái tim người lính Việt Nam" cho biết:Việc ra mắt Ban vận động "Trái tim người lính Thủ đô" với mong muốn kết nối các cựu chiến binh, để những người lính, người yêu Hà Nội, người mang trong mình trái tim người lính cùng chung tay góp sức để có một sân chơi tri ân và tôn vinh đồng đội tại Thủ đô.

Cũng tại sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tiếp nhận một số kỷ vật tình yêu qua chiến tranh, gồm những lá thư, nhật ký... thời chiến được gia đình các cựu chiến binh trao tặng. Đây là hoạt động trong khuôn khổ cuộc vận động sưu tầm kỷ vật và thi viết với chủ đề "Tình yêu đi qua chiến tranh" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ "Trái tim người lính" và Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức từ năm 2020 đến năm 2025. Đến nay, Ban vận động đã nhận được hàng trăm hiện vật, kỷ vật quý giá được trao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lưu giữ, trưng bày và giới thiệu đến công chúng.

Bà Nguyễn Thị Dậu trao 17 thư của chồng là liệt sỹ Trần Mộng Ân hi sinh năm 1967 tại mặt trận phía Nam cho đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nhân dịp này, tác giả Hà Minh Sơn, một cựu chiến binh, từng là Trưởng ban Tác chiến của Sư đoàn 314 ra mắt và giới thiệu cuốn tự truyện "Nam chinh Bắc chiến". Cuốn sách gần 450 trang, được chia thành nhiều phần, gồm "Quê hương và gia đình", "Nhập ngũ Nam chinh", "Những năm Bắc chiến", "Chuyện tình của lính", "Trở về với cuộc sống đời thường", "Những lá thư thời Bắc chiến", "Những khoảnh khắc đáng nhớ". Mỗi phần lại có nhiều tít phụ, đặt tên theo những chủ đề khác nhau.…

Dù thể loại của tác phẩm là Tự truyện, nghĩa là hồi tưởng và nhớ lại những chuyện cũ.Nhưng với trí nhớ tuyệt vời, tác giả Hà Minh Sơn đã cung cấp cho người đọc từng chi tiết nhỏ như viết Nhật ký trực tiếp vậy.Những trang viết chân thực và sinh động về đời sống của bộ đội hành quân vượt Trường Sơn. Những trang viết về tình đồng đội.Những khó khăn và thiếu thốn, gian khổ và ác liệt, nhưng cũng đầy lạc quan và tin tưởng tạo nên sức mạnh tinh thần để những anh Bộ đội Cụ Hồ chiến thắng kẻ thù.

Tác giả Hà Minh Sơn, một cựu chiến binh, từng là Trưởng ban Tác chiến của Sư đoàn 314 ra mắt và giới thiệu cuốn tự truyện "Nam chinh Bắc chiến".

Đó là phần “Nam chinh”, còn phần “Bắc chiến” cũng có nhiều trang viết được xem như “của hiếm” thời nay. Bởi nhiều lý do, cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc năm 1979 và Cuộc chiến tranh tại mặt trận Vị Xuyên những năm thập niên 80 sau đó, còn rất ít được nói đến trong những trang sách của một “người trong cuộc” như thế này. Nếu ai muốn hình dung cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên – Hà Giang ác liệt đã diễn ra như thế nào, xin hãy đọc phần “Bắc chiến” của Hà Minh Sơn và chắc chắn sẽ tìm được rất nhiều chi tiết cùng những mẩu chuyện chưa kể với ai của Lính Vị Xuyên và thầm biết ơn tác giả đã từ gan ruột viết ra!

Tác giả Hà Minh Sơn chia sẻ, ông viết cuốn tự truyện "Nam chinh Bắc chiến" một phần là nén tâm nhang tưởng nhớ đồng chí, đồng đội hy sinh trên khắp các chiến trường, trong đó có người anh trai yêu quý.  Hàng vạn người vẫn chưa tìm được hài cốt và xác định danh tính. Một phần nữa cũng là để thế hệ trẻ biết đến những điều mà cha ông đã trải qua, từ đó hun đúc nên tình yêu quê hương đất nước, thông qua truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng đánh giá cao những trang sách mà tác giả Hà Minh Sơn viết về cuộc sống, chiến đấu của người lính ngoài mặt trận. Nhà văn Đặng Vương Hưng cho rằng, nếu không phải là người trong cuộc, không cầm súng đối mặt với kẻ thù, trực tiếp băng bó cho thương binh, mai táng cho đồng đội, thì Hà Minh Sơn không thể có những trang viết sống động, thuyết phục như thế trong cuốn "Nam chinh Bắc chiến".

"Tôi tin là thế hệ những người lính đã từng cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ năm đầu thập niên 70, chiến trường biên giới Tây Nam và Campuchia, hoặc người lính Vị Xuyên trong thập niên 80 của thế kỷ XX, đều thấy bóng dáng thân thuộc đồng đội của mình và cả chính mình trong cuốn sách nhỏ này", nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ thêm.

Với gần 450 trang sách, “Nam chinh Bắc chiến” xứng đáng là một món quà nhỏ, đầy ý nghĩa, nhân kỷ niệm tròn 50 năm nhập ngũ của Đại uý, Cựu chiến binh Hà Minh Sơn và các đồng đội của anh (1971 – 2021); đồng thời, chuẩn bị cho Lễ ra mắt Ban vận động thành lập Câu lạc bộ “Trái tim người lính Vị Xuyên”.

50 năm với lịch sử không phải là dài, nhưng nửa thế kỷ đã là cả một đời người! Tác phẩm càng có ý nghĩa hơn, khi ra mắt với mục đích Tri ân đồng đội – Những người không trở về và cả những người đã hi sinh tuổi xuân của mình cho đất nước hoà bình hôm nay.

Hoàng Hà