Vào những năm 30, 40 của thế kỷ XIX chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản ngày càng trở nên gay gắt, các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống lại giai cấp tư sản nhiều nước trên thế giới đã nổ ra. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân nổ ra mạnh mẽ, quá trình đấu tranh đã chuyển dần từ tự phát sang tự giác và có tính kỷ luật cao hơn. Giai cấp vô sản bước đầu đã lập ra cho mình các tổ chức nhất định để lãnh đạo các cuộc đấu tranh. Phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền sản xuất tư sản đương thời, chính vì vậy nhà cầm quyền tư sản đã mạnh tay trong việc đàn áp phong trào công nhân dưới sự giúp sức của cảnh sát và quân đội. Không chịu khuất phục trước sự đàn áp đó, phong trào công nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu.
Để lãnh đạo các cuộc đấu tranh đó, các tổ chức đoàn thể trong giai cấp công nhân ở các nước đã ra đời. Năm 1836 ở thủ đô Pari của Pháp những người công nhân ưu tú của nước Đức sống lưu vong trên lãnh thổ nước Pháp và một bộ phận công nhân tiên tiến của nước Pháp đã thành lập "Liên đoàn Những người Chính nghĩa". Tổ chức này ra đời với mục đích đoàn kết phong trào công nhân đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động. Chính vì vậy nó đã thu hút mạnh mẽ sự tham gia của giai cấp công nhân và dần trở thành một liên đoàn mang tính chất quốc tế. "Liên đoàn những người chính nghĩa" đã lãnh đạo phong trào công nhân một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào công nhân ở các nước khu vực châu Âu. Mác và Ănghen thấy được sự hoạt động hiệu quả và sức ảnh hưởng của Liên đoàn đối với phong trào công nhân nên hai ông đã bí mật theo dõi và liên lạc với tổ chức này. Dưới sự chỉ đạo của Mác và Ănghen Liên đoàn đã tiến hành hai kỳ Đại hội thành công vào năm 1847. Thông qua hai kỳ của Đại hội, Liên đoàn đã xác định: mục đích Liên đoàn là hoạt động lật đổ chế độ tư bản xóa bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng chủ nghĩa cộng sản; thông qua điều lệ chính thức của Liên đoàn; Đổi tên "Liên đoàn Những người Chính nghĩa" thành "Liên đoàn Những người Cộng sản" – Đảng Cộng sản đầu tiên trên thế giới; Tán thành và đi theo chủ nghĩa Mác, lấy chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng của đảng.
Để đoàn kết giai cấp vô sản thế giới, lật đổ toàn bộ giai cấp tư sản, Mác và Ăngghen đã thành lập "Hội Liên hiệp công nhân Quốc tế" - Quốc tế thứ nhất và trực tiếp áp dụng những tư tưởng về Đảng Cộng sản vào quá trình xây dựng, hoạt động của tổ chức chính vì vậy phong trào công nhân ở các nước có bước phát triển khá mạnh mẽ. Mác và Ăngghen chủ trương thành lập Đảng Cộng sản ở các nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng lật đổ giai cấp tư sản ở từng nước, do đó đã dẫn đến sự ra đời một loạt các Đảng Cộng sản ở các nước trên thế giới. Các đảng này ra đời hoạt động tuân theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác và lấy chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng của đảng.
Năm 1883 Mác qua đời, Ăngghen tiếp tục lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Ông đã đề xuất thành lập "Quốc tế xã hội chủ nghĩa" - Quốc tế thứ thứ hai (từ 1889 - 1895) những tư tưởng về Đảng Cộng sản của hai ông tiếp tục được Ăngghen áp dụng vào quá trình xây dựng, hoạt động của các Đảng Cộng sản trong Quốc tế thứ hai. Các Đảng Cộng sản ngày càng vững mạnh, đưa phong trào công nhân phát triển chưa từng có. Đây là thời kỳ rực rỡ nhất của phong trào công nhân và Đảng Cộng sản trong thế kỷ XIX.
