“Lo cho thầy thuốc lúc này không chỉ là nghĩa tình, mà còn là trách nhiệm”

Thứ sáu, 03/04/2020 - 11:10

Mỗi y bác sỹ, mỗi nhân viên phục vụ cho cuộc chiến chống Covid-19 cần được bảo vệ an toàn. Cả cộng đồng đang chung tay làm điều đó

“Lo cho thầy thuốc lúc này không chỉ là nghĩa tình, mà còn là trách nhiệm”- Đó là lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nói tại một cuộc họp ngày 30/3. Câu nói này được cộng đồng hết sức tâm đắc. Mỗi y bác sỹ, mỗi nhân viên phục vụ cho cuộc chiến chống Covid-19 cần được bảo vệ an toàn, bởi bệnh viện không thể đóng cửa một ngày, bệnh nhân nặng trong bệnh viện không thể thiếu bác sỹ và điều dưỡng chăm sóc, cứu chữa.

Bên cạnh đó, mỗi y bác sĩ, đằng sau họ là gia đình, cha mẹ già, con nhỏ... Họ không mong gì hơn là giữ an toàn cho chính mình để không đem lại rủi ro cho người thân của mình.

Những ngày qua, nhiều cá nhân, tập thể, công ty, các nhóm thiện nguyện... đã chung tay ủng hộ các y bác sĩ trang thiết bị y tế, bữa ăn đủ chất, ly cà phê để giữ tỉnh táo trong phiên trực, địa điểm để các bác sĩ cách ly. Những câu chuyện như vậy khiến mọi người đều cảm thấy ấm lòng, thêm niềm tin vào chiến thắng.

Tự chế tạo “vũ khí bảo hộ”

Bản thân các bác sĩ cũng nỗ lực tự bảo vệ mình và đồng đội. Bác sĩ Vũ Quang Hưng - Phó Trưởng khoa điều trị hóa chất, Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, gần đây đã đăng lên mạng xã hội video hướng dẫn cách làm nạ chắn giọt bắn dùng khi giao tiếp và chăm sóc người bệnh.



Dụng cụ này được cải tiến đến mấy lần để đạt được tiêu chí đơn giản, dễ làm, thuận tiện khi dùng và đơn giản khi vệ sinh sạch sau dùng. Thật sáng tạo! Mặt nạ này còn khá đẹp mắt và được dán logo do Đoàn Thanh niên của Bệnh viện thiết kế, in.

Đây là một hoạt động đáng khích lệ. Nếu như được sự tiếp sức của cộng đồng xã hội cùng chung tay sản xuất, để các bệnh viện có đủ thiết bị phòng hộ cho đội ngũ chống dịch và cũng là để nhân viên y tế có thêm thời gian chăm sóc bệnh nhân và nghỉ ngơi phục hồi sức "chiến đấu", thì tốt biết mấy.

Bác sĩ Vũ Quang Hưng cũng là người chia sẻ trên mạng xã hội “Chiến thuật chiến đấu với Covid -19”, với những điểm rất thực tế: “mục tiêu bảo vệ an toàn không lây nhiễm trong bệnh viện, không lây nhiễm chéo nhau, bảo đảm quân số bác sỹ, điều dưỡng và các lực lượng phục vụ hậu cần cho cuộc chiến đấu sẽ kéo dài này”, “Không để tất cả trứng cùng vào 1 giỏ" - hãy chia tách đội ngũ chiến đấu thành từng nhóm nhỏ và chia ca kíp hợp lí, nếu không may mắc Covid-19 thì chỉ tổn thất 1 nhóm, 1 ca mà thôi, những chiến sĩ còn khoẻ mạnh sẽ tiếp quản vị trí chiến đấu”.
quyen gop ung ho bac si chong covid-19 hinh 2
Các y bác sĩ BV Huyết học và truyền máu TW với mặt nạ tự chế
Thật ra, nguy cơ có ca dương tính tại thời điểm dịch có trong cộng đồng như hiện tại là như nhau tại các bệnh viện. Ở đâu càng đông, bệnh nhân đến từ càng nhiều nơi hơn thì nguy cơ cao hơn. Mong muốn của anh Hưng là Khoa điều trị hóa chất có thể được trang bị thêm một số đồ bảo hộ, khẩu trang (đã được trang bị, nhưng dự phòng nếu xuất hiện ca dương tính, sẽ không đủ).

Vừa làm việc, vừa...."niệm thần chú"

Mặc dù không làm việc ở tuyến đầu chống dịch, nhưng ở nhiều bệnh viện, các y bác sĩ vẫn phải cảnh giác với nguy cơ lây nhiễm, bởi sự SARS-CoV-2 đã cho thấy sự dễ lây lan đến như thế nào.

Một bác sĩ Trưởng khoa ở một Bệnh viện tuyến Trung ương cho biết, mặc dù bệnh viện hiện thời chỉ mổ cấp cứu còn tạm dừng những ca mổ phải gây mê, tuy nhiên trong hoạt động thăm khám cho bệnh nhân hàng ngày vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn.

Chị kể trên Facebook cá nhân: Sáng nay, khám 4 đứa trẻ con. Bố mẹ chúng nó đeo khẩu trang đầy đủ, nhưng bọn trẻ có chịu đeo đâu. Nhìn thấy bóng áo trắng, chúng nó dứt phăng ra, gào khóc, phun nước bọt phì phì... Bác sĩ vừa khám, vừa... “niệm chú”: “Covid-19, xatara, xatara...”. Thương 2 sinh viên nội trú giữ đầu bệnh nhân cho bác sĩ khám. Vừa khám vừa phải nhắc các em “ngẩng cao đầu lên, đừng cúi thế, nước bọt bay vào...”. Bác sĩ còn được tấm che sinh hiển vi, chứ chỉ dùng khẩu trang thì vẫn không tránh được các dịch bắn vào.

