TNV - Với biến đổi khí hậu, nhiệt độ đại dương sẽ tăng lên, khiến hơi nước hình thành nhiều hơn trong tương lai. Các hiện tượng cực đoan, như lũ lụt, sẽ diễn ra thường xuyên hơn so với trước đây, điều này đã dần rõ nét trong vài năm trở lại đây. Và! như một lẽ tự nhiên, lũ lụt sẽ không biến mất, cần một quyết sách lớn cho hôm nay và sau này là điều cần làm ngay sau khi những đợt bão chồng bão, lũ chồng lũ đang hoành hành ở các tỉnh miền Trung nước ta.
Những hoang tàn đang diễn ra tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh... do bão chồng bão, lũ chồng lũ tàn phá đặt ra cho nhà quản lý câu hỏi, liệu những giải pháp phòng chống thiên tai thời gian qua thật sự đã hoàn hảo chưa, chúng ta có những dự án như “nhà chống lũ”, “nhà vượt lũ”, “nhà phao”, “nhà nổi”...
Trong nhiều năm, chiến lược kiểm soát lũ chủ yếu dựa vào các tuyến đê được xây dựng bên bờ sông, nhằm ngăn cách nước sông tràn bờ với khu vực sinh sống, canh tác của người dân bên kia đê. Tuy nhiên, hệ thống đê điều mọc lên dọc mọi con sông lại khiến nước lũ dâng cao hơn, tạo áp lực ngày càng lớn hơn lên những con đê ngày càng quá tải, xuống cấp. Khi đê vỡ, hậu quả mà nước lũ gây ra cho những khu dân cư mọc lên ngày càng san sát cạnh bờ sông càng thảm khốc hơn.
Những nhà máy điện, tích trữ nước, khi nước lũ dâng cao thì xả lũ, nước lũ cùng với nước từ hồ chứa tràn vào những khu dân cư vùng trũng lại gây nên bao khó khăn, thậm chí tính mạng của người dân cũng phải đánh đổi.
Đến những công trình giao thông huyết mạch như quốc lộ 1A, những công trình kiên cố, những căn nhà vững chãi, đắt tiền…cũng đành bất lực trước sự hoành hành từ những đợt bão, lũ năm sau mạnh hơn, dữ đội hơn, khủng khiếp hơn các năm trước đó.
Bão chồng bão, lũ chồng lũ chưa có tiền lệ nhiều như trước đây thì nay ngày một rõ, nếu như năm 2019, Việt Nam thở phào vì ảnh hưởng bởi thiên tai bão, lũ thấp thì năm 2020 nó đã khác, khủng khiếp đến độ không có bút viết nào tả hết, những đau thương mất mát không đủ nước mắt để mà khóc thương.
Thiên tai ngày càng khốc liệt, tần suất dày đặc, con người cần phải thích nghi với lũ như là một phần của cuộc sống. Đến lúc những nhà quản lý cấp chiến lược cần một giải pháp căn cơ cho người dân vùng lũ.
Một trong nhiều giải pháp căn cơ là phải thuận tự nhiên trong phương pháp đối phó với bão, lũ. Đó là triển khai, thực hiện các đại dự án phục hồi sinh thái, trồng cây xanh nhằm ngăn nước trên vùng núi đổ ra sông và giữ thêm nước ở thượng nguồn.
Đơn cử như, nếu nước, đất, đá từ trên cao đổ dồn xuống vùng thấp (trũng) khi có hàng ngàn cây xanh lớn cản thì độ tàn phá sẽ bị giảm lại tối đa, người dân có cơ hội chạy thoát hoặc tỷ lệ thương vong sẽ ít lại…
Di dời người dân ra khỏi những vùng bãi bồi là cách tốt nhất giúp bảo vệ họ khỏi lũ lụt và cho phép nước sông được chảy tự do, thay vì chặn chúng lại bằng đê điều. Bởi, bãi bồi là một loại địa hình tự nhiên. Các con sông thường có xu hướng dâng lên rồi tràn vào khu vực bãi bồi theo mùa tương đối đều đặn.
Các công trình giao thông huyết mạch đi qua các địa phương thường xuyên có bão, lũ thì cần tính đến phương an xây dựng trên cao bằng những trụ bê tông chủ lực, nếu có bão, lũ không sợ nứt, vỡ, toác đường.
Những dự án lớn như “nhà chống lũ”, “nhà vượt lũ”, “nhà phao”, “nhà nổi” phải phù hợp với từng địa phương, địa hình, “nhà vượt lũ”, “nhà phao”, “nhà nổi” không thể tồn tại nếu như dòng nước cuộn tràn, chảy xiết kéo theo đất, đá, cây cối như những gì đang diễn ra ở các tỉnh miền trung hiện nay…
Biết rằng cùng một lúc Nhà nước không thể thực hiện nhiều dự án liên quan đến phòng chống bão, lũ trên khắp cả nước nhưng mỗi năm một ít, xây dựng từ vùng trũng nhiều đến vùng trũng ít, từ những địa phương thường xuyên đối diện với bão, lũ. Cứ mỗi năm một ít phù hợp với từng vị trí địa lý thì không gì là không thể. Nó giống như trang bị vũ khí phòng khi chiến tranh xẩy ra, chứ đừng chờ đến khi có chiến tranh mới xoắn tay trang bị thì đã muộn.
Một việc nữa, ngay cả việc cứu trợ trong lũ, thay vì cứu khi có lũ, chúng ta nên cứu họ trước khi lũ về bằng cách thực hiện những công trình, những căn nhà chống lại bão, lũ. Cứu trợ một lần chúng ta cùng an tâm dài lâu.
Thiên tai là việc của trời đất; bão, lũ sẽ không biến mất nhưng đối phó là việc của chúng ta. Nhiều quốc gia đã huấn luyện cho dân chúng những bài học rất căn bản trong thảm họa động đất, sóng thần, các kế hoạch khẩn cấp trong lúc đó là gì...
Nói đâu xa, hãy tiết kiệm việc xây những tượng đài nghìn tỉ, những quảng trường tráng lệ, những cổng chào quy mô, kiểm soát chặt các công trình đầu tư quốc gia, tịch thu tài sản từ tham ô, tham nhũng; từ vi phạm giao thông, tệ nạn xã hội...thì những công trình, những căn nhà chống bão, lũ cho dân vùng lũ hoàn toàn đâu quá khó.
Nguyễn Ngọc