Lục Yên: Tăng cường quản lý, xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn

Thứ ba, 11/07/2023 - 09:46

TNV - Mục tiêu chung Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2023 được huyện Lục Yên (Yên Bái) xác định là tăng cường quản lý, xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, gắn các cơ sở sản xuất với vùng nguyên liệu .

Thanh niên xã An Phú thực hiện công trình thắp sáng đường quê

Trong đó, mục tiêu cụ thể được Ủy ban nhân dân huyện đặt ra là phấn đấu năm 2023 đạt thêm 01 chỉ tiêu huyện nông thôn mới (chỉ tiêu 1.1 - Có quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt còn thời hạn hoặc được rà soát, điều chỉnh theo quy định, trong đó có quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn ), lũy kế đến hết năm 2023, huyện Lục Yên sẽ đạt 2 tiêu chí và 12 chỉ tiêu huyện nông thôn mới (tăng 01 chỉ tiêu so với năm 2022).

Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2023 có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Lâm Thượng, Tô Mậu, Mường Lai, Minh Tiến) và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Vĩnh Lạc); như vậy đến hết năm 2023 huyện Lục Yên sẽ có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân toàn huyện đạt 14,76 tiêu chí/xã (tăng 1,5 tiêu chí/xã so với năm 2022).


Bà con xã Khánh Thiện sử dụng nước hợp vệ sinh

Ngoài ra, huyện cũng đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đối với 11 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí thôn NTM và thôn NTM kiểu mẫu tại các thôn đã được công nhận; phấn đấu có thêm ít nhất 13 thôn đạt chuẩn thôn NTM và 07 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn đạt chuẩn thôn NTM, thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu lũy kế đến năm 2023 là 38 thôn NTM và 24 thôn NTM kiểu mẫu.

Phấn đấu năm 2023 có 04 xã đạt tiêu chí về Chất lượng môi trường sống

Để thực hiện mục tiêu chung kể trên, huyện Lục Yên đã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phân loại, xử lý chất thải rắn, rác thải tại hộ gia đình đảm bảo theo đúng quy định, trong đó: Chất thải hữu cơ (thức ăn thừa, rau củ, lá cây, xác động vật...) dùng làm thức ăn chăn nuôi; chất thải có khả năng tái chế (nhựa, bìa cattong, kim loại, ni lông, thủy tinh, giấy…) gom để bán cho các đơn vị thu mua phế liệu, rác thải còn lại thu gom, đào hố chôn lấp tại hộ gia đình hoặc thu gom vận chuyển đến bãi rác của huyện.

Nhân dân xã An Lạc thường xuyên dọn vệ sinh môi trường

Mặt khác vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ trên địa bàn huyện hoàn thiện cam kết, hồ sơ bảo vệ môi trường và thực hiện theo đúng cam kết.

Bên cạnh việc khuyến khích các hộ dân đầu tư, sử dụng nước sạch từ hệ thống máy lọc nước hộ gia đình; huyện cũng chú trọng rà soát, nâng cấp, sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện đảm bảo tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện đạt từ 12% trở lên.

Kết hợp tuyên truyền với kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thực hiện đảm bảo các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.Vận động nhân dân định kỳ chỉnh trang đường làng ngõ xóm, lắp đặt đèn đường chiếu sáng trên các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn đi đôi với xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Bà con xã Tân Lĩnh chủ động xây nhà tắm, nhà tiêu khép kín tự hoại, an toàn toàn sạch sẽ

Đối với các xã NTM nâng cao, yêu cầu thu gom xử lý nước thải sinh hoạt và thực hiện mai táng, hoả táng theo hương ước của địa phương, đúng quy định; xây dựng các mô hình thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; xây dựng chuồng trại chăn nuôi bảo đảm các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Phấn đấu năm 2023 có 03 xã đạt tiêu chí số 17 về Môi trường, nâng tổng số toàn huyện lên 15 xã đạt chuẩn tiêu chí Môi trường.

Yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm không để xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm. Vận động nhân dân xây dựng và sử dụng nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà tiêu an toàn và đảm bảo 3 sạch. Phấn đấu năm 2023 có 04 xã đạt tiêu chí 18 về Chất lượng môi trường sống.

Hơn nữa,huyện Lục Yên cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tại chợ đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy; thực hiện vệ sinh, phân loại, thu gom rác thải hàng ngày; định kỳ tổ chức khử trùng và diệt côn trùng, động vật gây hại bảo đảm không ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm tại chợ; các thực phẩm kinh doanh tại chợ bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định và đảm bảo các quy định kinh doanh thực phẩm đối với từng mặt hàng.

Xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực

Về phát triển kinh tế nông thôn, huyện Lục Yên tiếp tục duy trì các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Vùng cây ăn quả có múi ( Khánh Hòa, Mường Lai, Thị trấn Yên Thế, Minh Xuân, Khánh Thiện, An Lạc, Liễu Đô) ; vùng sản xuất lúa chất lượng cao ( Minh Tiến, Vĩnh Lạc, Mường Lai, Liễu Đô, Minh Xuân, Mai Sơn, Tân Lĩnh, Lâm Thượng, Khánh Thiện, Minh Chuẩn) ;vùng ngô, vùng lạc đỏ thương phẩm, vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, vùng nguyên liệu quế (Khánh Hòa, Phúc Lợi, Trung Tâm, An Lạc, Trúc Lâu, Động Quan, Khai Trung An Phú); vùng trồng tre lấy măng (Lâm Thượng, Khánh Thiện, Mai Sơn, Tân Phượng, An Phú) .

Bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở xã An Lạc

Duy trì chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gỗ keo tại 06 xã (An Lạc, Khánh Hòa, Động Quan, Trúc Lâu, Phúc Lợi, Trung Tâm) ; chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gạo nếp Lào Mu tại xã Khánh Thiện; tiếp tục thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tre măng bát độ tại xã An Phú; dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu khôi nhung tại xã Mường Lai.

Tiếp tục củng cố, đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã. Phát triển các loại hình hợp tác xã kiểu mới và tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển; xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

Đặc biệt quan tâm chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng ở cơ sở. Phấn đấu năm 2023 có thêm 11 xã đạt tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất và Phát triển kinh tế nông thôn, nâng tổng số xã đạt tiêu chí toàn huyện lên 19 xã.

Lò đốt rác tập trung ở xã Khánh Thiện

Với yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo nguyên tắc tập trung cho cơ sở. Huyện Lục Yên đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới các xã xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện các nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Theo đó, tập trung ưu tiên các nội dung dễ thực hiện, nhu cầu vốn đầu tư ít, dễ phát huy được sự tham gia đóng góp của người dân để làm trước như: Chỉnh trang khu dân cư; nhà văn hóa thôn; đường làng, ngõ xóm; phân loại, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường; vận động xây dựng công trình nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm nằm cách biệt với nhà ở; chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh; thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi.

Tổ chức phát động trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường thôn, xóm; các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ trong những ngày lễ. Xây dựng và nhân rộng các mô hình như: “Nhà sạch, vườn đẹp”, “bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “ánh sáng đường quê”, “hộ liền kề”, “hàng rào kinh tế”,…

Phạm Quỳnh