Sau vài lần tự mua thuốc chữa ho nhưng không hiệu quả, anh B. ở phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) tìm đến Trung tâm Y tế Sơn Trà điều trị và tại đây anh được chẩn đoán bị viêm phổi. Uống hết thuốc, bệnh lại tái phát, anh B. đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi thành phố thì được biết mình bị phổi tắc nghẽn mạn tính. Để điều trị bệnh này, không có cách nào khác là phải cai thuốc lá. Nghe theo lời khuyên của bác sĩ, anh B. quyết tâm bước vào “công cuộc” bỏ thuốc.
Tuy nhiên, chỉ khi quá mệt, phải nhập viện thì anh B. mới bỏ được thuốc lá vài tuần. Đến lúc thấy cơ thể tạm khỏe, anh lại… hút tiếp. Cứ thế cho đến khi sức khỏe suy sụp, anh B. mới dứt được thuốc lá.
Còn anh N. (quê ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), bệnh nhân từng điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Đà Nẵng chia sẻ: Anh hút thuốc từ năm học cấp II, đến năm 39 tuổi thì phát hiện phổi “có vấn đề”. Điều trị ở quê mãi không hết, đầu năm 2016, anh chuyển ra bệnh viện này và từ đó đến nay, gần như tháng nào anh cũng ra nằm viện vài tuần. “Rất nhiều lần tôi cố gắng bỏ thuốc lá, lúc thì mua thuốc cai thuốc lá trên thị trường về uống, lúc thì uống thuốc nam nhưng cũng không bỏ được. Thậm chí, có thời gian tôi lên Kon Tum đi hái cà-phê, chủ yếu nhằm xa mấy bạn nhậu ở quê để dễ bỏ thuốc, nhưng khi về quê lại hút tiếp mà còn hút nhiều hơn trước khi bỏ”, anh N. kể.
Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi thành phố, không khó biết những trường hợp khổ sở cai nghiện thuốc như anh B. hay anh N. Theo các nhân viên của Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Lao và bệnh phổi thành phố, gần như bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính đều là “người quen” của khoa, vì họ cứ ra vào bệnh viện điều trị thường xuyên. Căn bệnh này không thể điều trị khỏi hẳn. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân vẫn lén hút thuốc trong quá trình điều trị nên việc chữa bệnh càng khó khăn và phức tạp.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Hứa Quảng, Trưởng khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đà Nẵng, việc tuyên truyền cho bệnh nhân hô hấp bỏ thuốc là cực kỳ khó khăn dù ngay trong khoa có phòng tuyên truyền sẵn sàng giúp họ làm việc này. Từ nhiều năm nay, người tìm đến phòng tuyên truyền để được tư vấn cai nghiện thuốc lá chủ yếu là mẹ hoặc vợ của người nghiện thuốc lá, còn bản thân người nghiện thuốc chẳng mấy khi chủ động tìm đến nơi này. Ngược lại, những người nghiện thuốc lá lại thường chọn cách âm thầm tìm mua những sản phẩm được cho là có khả năng “thần thánh” trong việc cai thuốc bày bán trôi nổi trên thị trường hoặc nghe bạn bè chỉ chỗ nào chạy chỗ đó thay vì theo một phương pháp cai thuốc khoa học, bài bản.
Theo Báo Đà Nẵng