Những ngày tháng Tư, khi những triền ngô trên nương xanh mướt, người dân gác lại bộn bề công việc để đến với “Chợ tình” theo lời ước hẹn. Sau ba ngày trải nghiệm ở Khâu Vai, tôi thực sự cảm nhận được một hình ảnh về cuộc sống yên bình, nhìn thấy góc nhỏ trong tâm hồn mỗi con người miền núi đá. “Chàng ơi xuống núi cùng em/ Hãy mang theo ngựa và đi một mình” – lời bài hát gắn liền với phiên “Chợ tình” như chất chứa nỗi khao khát được yêu, được sẻ chia, tâm tình.
Trò chơi “Bịt mắt bắt vợ” được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội “Chợ tình”. |
Câu chuyện về Chàng Ba và Nàng Út chắc hẳn không còn xa lạ với nhiều người. Có thể nói đó là mối tình huyền thoại mang tính nhân văn sâu sắc. “Chợ tình” Khâu Vai, hay còn gọi là chợ Phong Lưu, chính là món quà tôn vinh tình yêu của đôi trai gái, vì những xung đột dòng tộc mà không thể đến với nhau. Sự độc đáo có một không hai của phiên chợ đã thôi thúc bao người tìm về để khám phá, trải nghiệm. Họ nói với nhau, đây là phiên chợ đặc sắc nhất vùng cao, được tổ chức duy nhất một lần, một ngày trong năm, vào ngày 27-3 âm lịch, cũng là ngày Chàng Ba, Nàng Út chia tay trên đỉnh núi Khâu Vai.
Từ chiều ngày 26.3 âm lịch, trên các nẻo đường uốn lượn đã bắt gặp những đoàn người xúng xính váy áo, rộn ràng xuống chợ. Có người vượt hàng chục cây số không mệt mỏi; bước chân rộn ràng như xua tan cái lạnh cuối mùa miền núi đá. Đêm xuống, Khâu Vai mờ ảo, những điệu hát phươn, hát lượn, những điệu múa của người Lô Lô, những tiếng khèn Mông da diết hoà quyện vào nhau. Các chàng trai Mông chếnh choáng hơi men ngồi đợi bạn, các cô gái Mông e ấp thẹn thùng. Họ cùng nhau trò chuyện, về cuộc sống, về tình yêu, chỉ đơn giản là sẻ chia một phần cuộc sống. Không hiếm thấy những gương mặt vào cái tuổi đã tứ tuần, họ cũng đến chợ, không để tìm tình yêu, mà là ngồi ôn lại kỷ niệm đã qua. Những phút giây “ngoài vợ, ngoài chồng” ấy không có sự ghen tuông, đố kỵ. Đó có lẽ chính là nét văn hoá ẩn sâu sau phiên chợ, là giá trị nhân văn sâu sắc trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Năm nay, Lễ hội “Chợ tình” Khâu Vai được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh, đã thu hút hơn 15.000 lượt khách đến với phiên chợ vùng cao này. Những hoạt động trong phiên chợ để lại những dấu ấn đẹp trong lòng du khách. Lễ dâng hương tại Miếu Ông, Miếu Bà; Hội thi chim; trải nghiệm cưỡi ngựa, các trò chơi dân gian múa khèn, đánh còn, đánh yến; thưởng thức các món ăn dân tộc như mèn mén, thắng cố, canh tậu chúa, rựou ngô... tất cả đã tạo nên một phiên chợ đặc sắc nhất vùng cao. Sự kết hợp giữa các trò chơi, các cuộc thi, trải nghiệm đã mang đến cho du khách cũng như người dân địa phương cảm nhận chung đó là sự hài lòng và vui vẻ. Cô bạn của tôi, cùng chồng vượt gần 500 km từ Hà Nội lên đây chỉ để tham gia phiên chợ độc đáo này. Cô bạn tôi bảo: “Đi nhiều phiên chợ vùng cao trong nước rồi, nhưng riêng “Chợ tình” năm nay mới đi được, vì muốn đưa chồng đi cùng. Đến đây được trải nghiệm mới thấy giá trị của tình yêu đích thực. Từ đây mà biết trân trọng tình yêu gia đình mình hơn”. Với riêng tôi, những điều hư hư thực thực, sự kết nối từ quá khứ đến hiện tại đã tạo nên sức cuốn hút kỳ lạ cho miền đất này. Câu chuyện tình yêu đầy nước mắt ấy đã mang lại sự lan toả kỳ diệu tạo nên mối tình huyền thoại.
“Chợ tình” Khâu Vai hôm nay ít nhiều đã thay đổi nhưng vẫn giữ được những nét đặc sắc, độc đáo của riêng mình. Trong không khí tươi vui, nhộn nhịp, trong đoàn người đông đúc đến phiên chợ, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những ánh mắt mải miết tìm nhau, nụ cười hạnh phúc của nhiều đôi lứa sau bao ngày xa cách. Điều tôi nhận thấy rõ nhất là niềm tin, lời hứa của họ, dù gặp gỡ nhau trong chốc lát, nhưng lời hẹn sẽ giữ mãi đến năm sau. Chúng ta lại chờ để viết tiếp bản tình ca Khâu Vai của nhiều năm về sau nữa!
Theo Báo Hà Giang