Nguy cơ cũng rất lớn đối với các điều dưỡng khi phải thay băng, tiêm truyền cho trẻ nhỏ. Mà chấn thương, nhất là chấn thương trẻ con, có phải bảo hoãn mổ được đâu, có phải bảo hoãn khám được đâu... Bệnh nhân cấp cứu mê, vẫn phải cúi mắt, sát mặt mà đút ống thở. Mà thời điểm này, khó có thể xác định rằng người bệnh có mang virus hay không.

Thấy thông tin trên báo về thiết bị hộp aerosol, sử dụng khi các bác sĩ đặt nội khí quản cho bệnh nhân, đồng thời che chắn tốt hơn khỏi mọi hạt khí dung có thể thoát ra từ đường thở của bệnh nhân, chị dự định sẽ đề xuất bệnh viện trang bị để sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Mặc dù đã được ủng hộ khẩu trang của Vinatex, hấp đi dùng lại được; nhưng nếu có khẩu trang N95 là loại chuyên dụng, thì y bác sĩ sẽ an tâm hơn nhiều. Người bác sĩ ấy ước ao như vậy nhưng lại bảo: Thật xa xỉ, nếu có khẩu trang N95 thì cần ưu tiên trước hết cho các y bác sĩ trực tiếp bệnh nhân dương tính, hay cho các y bác sĩ ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC). Người làm việc trong CDC là những chiến sĩ thầm lặng. Ví dụ khi có 1 người nghi nhiễm Covid-19, họ sẽ xuất hiện đầu tiên, lấy bệnh phẩm, hỗ trợ phong tỏa, khử khuẩn... Khi bao nhiêu người đổ về Việt Nam, các bác sĩ CDC lại có mặt ở các cửa ngõ sân bay. Họ rất vất vả và chịu nguy cơ cao, cần được dùng những trang thiết bị an toàn nhất.

Hộp đặt ống thở cho bệnh nhân mới đây được một cá nhân hỗ trợ cho Bệnh viện Nhi Trung ương

Hỗ trợ đúng nhu cầu, tiết kiệm nguồn lực

Ngày 31/3, chị Ngô Phương Loan, trưởng nhóm thiện nguyện Chia sẻ tình thương giãi bày trên FB của mình, rằng: những ngày qua, nhóm chưa đứng ra tổ chức hoạt động nào mang tính kêu gọi tập thể vì có một điều còn trăn trở, suy nghĩ: Đó là làm thế nào để ủng hộ được đúng đồ đạt tiêu chuẩn, đến đúng nơi cần một cách kịp thời... Bệnh viện tuyến đầu tiếp nhận và chữa trị các ca bệnh Covid-19 chắc chắn được ưu tiên hàng đầu, nhưng đồ ủng hộ loại nào có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe trong ngành y để đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân khi những Mạnh Thường Quân đa số là "ngoài ngành" tự mày mò, hỏi nhau để mua. Rồi các bệnh viện khác có tiếp nhận bệnh nhân đến khám chữa bệnh thì đều ẩn chứa nguy cơ với các y bác sĩ, nếu chẳng may có người đến khám bệnh mang virus mà chưa được phát hiện; nhưng trang thiết chống Covid-19 bị tại bệnh viện đó thường không có sẵn, cũng chẳng biết kêu gọi đồ ủng hộ ở đâu...
Đến sáng 1/4/2020, nhóm Chia sẻ tình thương đã liên hệ đặt mua những bộ đồ bảo hộ sản xuất tại Việt Nam với chất lượng tốt để gửi tặng Bệnh viện Đại học Y. Chị Ngô Phương Loan cho biết: sau khi tìm hiểu, trao đổi với một số y bác sĩ, mới vỡ lẽ ra rằng có những bộ đồ bảo hộ mà mọi người thấy bán nhiều, phổ biến, là loại thấm nước hoặc không thấm nước, nhưng chỉ phù hợp với trường hợp không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Đồ bảo hộ cao cấp hơn, làm bằng vải chống thấm, chống được vi khuẩn độc hại, xịt thuốc kháng khuẩn vào không bị ướt, mới có tác dụng đảm bảo cho y bác sĩ tiếp xúc trực tiếp để phòng ngừa rủi ro lây nhiễm Covid-19.

Chị Ngô Phương Loan cho rằng, các cá nhân và tập thể khi có dự định mua trang thiết bị y tế tặng các y bác sĩ, cần tìm hiểu và tặng đúng nhu cầu. Ví dụ có những tổ bác sĩ khám sàng lọc, chỉ cần được trang bị bộ bảo hộ bình thường là được. Các bác sĩ nhãn khoa và tai mũi họng cần nhất là kính chắn... Dĩ nhiên, nếu trang bị đầy đủ cho tất cả các đơn vị được là tối ưu, nhưng vì nguồn lực có hạn, cần phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Nhóm Chia sẻ tình thương vẫn đang tiếp tục kêu gọi sự chung tay góp sức của các thành viên để hỗ trợ đúng người, đúng đồ cần, tập trung vào chất lượng hơn là số lượng.

Trong lúc này, không chỉ một chiếc khẩu trang, một bộ đồ bảo hộ... mà ngay cả những lời động viên tốt đẹp cũng quý. Mặc dù vậy, sự ủng hộ sáng suốt, đúng nhu cầu sẽ mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm được nguồn lực chung./.

Cảo Thơm/VOV