Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, chủ nhân tương lai của nước nhà, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc. Vì vậy, Đảng ta luôn giáo dục, bồi dưỡng tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp của Đảng và dân tộc.
Qua suốt chặng đường đấu tranh cách mạng của dân tộc và giai đoạn hiện nay cho thấy, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào thanh niên Việt Nam đều hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình trước Đảng và nhân dân. Đảng ta luôn ghi nhận, đề cao vai trò của thanh niên, đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ; lịch sử đã khẳng định rõ vai trò và vị trí của thanh niên; thanh niên là rường cột của nước nhà, là tương lai của đất nước. Đáp lại niềm tin tưởng đó, thanh niên Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác, kế thừa truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước luôn phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, khát vọng vươn lên không quản ngại gian khổ, hy sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, đất nước đang bước vào thời kỳ CNH, HĐH đất nước trong xu thế toàn cầu hóa, mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia trên thế giới. Trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi thế hệ trẻ Việt Nam phải tích cực học tập, nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng, tự “nâng tầm” để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới. Trong đó, vấn đề tệ nạn xã hội trong thanh niên hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề lo ngại cho xã hội về lực lượng rường cột của nước nhà; nếu không có biện pháp giải quyết hiệu quả, tệ nạn xã hội sẽ giống như “cơn bão đen” công phá giới trẻ, ảnh hưởng xấu tới phẩm chất, nhân cách, lối sống của lực lượng thanh niên - chủ nhân tương lai của đất nước.
Những năm gần đây, tệ nạn xã hội ngày càng có diễn biến phức tạp và có xu hướng bùng phát trong giới trẻ. Những tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề, game online, cá độ bóng đá,…đã len lỏi vào đời sống của một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên. Mặt trái của các tệ nạn xã hội cùng với sự buông lỏng quản lý, thờ ơ của một số bậc cha mẹ đã khiến cho không ít thanh, thiếu niên trượt dài trên bước đường sai lầm; những hành vi vi phạm đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với xã hội. Đặc biệt, những năm gần đây, vấn đề tệ nạn xã hội gắn với tội phạm trong giới trẻ đang diễn biến phức tạp, khiến dư luận xã hội lo ngại, như: Bạo lực học đường, trộm cắp, cướp giật, hành xử mang tính chất côn đồ, giang hồ,…Trong đó, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay chính là việc thanh, thiếu niên dính vào tệ nạn ma túy dẫn tới nhiều hệ lụy khôn lường. Với sự xuất hiện, tiếp cận dễ dàng với ma túy đá như hiện nay, nó đã khiến không ít thanh, thiếu niên sa ngã vào con đường tội lỗi, đánh mất tương lai. Hàng loạt các vụ việc vi phạm pháp luật, kể cả vụ nghiêm trọng của giới trẻ đều có liên quan tới sử dụng ma túy đá, chính những ảo giác mang lại khi sử dụng ma túy đá khiến thanh niên dễ đi vào những con đường phạm pháp, tự gây nên nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng,…
Hiện nay, đời sống kinh tế phát triển, điều kiện của thanh niên, sinh viên không còn khó khăn, thiếu thốn như trước, điều này càng dễ khiến họ tham gia vào các cuộc chơi, cuộc vui, từ đó, mắc phải các tệ nạn xã hội lúc nào không hay. Tệ nạn xã hội không chỉ khiến các bạn trẻ rơi vào lối sống buông thả, sa đọa, mà cờ bạc, lô đề, cá độ,…còn khiến cho một số bạn trẻ rơi vào cảnh túng quẫn, dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật như trộm cướp, thậm chí vướng phải vòng lao lý một cách nghiêm trọng, khó có cơ hội làm lại cuộc đời.
