Hiện trên cả nước có 272/289 trung tâm đăng kiểm với 443/512 dây chuyền kiểm định đang hoạt động
Tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, lượng phương tiện đến kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội, TPHCM và một số địa phương khác.
Tăng ca, làm việc cả ngày nghỉ
Để chủ động phòng ngừa tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm yêu cầu các trung tâm đăng kiểm tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn chủ phương tiện đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định trực tuyến qua ứng dụng của Cục Đăng kiểm Việt Nam để thuận lợi trong việc kiểm định, hạn chế việc phải chờ đợi.
Chủ động hướng dẫn phân luồng, ưu tiên, tạo thuận lợi cho các phương tiện đã đăng ký lịch hẹn trực tuyến.
Cùng đó, vận động cán bộ, công nhân viên tăng ca, làm thêm giờ kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để phục vụ người dân; các trung tâm đăng kiểm có trách nhiệm đảm bảo tốt nhất về điều kiện làm việc cũng như các chế độ đối với người lao động theo quy định.
Ngoài ra, cũng cần chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt, khoa học việc bố trí, sắp xếp nhân sự (đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ), cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong công tác kiểm định để phục vụ tốt nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp.
Vẫn thiếu hụt đăng kiểm viên
Nguyên nhân gia tăng lượng phương tiện đến kiểm định, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam là do vào dịp cuối năm nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng cao, đồng thời người dân có nhu cầu đi lại nhiều trong dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm nên lượng phương tiện đến kiểm định thông thường đều gia tăng vào giai đoạn này.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, khi Bộ GTVT ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm định xe cơ giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (miễn kiểm định lần đầu, giãn chu kỳ kiểm định, tự động gia hạn kiểm định) thì đến dịp cuối năm 2023 và đầu năm 2024 một lượng lớn các phương tiện thuộc nhóm đối tượng được hưởng chính sách trên phải thực hiện kiểm định.
Chưa kể, số lượng các phương tiện tạm dừng hoạt động trước đây nay thực hiện kiểm định trở lại để phục vụ cho hoạt động kinh doanh tăng cao vào cuối năm.
Trong bối cảnh, số lượng đăng kiểm viên đã và đang bị khởi tố (trên 800 đăng kiểm bị khởi tố) và tới đây đưa ra xét xử là rất lớn. Trong số 800 đăng kiểm viên này, có số lượng lớn là đảng viên đã bị khởi tố buộc phải khai trừ Đảng, buộc thôi việc, nhiều đăng kiểm viên đã xin nghỉ việc hoặc tự ý bỏ việc.
Ngoài ra, theo thống kê, còn nhiều trung tâm đăng kiểm đang bị cơ quan công an các địa phương điều tra, xác minh nên thời gian tới có thể sẽ có thêm các lãnh đạo, đăng kiểm viên bị khởi tố, thậm chí có thể bị tạm giam.
Mặt khác khi các đăng kiểm viên bị đưa ra xét xử sẽ có nhiều trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động do thiếu hụt đăng kiểm viên, bởi theo quy định tại Nghị định 30/2023, trường hợp trung tâm đăng kiểm có 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong thời gian 3 tháng.
"Tất cả gộp lại sẽ tác động rất lớn đến năng suất kiểm định trong toàn hệ thống do thiếu hụt lượng lớn đăng kiểm viên mà chưa thể bù đắp ngay được", báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu rõ.
Thống kê, hiện trên cả nước có 272/289 trung tâm đăng kiểm với 443/512 dây chuyền kiểm định đang hoạt động (17 trung tâm đăng kiểm và 103 dây chuyền không hoạt động), với công suất phục vụ trung bình tối thiểu 1 tháng là 637.920 phương tiện.
Ngoài ra, do việc phân bố mật độ các trung tâm đăng kiểm không đồng đều về mặt địa lý dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa nên dự báo trong thời gian sắp tới với số lượng phương tiện kiểm định gia tăng sẽ dẫn tới tình trạng ùn tắc có nguy cơ tái diễn tại 31 địa phương trên cả nước, bao gồm cả 2 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM.
Phan Trang/Chinhphu