Lên bản Mông vui đón tết

Thứ ba, 02/02/2016 - 15:07

TNV - Xã Mường Lựm (Yên Châu - Sơn La) có 04 bản vùng cao người Mông sinh sống là bản Pá Khôm, Ôn Ốc, Dảo và Khấu Khoang.

Những con đường lên với bản luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân, các thầy cô giáo “cắm bản” và cán bộ về công tác. Bởi những cung đường đèo dốc, đá tai mèo sắc lẹm, nhưng đáng sợ nhất vẫn là những đoạn đường đất lầy lội quanh năm, bị xẻ nát như hào sâu, như ruộng trũng, lầy lội, chênh vênh bên sườn núi do xe tải chở ngô, chở hàng hoá qua lại cày xé. Và rất nhiều người đã chọn đi bộ là cách an toàn nhất lên bản Mông cùng bà con vui đón tết.

Theo tập quán, đồng bào Mông thường tổ chức ăn tết vào dịp ngoài đôi mươi tháng 11cho tới quãng ngoài mùng 10 tháng 12 (âm lịch), kéo dài cả nửa tháng trời, với hết ăn tết lợn (mổ lợn ăn tết) lại đến ăn tết gà (mổ gà ăn tết) làm mất nhiều thời gian và tốn kém. Anh Mùa A Chìa (36 tuổi), Bí thư Chi bộ bản Dảo cho biết, bà cũng nhận thấy ăn tết theo tập quán của mình có nhiều hạn chế, nhưng để thay đổi tập quán này cần phải làm từng bước và chi bộ bản đang dần triển khai để thay đổi tập quán lạc hậu của bà con. Hiện nay, nhiều bà con bản Mông xã Mường Lựm chỉ ăn tết trong vòng một tuần, để giảm bớt tốn kém về thời gian và tiền của.

Huyện Yên Châu có 39 bản đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nghe theo tiếng nói của Đảng, Bác Hồ “dân tộc Việt Nam là một”, 30 bản đồng bào Mông trong huyện đã tự nguyện chuyển sang ăn tết Nguyên đán cổ truyền cùng đồng bào các dân tộc anh em. Theo ông Hà Đức Mưu – Chủ tịch UBND xã Mường Lựm – năm nay cả dòng họ Mùa ở bản Pá Khôm trong xã đã chuyển sang ăn tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, nhiều hộ bà con các bản Mông cũng đang muốn chuyển sang ăn tết cùng bà con các dân tộc khác cho vui, cho khỏi lãng phí và cho đúng dịp với cảnh sắc hoa mận, hoa đào nở cùng đất trời vào xuân. Có lẽ, vài năm nữa cả 04 bản Mông trong xã sẽ ăn tết Nguyên đán cổ truyền hòa chung không khí đón mùa xuân cùng đất nước.

Các gia đình đồng bào Mông trang trọng treo cờ bên những cây mận, cây đào
đang đâm chồi nảy lộc ra hoa vui đón Tết.



Lãnh đạo huyện Yên Châu chúc tết bà con dân tộc Mông bản Khấu Khoang, xã Mường Lựm

Tác giả (bên phải) cùng gia đình bà Vừ Thị Mẩy - Chi hội trưởng Phụ nữ bản Ôn Ốc giã bánh dầy ăn tết.

Gia đình ông Vừ Lao Phổng nặn bánh dày trong làn sương sớm.


Bà con bản Ôn Ốc mổ lợn, gà, dê đón năm mới.Những tảng thịt lợn treo trong bếp mỗi gia đình người Mông vào dịp tết.

Cùng quây quần bên bếp lửa ấm áp ăn bánh dày và đợi gà, lợn luộc chín.
Ông Vừ Lao Lềnh (bản Ôn Ốc) dọn dẹp bàn thờ tết.

Ông Lềnh đang cắt giấy tiền cúng tổ tiên. Theo phong tục người Mông, giấy tiền
được người dân tự làm từ tre rừng thành những khổ giấy to, sau đó tự cắt thành những hình khối.





Cúng mời tổ tiên về ăn tết và cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi,
ngô nhiều bắp, thóc đầy nhà, lợn gà…đầy sân và bếp luôn đỏ lửa.

Vừ Lao Giang (bản Ôn Ốc) dùng cành tre lá xanh tươi, xua đuổi những điều không tốt
của năm cũ ra khỏi nhà.
Mời khách xem chân gà để nói những điều tốt đẹp cho gia chủ, những điều vui vẻ giữa khách
và chủ trong ngày đầu năm mới.

Chủ và khách cùng cạn chén rượu năm cũ (chén nhỏ) và chén rượu năm mới (chén to màu trắng)
để cầu cho năm mới ăn lên làm ra.

Những vật dụng thân thiết trong nhà như cái cuốc, xẻng, bếp...đều được dán một tấm bùa
cho phép được nghỉ ngơi ăn tết.

Theo tập quán người Mông, trong 03 đêm đón tết, ngọn đèn thắp bằng mỡ lợn luôn
được thắp sáng để đón tổ tiên về ăn tết. Bàn thờ và ngọn đèn nhà anh
Mùa A Chìa – Bí thư chi bộ bản Dảo.

3h sáng anh Chìa đã dậy đồ cơm đón bà con trong bản cùng đến ăn tết.



Những tiết mục văn nghệ vui xuân đón tết của những chàng trai cô gái bản
Mông cùng các cô giáo trường mầm non.


Những chén rượu vui xuân cùng bà con tại nhà văn hóa bản Khấu Khoang.





Ngày xuân người dân trong bản thường tụ họp ở những bãi đất trống
để vui chơi đánh quay, ném pao, bóng chuyền…

 


Đi chơi xuân.

Chị em phụ nữ người Mông vẫn chăm chỉ khâu vá trong ngày vui xuân.


Đường lên bản Mông gập ghềnh, lầy lội…luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng mỗi khi qua lại.

Phạm Quỳnh

4