Những ngày đầu Xuân Quý Mão này, lễ tế Thần Nam Hải tại các Lăng vạn chài nhộn nhịp với các hoạt động truyền thống nhằm cầu mong cho một năm mới thuận buồm, xuôi gió, thuyền về tôm cá đầy khoang.
Lễ tế Thần Nam Hải trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của ngư dân ven biển tỉnh Quảng Ngãi
Dọc bờ biển Quảng Ngãi, có khoảng 26 lăng vạn với hàng trăm năm tuổi. Người xưa tương truyền, nơi nào có lăng vạn thì nơi ấy là những vùng đất có duyên lành, được cá Ông lụy bờ, nghỉ ngơi. Các lăng, miếu thờ Thần Nam Hải luôn rộng cửa để người dân lui tới thắp hương và khấn nguyện. Hơn 50 năm làm bạn với biển, lão ngư Nguyễn Hữu Ngọt, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn không ít lần gặp nạn được Thần Nam Hải cứu giúp.
“Tôi có hơn 50 năm hoạt động sản xuất trên biển, bây giờ lớn tuổi thì truyền nghề cho con cháu. Nhiều lần mưa to gió lớn hay gặp sự cố trên biển là chắp tay khấn nguyện các ngài, các vị thần Nam Hải phù hộ sao mà cũng tàu thuyền về bờ an toàn, rồi có những lần báo mộng có sóng lớn để mình biết mà tránh. Tôi luôn nhắc nhớ con cháu hàng năm phải về lăng vạn cúng lễ đàng hoàng và khấn nguyện trước khi ra quân đánh bắt", ngư dân Nguyễn Hữu Ngọt nói.
Thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 100 tàu, thuyền, hơn 5.000 nhân khẩu thì có đến 80% người làm nghề biển. Đầu năm mới, người dân làng chài được hòa mình trong không khí rộn ràng lễ hội “mở biển” cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới.
Ông Nguyễn Hữu Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “Đối với địa phương, năm 2022, rất vui mừng và vinh dự khi được UBND tỉnh ký quyết công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Lăng vạn Mỹ Tân. Chính địa phương chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cũng như Ban Quản lý Lăng vạn Mỹ Tân có hướng bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di tích”.
Hàng năm, lễ tế Thần Nam Hải trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Bà Nguyễn Thị Tranh (60 tuổi) có chồng và 3 con trai đi biển. Trước mỗi chuyến biển dài ngày, bà Tranh đều ra Lăng vạn Nước Ngọt thắp hương cầu mong bình an và may mắn.
“Mỗi lần chồng con đi biển thì cũng làm mâm cúng gồm trầu, cau, chai rượu, bình hoa ra lăng thắp hương khấn Thần Nam Hải phù hộ bình an, mạnh giỏi. Phải nói là Lăng Ông linh thiêng lắm”, bà Tranh nói
Những năm qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vật thể và phi vật thể, trong đó, có lễ hội tế Thần Nam Hải của ngư dân các xã ven biển. Từ đó, tạo nên nét văn hóa riêng, thuận lợi phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, đảo.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng biển, đặc biệt là các đình làng, đền thờ Thần Nam Hải và các lễ hội truyền thống miền biển, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy di tích lịch sử và văn hóa, đồng thời gắn với phát triển biển đảo. Chúng tôi ưu tiên trùng tu, tôn tạo những di tích hay những văn hóa phi vật thể đang bị mai một, xuống cấp, để từ đó khôi phục và phát huy những giá trị đó gắn liền với phát triển du lịch”.
Tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi nối nhau rẽ sóng vươn khơi đánh bắt hải sản, dù biết rằng hiểm nguy luôn tiềm ẩn. Thế nhưng, bà con vẫn vươn khơi bám biển với một niềm tin mãnh liệt được chở che, thuận buồm, xuôi gió, thuyền về tôm cá đầy khoang. Lễ tế Thần Nam Hải trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân ven biển tỉnh Quảng Ngãi mỗi dịp Tết đến Xuân về./.