Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam.
Đây là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững.
Đây là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Quy hoạch định hướng cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, bền vững. Trong đó dịch vụ đóng vai trò chủ đạo với du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Quy hoạch vừa được phê duyệt cũng cho biết phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng gồm: Ngành dịch vụ; Ngành công nghiệp; Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; Phát triển kinh tế biển và đầm phá; Phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa; Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác.
Quy hoạch định hướng ba trung tâm đô thị của Thừa Thiên Huế. Cụ thể, đô thị trung tâm gồm thành phố Huế (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà.
Trong đó, quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Quận Hương Thủy phát triển đô thị sân bay gắn với cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực. Thị xã Hương Trà là đô thị vệ tinh.
Đô thị vùng Tây Bắc gồm thị xã Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới. Trong đó khu vực đô thị trung tâm là đô thị Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía bắc của tỉnh; là cửa ngõ phía Bắc kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.
Đô thị Vùng Đông Nam gồm huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông. Trong đó phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III - một thành phố thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tạo động lực phát triển đột phá của vùng, cửa ngõ phía Nam kết nối với Đà Nẵng, cửa ngõ ra biển các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đô thị Vùng Đông Nam có hệ thống hạ tầng giao thông đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; cảng biển nước sâu Chân Mây phục vụ đón khách du lịch, vận chuyển hàng hóa quy mô lớn. Phát triển đô thị biển gắn với đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Quy hoạch cũng định hướng ba trung tâm động lực tăng trưởng gồm: Quần thể di tích, di sản Cố đô Huế với khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên khoa học tại khu vực đô thị trung tâm; Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; Khu công nghiệp Phong Điền.
Cùng với đó là ba hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Đông - Tây; Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng.
Nhiều dự án phát triển đô thị đang được triển khai tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lưu Bang
Đô thị Thừa Thiên Huế sẽ được phát triển ra sao?
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, các đô thị được định hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng di sản văn hóa, di sản thiên nhiên đã từng có vai trò trong lịch sử gắn liền với quá trình hình thành Cố đô Huế về địa thế, kiến trúc cảnh quan, sinh thái, môi trường, giao thương,… và cửa ngõ để xác định công tác bảo tồn của từng đô thị phù hợp với từng giai đoạn.
Quy hoạch không gian đô thị thành phố trực thuộc Trung ương được xác định là tập hợp đô thị di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên có liên quan mật thiết với Cố đô Huế (như núi Kim Phụng, núi Duệ Sơn, Làng Cổ Phước Tích, Phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, núi Bạch Mã, Hải Vân Quan, cửa biển Tư Hiền,...).
Trong đó, khu vực dự kiến hình thành đô thị và các đô thị trực thuộc gồm: Đô thị trung tâm là thành phố Huế hiện hữu dự kiến tách thành 02 quận; thị xã Hương Thủy dự kiến thành lập quận; thị xã Hương Trà dự kiến thành lập quận; đô thị Phong Điền và đô thị Chân Mây;…
Đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương với 09 đơn vị hành chính.
9 đơn vị hành chính nói trên gồm: 02 quận (trong đó thành phố Huế chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương); 03 thị xã (thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thành lập thị xã Phong Điền); 04 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).
Trong đó thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Đến năm 2030, thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương với 09 đơn vị hành chính gồm: 03 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy); 02 thị xã (Hương Trà, Phong Điền); 04 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông).
Cùng với đó, đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III.
Thừa Thiên Huế phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các đô thị động lực trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa đô thị - nông thôn - thiên nhiên, thúc đẩy liên kết vùng.
Quy hoạch định hướng đẩy nhanh tốc độ và chất lượng đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân. Chú trọng phát triển các công trình, dự án xây dựng thấp tầng, thiết kế tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Mở rộng không gian phát triển đô thị theo hướng Đông - Tây. Trong đó, xây dựng khu vực phía Bắc sông Hương trở thành quận trung tâm văn hoá di sản thế giới; khu vực phía Nam sông Hương là quận trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục.
Bên cạnh đó, Hương Thuỷ là quận gắn với khu công nghiệp và sân bay quốc tế Phú Bài trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, vận tải, logistics; phát triển đô thị Hương Trà gắn với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đô thị Chân Mây gắn với Khu kinh tế trở thành trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại; thị xã Phong Điền là trung tâm tổng hợp về công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Mô hình đô thị di sản trung tâm hướng tới bảo tồn toàn vẹn các yếu tố cốt lõi của không gian di sản Cố đô Huế, đồng thời mở ra các hướng phát triển mới, hình thành một tập hợp các đô thị chuyên đề có khả năng liên kết và sức cạnh tranh cao, với các không gian trung tâm có tính chất quy tụ, đa chiều, hướng biển, lấy đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Sông Hương và các chi lưu làm trục cảnh quan chủ đạo,…
Loạt dự án ưu tiên đầu tư Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, quy hoạch xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ. Đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, có 14 dự án do Trung ương đầu tư và 32 dự án do tỉnh quản lý đầu tư. Danh mục dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách gồm: 4 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông; 19 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, năng lượng; 26 dự án Thương mại - dịch vụ, du lịch; 8 dự án giáo dục, dạy nghề, y tế; 9 dự án văn hoá, thể thao, môi trường; 46 dự án đầu tư phát triển khu đô thị, khu dân cư nông thôn, nhà ở; 6 dự án khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, truyền thông; 7 dự án nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. |
Lưu Bang