Đến năm 1895 Ăngghen qua đời, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế mất đi hai nhà lãnh tụ vĩ đại. Lúc này các Đảng Cộng sản trong Quốc tế II đã bị giai cấp tư sản mua chuộc, các lãnh tụ của Quốc tế thứ hai như Becstanh và Cauxky đã phản bội giai cấp công nhân, từ bỏ những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác để theo đuôi giai cấp tư sản, biến nhiều Đảng Cộng sản lớn ở Tây Âu thành đảng cải lương. Luận điểm xuyên tạc chúng đưa ra đó là: chủ nghĩa Mác được xem là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản có thực sự cách mạng và khoa học? Liệu chủ nghĩa Mác có còn phù hợp với giai cấp công nhân? Với những luận điệu xuyên tạc đó chúng nhằm "hất cẳng" chủ nghĩa Mác ra khỏi phong trào công nhân, mục đích chính để các Đảng Cộng sản từ bỏ nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác. Chính vì vậy lúc bấy giờ sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng giảm sút nghiêm trọng. Phong trào công nhân và Đảng Cộng sản lâm vào khủng hoảng và thoái trào.
Yêu cấu cấp bách đòi hỏi đặt ra lúc này là phải xây dựng một chính đảng kiểu mới khác hẳn về chất so với các đảng của Quốc tế II và Lênin xuất hiện đúng thời điểm đã hoàn thành nhiệm vụ nặng nề này. Lênin đã chống lại chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong Quốc tế II, nhằm bảo vệ tính đúng đắn, khách quan, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác. Trong hai tác phẩm "Làm gì?" (1902) và "Một bước tiến hai bước lùi" (1904) Lênin đã đưa ra hệ thống lý luận sâu sắc bảo vệ tính đúng đắn khách quan, khoa học của chủ nghĩa Mác. Ông khẳng định: "Chủ nghĩa Mác là nên tảng tư tưởng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng Cộng sản". Lênin đã chứng minh chủ nghĩa Mác là học thuyết cách mạng và khoa học.
+ Khoa học thể hiện ở:
- Đó là sự thống nhất giữa thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận khoa học. Con người thông qua hoạt động thực tiễn có thể nhận thức, cải tạo và làm chủ thế giới.
- Chủ nghĩa Mác là một hệ thống lý luận thống nhất được hình thành từ ba bộ phận: triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học: Triết học là hệ thống những tri thức chung nhất của con người và thế giới, mang lại cho con người thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn; Kinh tế chính trị chỉ ra cho giai cấp vô sản bị nhà tư bản bóc lột như thế nào? Chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu những quy luật chuyển biến xã hội từ tư bản chủ nghĩa sang xã hội chủ nghĩa và lực lượng tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa
- Chủ nghĩa Mác là một học thuyết mở tiếp thu những thành tựu khoa học của loài người để trở nên hoàn thiện hơn, khoa học hơn
+ Cách mạng thể hiện:
Vì nó gắn liền với phong trào cách mạng thế giới Học thuyết Mác là học thuyết duy nhất nêu lên mục tiêu, con đường, lực lượng và phương pháp để giải phóng giai cấp, giải phóng con người Chủ nghĩa Mác là hệ tư tưởng là vũ khí lý luận sắc bén của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản.
Trong phong trào công nhân quốc tế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng, nhiều học thuyết khác nhau như: Chủ nghĩa Latxan, chủ nghĩa Cauxky, chủ nghĩa Becxtanh... Tuy nhiên, các học thuyết này hoặc là quá tả, hoặc là quá hữu và đều phản bội lợi ích của giai cấp công nhân và kìm hãm sự phát triển của phong trào công nhân. Đối với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân thì lý luận cách mạng là chủ nghĩa Mác. Đó là một hệ thống lý luận khoa học về cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân nhằm tự giải phóng mình.
Chủ nghĩa Mác được xem là vũ khí lý luận và nền tảng tư tưởng giúp cho giai cấp công nhân mà trước hết là Đảng Cộng sản xây dựng Cương lĩnh, đường lối, phương pháp cách mạng, là cơ sở để tổ chức phong trào cách mạng của quần chúng trong đấu tranh giành chính quyền và xây dựng xã hội mới. Lênin viết: "Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thoả hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản. Nó là người thừa kế chính đáng của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX".
Tuy nhiên, trong khi nhấn mạnh vai trò hết sức to lớn của Mác, Lênin không quên căn dặn rằng không được:"Coi lý luận của Mác như là một cái gì đó xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm, trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống... Vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy thì, xét riêng từng nơi, ở Anh không giống Pháp, ở Pháp không giống Đức, ở Đức không giống ở Nga"(V.I.Lênin : Toàn tập, Nxb M, 1974 ,T.4, tr.232.)
Như vậy có thể khẳng định Lênin có vai trò rất to lớn trong việc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác, là người đặt những viên gạch đầu tiên trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản.
ThS. Nguyễn Văn Sơn
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
Trường chính trị tỉnh Thanh Hóa