TNV - Nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng chính thống ngày 28/9, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam để triển khai 1 chương trình thử nghiệm về việc tiếp cận sản phẩm Thẻ phi vật lý Ví Việt của LienVietPostBank.
Chương trình thử nghiệm này được tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đề nghị LienVietPostBank tham gia trong khuôn khổ Dự án “ Liên kết vì tài chính toàn diện cho phụ nữ dân tộc thiểu số ” (FinLINK) hiện nay do CARE tại Việt Nam triển khai với sự tài trợ từ Visa Inc. Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ ngân hàng chính thống thông qua nền tảng điện thoại di động.
Chương trình hợp tác giữa LienVietPostBank và CARE Quốc tế tại Việt Nam dự kiến thí điểm từ tháng 9/2017 đến tháng 12/2017 tại tỉnh Điện Biên, sau đó sẽ mở rộng nếu đạt được lợi ích xã hội của cả hai bên về mở rộng việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống, gia tăng năng lực tiết kiệm và kinh doanh cá nhân cho nhóm khách hàng là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Theo Biên bản ghi nhớ ký kết giữa CARE Quốc tế tại Việt Nam và LienVietPostBank, hai bên sẽ chọn lọc, đào tạo, hướng dẫn 6 Nhóm cổ phần tài chính tự quản (CPTCTQ) tại 2 xã Thanh Nưa và Hua Thanh, tỉnh Điện Biên (cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 10km về phía Tây) sử dụng Ví Việt phục vụ cho các mục đích như: mua bán cổ phần trong nhóm, chuyển tiền, cho vay, huy động, và các tiện ích khác. Tại 2 xã hiện đang có hơn 30 nhóm CPTCTQ gồm 900 thành viên là người dân tộc Thái có thu nhập thấp và không ổn định (từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng). Theo cuộc khảo sát của LienVietPostBank và CARE Quốc tế tại Việt Nam vào tháng 8/2017 tại 2 xã trên, thành viên các nhóm CPTCTQ đã thành thạo với hình thức tiết kiệm và cho vay tự quản.
Nhóm CPTCTQ là một tập hợp từ 15 đến 30 thành viên (chủ yếu là phụ nữ) thực hiện gửi tiền tiết kiệm đều đặn thông qua mua cổ phần tại các cuộc họp định kỳ. Tiền tiết kiệm được giữ trong một hòm kim loại có 3 khóa. Khoản tiền tiết kiệm này được dùng cho các thành viên vay với mức lãi suất được thống nhất từ trước để phát triển sinh kế, đầu tư kinh doanh và các khoản chi khác. Tại Việt Nam, đã có 1.500 nhóm CPTCTQ gồm khoảng 28.000 thành viên, trong đó, tỉnh Điện Biên có 111 nhóm gồm khoảng 3,000 thành viên. Đây là mô hình tài chính vi mô mà CARE Quốc tế nghiên cứu và thử nghiệm thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại các lợi ích rõ rệt cho các thành viên của nhóm: Tăng khả năng giữ tiền mặt an toàn thông qua các sản phẩm tiết kiệm, thu lợi nhuận trên khoản tiết kiệm của mình, có cơ hội tiếp cận với các khoản vay lớn và dài hạn hơn, mức rủi ro thấp nhờ tính kỷ luật của nhóm tự quản.
Hai xã Thanh Nưa và Hua Thanh có một số điểm bán hàng lớn, có thể trở thành điểm giao dịch Ví Việt. Thông qua Ví Việt, thành viên nhóm có thể thực hiện giao dịch nội bộ nhóm như mua cổ phần, vay vốn nội bộ, thanh toán, và thực hiện giao dịch chuyển tiền giữa các cá nhân trong và ngoài nhóm.
Với LienVietPostBank, Chương trình này sẽ gia tăng lượng khách hàng Ví Việt tại các vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ phát triển các điểm giao dịch Ví Việt; đồng thời có ý nghĩa truyền thông tích cực vì chứng minh thực tế người dân tộc thiểu số có thể sử dụng Ví Việt, qua đó khẳng định danh tiếng của LienVietPostBank như ngân hàng tiên phong phát triển ví điện tử cho khách hàng đại chúng, "Ngân hàng của mọi người".
Ngoài ra, Chương trình này cũng là sự bổ trợ với Dự án "Ví Việt - Giải pháp toàn diện cho phụ nữ Việt Nam" được LienVietPostBank triển khai từ cuối năm 2016.
Hải Hà