Trận động đất đầu tiên trong sáng nay xảy ra lúc 2h22'1'' có độ lớn M= 3,8, độ sâu 8,1km. Sau đó liên tiếp 9 trận động đất nữa xảy ra ở khu vực này, có độ lớn từ 2.6 đến 3.5.
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông được các chuyên gia nhận định là động đất kích thích xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy sâu trong lòng đất.
Bắt đầu xuất hiện kể từ năm 2021, thời gian gần đây, động đất ở khu vực này có xu hướng gia tăng với nhiều đợt động đất liên tiếp, có ngày xảy ra trên 20 trận.
TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn.
Trước và sau một trận động đất có độ lớn trên 4 độ thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn thì tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.
Tính từ đầu năm đến nay, khu vực này ghi nhận hơn 300 trận động đất. Trong đó, trận động đất có độ lớn 5,0 xảy ra vào trưa ngày 28/7 được xác định là trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 tại huyện Kon Plông và khu vực lân cận, gây rung lắc mạnh cho các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên.
TS.Nguyễn Xuân Anh nhận định, động đất kích thích ở đây có thể kéo dài cả chục năm, như động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam, do hai khu vực này nằm cùng một hệ thống đứt gãy Rào Quán – A Lưới và có nền địa chất tương đối giống nhau.
Hoàng Giang/Chinhphu