Lên rừng, xuống biển tìm đất ven sông, hồ làm dự án

Thứ bảy, 07/05/2022 - 08:48

Từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng núi rừng Tây Nguyên, nhiều dự án bất động sản du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng quy mô lớn đang được những “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản nghiên cứu đầu tư tại những khu vực ven sông, hồ.

Dự án nạo vét sông Trường Giang và xây dựng 6 cây cầu vượt sông vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư mới tại Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình

Từ vùng đồng bằng

Thời gian qua, Quảng Nam nổi lên là vùng đất được nhiều tập đoàn tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản đến tìm cơ hội đầu tư. Điểm chung của các doanh nghiệp này là săn tìm những khu đất ven sông để phát triển dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng quy mô lớn.

Quảng Nam có nhiều vị trí để các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư dự án, song khu vực phía đông (nằm ven biển và ven sông Trường Giang) hiện là điểm đến đầu tư được ưa chuộng nhất.

Trong số các dự án có Khu đô thị công nghệ ven sông Đầm quy mô khoảng 225ha thuộc phường An Phú và xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng đang được Quảng Nam xúc tiến hồ sơ, thủ tục có liên quan.

Hay Tập đoàn Geleximco đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư dự án một khu đô thị, du lịch biển sinh thái quy mô 800 ha tại 3 xã Tam Thăng, Tam Thanh và Tam Phú thuộc thành phố Tam Kỳ.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark cũng đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Ecopark Quảng Nam có quy mô khoảng 2.600ha thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên.

Mới đây, Novagroup cũng có văn bản gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam xin nghiên cứu đầu tư dự án Khu đô thị biển quy mô 3.000 ha tại xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình). Dự án nằm dọc theo sông Trường Giang và khu vực ven biển.

Gần đây nhất, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải cũng gởi công văn đến UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị chấp thuận chủ trường giao nhà đầu tư nghiên cứu dự án Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Long Thạnh Tây, xã Tam Hải, huyện Núi Thành. Theo đó, dự án có quy mô 32 ha, bao gồm toàn bộ diện tích đảo Long Thạnh Tây.

Xu hướng đầu tư bất động sản ven sông không phải bây giờ mới xuất hiện tại Quảng Nam. Nhiều năm trước, xu hướng đầu tư các dự án ven sông chủ yếu là những dự án phân lô, bán nền với quy mô nhỏ lẻ. Điển hình nhất là hàng trăm dự án bất động sản ven sông Cổ Cò.

Hiện nay, các dự án đang được doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư tại Quảng Nam đa phần tập trung tại các khu vực ven sông, ven biển, hướng đến những khu phức hợp đô thị biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với quy mô lớn.

Và xu hướng đầu tư bất động sản du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven sông tại Quảng Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới bởi nhiều lý do.

Đầu tiên phải kể đến là việc Quảng Nam đang tập trung thực hiện quy hoạch tại khu vực ven các dòng sông để khai thác giá trị tối ưu nhất và mang tính bền vững. Theo đó, mỗi con sông phải có bản sắc riêng và tất cả các con sông này sẽ tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về Quảng Nam xứng tầm với trung tâm trọng điểm của vùng kinh tế miền Trung.

Bên cạnh đó, dự án nạo vét sông Trường Giang và xây dựng 6 cây cầu bắc qua sông với vốn đầu tư 2.748 tỉ đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng tạo động lực mới, thu hút nhà đầu tư tìm đến.

Lên rừng, xuống biển tìm đất ven sông, hồ làm dự án

Lâm Đồng vừa cho phép Nova Group nghiên cứu, tài trợ lập quy hoạch tại khu vực hồ Đắk Long Thượng 

…đến đại ngàn Tây Nguyên

Trong khi ở vùng đồng bằng các dự án bất động sản du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tập trung tại những khu vực ven sông thì tại tỉnh Lâm Đồng các dự án tập trung nhiều ở những khu vực có hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, hồ thủy điện.

Đơn cử như Liên danh Công ty cổ phần Lã Vọng Group và Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, chấp thuận đầu tư dự án Quần thể vui chơi giải trí làng Hà Lan quy mô 1.865ha tại huyện Lạc Dương.

Liên danh nhà đầu tư này cho biết Hồ Đa Khai (hồ Đa Nhim Thượng) là hồ nước nhân tạo thuộc xã Đạ Nhim và Đạ Chais, có diện tích mặt nước hồ khoảng 273ha, có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình với hồ nước rộng, những dãy núi cao, khí hậu trong lành mang nhiều nét tương đồng với các ngôi làng Thụy Sỹ.

