Lượng giá, đánh giá và lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế

Thứ tư, 13/07/2016 - 16:43

TNV - Sáng 12/07, ISPONRE đã phối hợp cùng các đơn vị đối tác tổ chức hội thảo lượng giá, đánh giá và lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào quy hoạch phát triển, nhằm tăng cường nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách về tầm quan trọng và việc áp dụng lượng giá dịch vụ hệ sinh thái trong việc lồng ghép các vấn đề môi trường toàn cầu vào quá trình lập quy hoạch phát triển kinh tế.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc lồng nghép các dịch vụ hệ sinh thái vào quá trình quy hoạch: “Đã đến lúc các nhà hoạch định nên cân nhắc việc làm thế nào để áp dụng các bài học kinh nghiệm của khu vực và quốc tế để áp dụng lượng giá hệ sinh thái cấp quốc gia”.

hoi thao 1

Sự cần thiết mà PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đưa ra là bởi: Hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho đời sống và sinh kế của người dân, đặc biệt là tại các cộng đồng bản địa. Dịch vụ hệ sinh thái là lợi ích mà thiên nhiên mang lại cho con người, giá trị hệ sinh thái được xem như một công cụ hữu hiệu để tính toán và chuyển đổi các lợi ích hữu hình và vô hình thành giá trị tiền tệ, nhờ đó mà hậu quả từ việc suy thoái và mất đi của các dịch vụ hệ sinh thái được nhìn thấy rõ ràng, cụ thể hơn. Công cụ này giúp cho các nhà lập kế hoạch và ra quyết định hiểu rõ hơn giá trị kinh tế của đa dạng sinh học và các loại hình dịch vụ hệ sinh thái khác nhau.

Tuy nhiên, những công cụ trên vẫn chưa được phổ biến và áp dụng rộng rãi trong quá trình quy hoạch ở cả cấp địa phương lẫn trung ương. Hướng dẫn áp dụng và thực hiện các công cụ này cũng chưa được xây dựng bằng tiếng Việt. Cho đến nay, giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái vẫn chưa được đề cập trong các quyết định quy hoạch và đầu tư, các dịch vụ tự nhiên vẫn được xem như là các dịch vụ “miễn phí” hay các dịch vụ “hàng hóa công ”. Việc lượng giá các dịch vụ hệ sinh thái giúp hỗ trợ quá trình nhận thức và đánh giá, đồng thời nắm bắt được các giá trị kinh tế của các hệ sinh thái. Từ đó, lượng giá dịch vụ hệ sinh thái giúp xác định được mối tương quan giữa kinh tế- xã hội với việc sử dụng hệ sinh thái. Lượng giá kinh tế dịch vụ hệ sinh thái cũng giúp xác định các phần thưởng xứng đáng cho những người dân địa phương đang góp phần bảo vệ hệ sinh thái.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Phát triển bền vững, UNDP cho rằng. “Giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái hiện nay vẫn chưa được xem trọng và lồng ghép một cách đầy đủ vào quy hoạch phát triển, lập ngân sách, và quá trình ra quyết định. Việc lượng giá dịch vụ hệ sinh thái là cần thiết để tăng cường nhận thức và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái. Các hệ sinh thái khỏe mạnh cung cấp các lợi ích to lớn về mặt sức khỏe và tiết kiệm cho cộng đồng cũng như giúp cho việc đạt được các mục tiêu lớn hơn về xóa đói giảm nghèo và hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững”.

Để thực hiện hiệu quả các công cụ này trong thời gian tới, ông Michael Wahl, Cố vấn trưởng dự án EbA, GIZ Việt Nam chia sẻ. “Lượng giá các dịch vụ hệ sinh thái và lồng ghép chúng vào quy hoạch phát triển và các quyết định đầu tư là cần thiết để đảm bảo sự phát triển kinh tế lâu dài. Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, GIZ sẽ tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành liên quan để lồng ghép tốt hơn các dịch vụ hệ sinh thái vào các chính sách”. Cụ thể hơn những kinh nghiệm trong việc lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào quy hoạch cấp tỉnh, bà Trần Thị Thu Hà, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Cần có chiến lược cuộc gia về lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào quy hoạch; Truyền tải hiệu quả các kết quả nghiên cứu lượng giá đến các bên liên quan; Nâng cao năng lực, lồng ghép có sự tham gia ở các cấp”.

Lương Nguyễn