Cùng với đó, một thực tế xã hội đã và đang trong giới trẻ hiện nay khiến dư luận xã hội không khỏi lo ngại, đó là tình trạng một bộ phận giới trẻ đang rơi vào sex “ngoài luồng”. Cụ thể là tình trạng bị bóc lột tình dục, sa ngã vào con đường mua, bán dâm trong giới trẻ, kể các bạn trẻ đang là sinh viên có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Với nhiều lý do khác nhau mà các bạn trẻ (cả nam lẫn nữ) sa ngã vào tệ nạn mại dâm lúc nào không hay, trượt dài trên những ham muốn, nhu cầu tầm thường khiến sự nghiệp, tương lai bị vùi lấp. Một số bạn thay vì tập trung học tập, rèn luyện, chuẩn bị hành trang cho tương lai lại lún sâu vào các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, tàn phá sức khỏe, tinh thần. Đa số các bạn trẻ sa ngã vào các tệ nạn xã hội đều do thiếu sự quan tâm của cha mẹ, trong đó, lý do chủ yếu là bản thân trẻ, gia đình và cộng đồng thiếu nhận thức về sự nguy hiểm của các tệ nạn xã hội, cách phòng, chống tệ nạn xã hội, các kiến thức, kỹ năng ứng phó với tệ nạn xã hội,…
Theo một nghiên cứu xã hội học về tình trạng quan hệ tình dục trong giới trẻ cho biết, hầu hết các bạn trẻ lúc đầu bị dụ dỗ, lừa gạt và bị cưỡng bức quan hệ tình dục rồi dần dần chấp nhận bán dâm vì áp lực kiếm tiền, vì bị đe dọa tính mạng và cũng vì... cùng đường. Sa ngã vào con đường mại dâm nguy cơ mắc phải những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và các nguy khác đối với sức khỏe rất cao. Dù không phải là tệ nạn, nhưng tình trạng quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại khu vực thành thị và các vùng đang đô thị hóa, với biểu hiện của những cuộc sống thử trong cả giới sinh viên. Hầu như ở khu nhà trọ nào cũng có những đôi sinh viên sống thử công khai,… Quan niệm của sinh viên về quan hệ tình dục trước hôn nhân đã thoáng hơn rất nhiều so với trước, điều này dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường về sức khỏe sinh sản và hạnh phúc gia đình của bạn trẻ sau này.
Trên thực tế, các nghiên cứu về tệ nạn xã hội trong giới trẻ đều chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thanh, thiếu niên sa vào tệ nạn xã hội là vì thiếu kỹ năng sống, một bộ phận bạn trẻ không có khả năng phòng tránh và thoát thân nếu không may dính phải bất kỳ tệ nạn nào, nhất là mại dâm và ma túy. Ngay cả việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, không nhiều bạn trẻ nhận thức được đó hành vi lệch chuẩn và ảnh hưởng đến sức khỏe, nhận thức xã hội đối với bản thân, mà họ luôn biện minh đó “việc riêng”, là vấn đề bình thường của xã hội hiện đại. Quan niệm thoáng hơn về sex của vị thành niên một phần là do sự phát triển của xã hội, nhưng một phần lớn chính là do cha mẹ (gia đình) ít chia sẻ với họ. Có tới 10% số người được hỏi thừa nhận không cảm nhận được tình thương của cha mẹ.
Hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên hiện nay còn chưa được chú trọng đúng mức và hiệu quả chưa cao. Trong chương trình giảng dạy ở các cấp học, kể cả bậc đại học hiện nay còn thiếu các nội dung kiến thức về sức khỏe sinh sản, về cách phòng, tránh tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS. Các trung tâm tư vẫn, hỗ trợ cho thanh, thiếu niên về các vấn đề liên quan tới tệ nạn xã hội chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động chưa cao. Đa số giới trẻ hiện nay, nhất là vị thành niên đều thấy cần thiết phải trang bị kỹ năng sống, trong đó kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, giải quyết xung đột và kỹ năng chịu trách nhiệm, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, cách ứng xử,... Chính vì vậy, thời gian tới, cần chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội cho giới trẻ; thông qua đó, để tăng cường cung cấp thông tin và trang bị các kiến thức cho giới trẻ, tránh cho họ phải tự “hiến thân” cho tệ nạn khi những “cơn bão đen” vẫn đang ngày đêm hoành hành.
Th.s Phạm Văn Định