Việc dự án hình thành sẽ là điểm nhấn độc đáo cho khu vực, tạo thành một khu vui chơi giải trí đồng bộ, hiện đại với phong cách kiến trúc đặc sắc mang phong cách Thụy Sỹ, tổ chức hệ thống cây xanh, công viên, khu vui chơi giải trí cao cấp dưới nước, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, qua đó sẽ hình thành động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, thu hút du khách, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Hay Liên danh Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư Quốc tế DHR và Công ty cổ phần đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, chấp thuận dự án đầu tư Quần thể vui chơi giải trí làng Hà Lan có quy mô khoảng 3.200ha tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng.

Lý giải về đề xuất nêu trên, liên danh nhà đầu tư này cho biết dự án Quần thể khu vui chơi giải trí Hà Lan có phong cảnh thiên nhiên mơ mộng, hữu tình với những ngọn đồi thoải, hồ nước và các loài hoa với khí hậu mát mẻ quanh năm.

Ở một dự án khác, liên danh Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam, Công ty cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới và Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư ISRAEL đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép lập dự án đầu tư Quần thể vui chơi giải trí làng Châu Âu tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2, huyện Di Linh và huyện Lâm Hà.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, khảo sát và tài trợ kinh phí lập ý tưởng quy hoạch tại khu vực hồ Đắk Long Thượng thuộc huyện Bảo Lâm và một phần phường Lộc Phát, phường 1, thành phố Bảo Lộc. Dự án có quy mô 30.000 ha.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc nghiên cứu, tài trợ lập quy hoạch Vùng phức hợp đô thị xanh kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái theo ranh đề xuất thuộc huyện Bảo Lâm và huyện Di Linh.

Cụ thể, khu vực 1 có diện tích khoảng 14.000 ha về phía tây bắc huyện Di Linh thuộc các xã Tân Lâm, Tân Thượng, Tân Châu, Liên Đầm và Đinh Trang Hòa. Khu vực 2 có diện tích khoảng 34.000 ha về phía nam quốc lộ 20, có ranh thuộc hai huyện Bảo Lâm và Di Linh.

Mục tiêu của việc quy hoạch nhằm hình thành mới một đô thị xanh và bền vững, mang tính đặc trưng phù hợp với yêu cầu phát triển trong tình hình mới và yêu cầu về thu hút đầu tư, trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với du lịch sinh thái, du lịch xanh; liên kết phát triển sản phẩm khu vực địa phương như chè, cà phê.

Gần đây nhất còn có đề xuất của Tập đoàn Sun Group đăng ký đầu tư dự án khu phức hợp đô thị du lịch hồ Kala và núi Brah Yang có quy mô 5.000 ha tại huyện Di Linh.

Những gì đang diễn ra cho thấy xu hướng đầu tư bất động sản ven hồ đã và đang phát triển mạnh tại Lâm Đồng. Xu hướng này được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới một khi quy hoạch sử dụng đất tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.

Hiện có nhiều địa phương đề xuất nhiều dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng quy mô lớn vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chẳng hạn như UBND huyện Đức Trọng đề xuất bổ sung 8 dự án với quy mô đầu tư 'khủng', trong đó đáng chú ý nhất là loạt dự án quanh khu vực sông Đa Nhim.

Có thể kể ra một vài dự án như Khu đô thị Nam sông Đa Nhim diện tích 153,6ha có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.594,5 tỉ đồng; Khu đô thị mới phía bắc dự án Nam sông đa nhim có vốn đầu tư 2.508 tỉ đồng; Khu đô thị mới phía nam dự án Nam sông đa nhim có quy mô 3.273 tỉ đồng…

Còn UBND huyện Lâm Hà cũng vừa đề xuất bổ sung vào quy hoạch vùng huyện Lâm Hà đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 một số khu vực định hướng phát triển gồm Khu du lịch sinh thái Hồ Đông thanh, xã Đông Thanh, quy mô khoảng 180 ha; khu du lịch sinh thái, văn hóa khu vực dọc sông Đồng Nai và Hồ thủy điện Đồng Nai 2, Đồng Nai 3 có quy mô khoảng 5.500ha; khu đô thị dịch vụ - thương mại phía bắc thị trấn Đinh Văn có quy mô khoảng 200 ha.

 

Lê Phước Bình