Những con số “biết nói ”
Theo nghiên cứu “Thực trạng nhận thức của học sinh sinh viên về ma túy: Nguyên nhân và giải pháp” của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD): Chỉ có 4,5% số học sinh được khảo sát cho rằng mình có những kiến thức đầy đủ về các chất ma túy. Trong khi đó có tới 42,2% số người cho biết không có kiến thức về nội dung này.
Về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và các kỹ năng phòng chống ma túy, có tới 44% học sinh cho rằng mình không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% khẳng định mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy.
Theo kết quả khảo sát, phần lớn HSSV đều nhận biết được những chất gây nghiện bất hợp pháp như: Thuốc phiện (93,8%), heroin (89,8%) và cần sa (75,9%). Tuy nhiên, nhiều người lại không biết về những loại ma túy mới xuất hiện như ma túy đá, chỉ có 56,4% người được hỏi cho rằng chất đó có khả năng gây nghiện.
Khả năng gây nghiện của một số chất khác như shisha, bóng cười cũng rất ít học sinh biết đến. Nhận thức chưa đầy đủ cùng với tâm lý chủ quan khi cho rằng những loại ma túy trá hình này không có khả năng gây nghiện và không nguy hại đến sức khỏe là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi sử dụng ma túy ở học sinh hiện nay.
Theo kết quả nghiên cứu, có 65% học sinh tham gia trả lời rằng bản thân không biết đến ma túy và tác hại của ma túy nên tò mò và muốn dùng thử; 27% học sinh sử dụng do bạn bè rủ, mời và lôi kéo sử dụng; 8% học sinh sử dụng là do bị lừa sử dụng mà không hay biết đến lúc lệ thuộc vào chất gây nghiện đó mới biết là mình nghiện.
Có tới 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên khi được hỏi trả lời không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy. Có 29,5% phụ huynh và giáo viên cho biết có một chút kiến thức về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy. Chỉ có 13% biết rõ, 25% biết khá rõ về ma túy. Tuy nhiên, kỹ năng để nhận diện và xử lý khi nghi ngờ con em, học sinh có dấu hiệu sử dụng ma túy ở phụ huynh và giáo viên tham gia khảo sát cũng rất thấp…
Cô Mai, giáo viên tại Thanh Trì cho biết: “Việc giáo dục phòng ngừa ma túy trong trường học từ trước đến giờ chỉ mang tính truyền miệng, nghĩa là răng dạy từ thế hệ trước tới thế hệ sau. Bản thân là giáo viên, tôi nghĩ cần có những biện pháp thiết thực hơn như tài liệu học tập, các bài giảng cụ thể và sinh động, các chuyến tham quan ngoại khóa hay học tập thực tế để học sinh được tiếp cận với vấn đề gần gũi hơn nữa.”
Hậu quả nhãn tiền
Trong những năm gần đây, tội phạm ma túy tại đất nước ta diễn biến phức tạp. Số vụ tội phạm ma túy tăng lên, nổi lên tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tại nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn. Đáng lo ngại, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy.
Trong số người nghiện ma túy thì lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn và ngày càng trẻ hóa. Quan ngại hơn, nhiều thanh niên thiếu sau khi nghiện ma túy thì thành người mắc bệnh tâm thần, người sử dụng ma túy tổng hợp “ngáo đá”, có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Nhiều vụ án liên quan đến ma túy gây đau lòng dư luận bởi có bị can vẫn ngồi trên ghế nhà trường. Điển hình như vụ mua bán trái phép chất ma túy tại Lạng Sơn vào tháng 3/2019 có 6 bị can khởi tố thì 5 đối tượng là học sinh. Tại Cần Thơ vào năm 2018, có 24 học sinh bị phát hiện nghiện ma túy, sử dụng ma túy, shisha… trong đó có 8 em bị khởi tố. Những vụ án ma túy có liên quan đến học sinh sinh viên vẫn còn rất nhiều.
Thực trạng về sử dụng, mua bán ma túy trong học đường hiện nay là vô cùng đáng quan ngại với nhiều hình thức tinh vi. Không chỉ sử dụng, học sinh còn mua bán trao đổi ma túy cho nhau, bán ở mọi nơi, điển hình như bán trong nhà vệ sinh trường học, có khi còn bán ngay trong lớp học (như vụ học sinh bán ma túy cho các bạn ở một trường cấp 3 thuộc huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn). Mua bán ma túy không chỉ diễn ra trên mạng xã hội mà còn theo hình thức mua bán đa cấp trong học sinh, mua 10 viên được miễn phí 3 – 4 viên. Nếu bán được tiếp cho người khác thì tiếp tục có lợi.
Vá lỗ hổng trong phòng chống ma túy học đường
Nguyên nhân dẫn đến học sinh, thanh, thiếu niên vướng vào ma túy còn nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan như lối sống thực dụng, buông thả, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường. Bên cạnh đó, khi các em không có nhiều những kỹ năng để phòng chống ma túy thì các em không thể đối đầu, xử lý với nhiều tình huống có nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng ma túy. Chính vì thế, việc nhà trường trang bị cho các em học sinh, sinh viên những kỹ năng, kiến thức cơ bản này sẽ giúp các em chủ động tránh xa ma túy, có như vậy mới góp phần ngăn chặn được sự tấn công của các loại ma túy mới vào giới trẻ hiện nay.
Trong công tác phòng chống tệ nạn ma túy trong nhà trường, trường học phải thực sự trở thành “lá chắn thép” - ở đó, từng bộ phận của trường từ ban giám hiệu, giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, Đoàn Thanh niên (Đội Thiếu niên Tiền phong) cho đến ban đại diện phụ huynh học sinh phải có sự phối hợp, vào cuộc, tham mưu xây dựng kế hoạch để từ đó có các biện pháp tổ chức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng học sinh…
Sở Giáo dục và Đào tạo cẩn tăng cường hơn nữa công tác khảo sát việc thực hiện của các cơ sở giáo dục về công tác an toàn trường học, trong đó nội dung trọng tâm là công tác giáo dục ma túy trong trường học. Việc khảo sát không chỉ đánh giá tính hiệu quả trong công tác thực hiện của các trường mà còn nắm bắt xem các trường học đang gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện nội dung này để có hướng tháo gỡ, tăng tính hiệu quả giáo dục học sinh trong phòng chống ma túy...
Các đơn vị cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, “Tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên”. Tổ chức các hoạt động mít tinh, ra quân, kết hợp với việc tuyên truyền trên hệ thống thông tin của nhà trường.
Phát động phong trào tố giác, vận động tự giác khai báo về tình trạng sử dụng ma túy trái phép trong học sinh, sinh viên; tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin của học sinh, sinh viên, cán bộ, nhà giáo và nhân dân có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy của nhà trường.
PV