Lưu Trú Là Gì?
Lưu trú được xem là một thuật ngữ là khá mới. Thuật ngữ “lưu trú” này đã được thay thế cho thuật ngữ “tạm trú vãng lai”. Sự thay đổi ấy nhằm mục đích phân biệt rõ cho khái niệm “lưu trú” và khái niệm “cư trú”. Vậy lưu trú là gì?
Theo quy định của Điều 31 Luật Cư trú năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013, lưu trú được hiểu cụ thể như sau:
“Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.”
Lưu trú chính là việc công dân người Việt Nam đến và ở lại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nào đó trong một khoảng thời gian nhất định, ngoài nơi mà trước đây mình đã có hộ khẩu thường trú hoặc đó là nơi đăng ký tạm trú. Thời gian sẽ là ít hơn 30 ngày
Lưu trú cũng không thuộc trường hợp bắt buộc phải đăng ký tạm trú, tức là người này sẽ không thường xuyên sinh sống ở đây, mà họ chỉ vì một số lý do nào đó như công việc, du lịch, đi thăm bệnh,… mang tính chất tạm thời mới thực hiện thông báo lưu trú đến các cơ quan có thẩm quyền quy định tại địa phương.
Các trường hợp theo quy định sẽ phải thông báo lưu trú, nếu không thực hiện thông báo lưu trú tới cơ quan có thẩm quyền có thể bị kiểm tra, xử phạt những vi phạm hành chính theo đúng quy định.
Lưu trú trong tiếng Anh được hiểu là “Stay“
Định nghĩa "lưu trú" trong tiếng anh được hiểu như thế nào?
” Stay means a citizen’s stay for a certain period of time at a place in a commune, ward or town outside of his / her residence and is not required to register for temporary residence.”
Như vậy, ta có thể hiểu đơn giản như sau:
- Cư trú bao gồm nơi thường trú và nơi tạm trú;
- Nơi thường trú chính là nơi ở thường xuyên, ổn định và lâu dài không có thời hạn nhất định
- Nơi tạm trú chính là nơi ở thường xuyên, tuy nhiên nó có thời hạn ngoài nơi thường trú;
- Lưu trú là nơi ở trong thời gian rất ngắn và mang tính nhất thời.
Khai Báo Lưu Trú Theo Trình Tự Nào?
Thủ tục thông báo lưu trú khá dễ dàng, tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý thực hiện khai báo lưu trú theo hướng dẫn sau:
– Khai báo lưu trú thuộc thuộc trách nhiệm của đại diện gia đình, nhà tập thể, cơ sở khám chữa bệnh, hoặc nhà nghỉ, khách sạn,… có khách đến ở lưu trú phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền.
– Trường hợp chủ gia đình, chủ nhà ở tập thể không có mặt tại địa phương thì người nào đến lưu trú sẽ phải thực hiện việc khai báo lưu trú tại cơ quan Công an địa phương.
– Người đến lưu trú trên 14 tuổi xuất trình giấy tờ như chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hộ chiếu,… hoặc các giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền đã cấp.
– Đối với người dưới 14 tuổi thì cung cấp các thông tin nhân thân và sẽ không phải thực hiện xuất trình những giấy tờ nêu trên đây.
– Thông báo lưu trú đến cơ quan Công an địa phương trước 23h, với trường hợp đến lưu trú sau 23h sẽ phải thực hiện thông báo lưu trú luôn vào ngày hôm sau.
– Trường hợp người thân của gia đình đến lưu trú nhiều lần như ông, bà, bố, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột,... thì chỉ cần thông báo lưu trú tại Công an địa phương một lần.
– Người thông báo lưu trú có thể thực hiện thông qua hình thức: trực tiếp đến Công an địa phương hoặc sẽ thông báo qua internet.
Thủ Tục Lưu Trú Gồm Giấy Tờ Nào?
Theo quy định của khoản 2 Điều 21 Thông tư 35/2014/TT-BCA, người lưu trú có trách nhiệm xuất trình với người có trách nhiệm khai báo lưu trú các loại giấy tờ sau:
- Chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân)
- Hộ chiếu Việt Nam vẫn còn giá trị sử dụng
- Giấy tờ tùy thân khác (được dán ảnh có giá trị thay thế)
- Giấy tờ do cơ quan, tổ chức, hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp
- Đối với người chưa đủ 14 tuổi đến lưu trú thì sẽ không phải xuất trình giấy tờ trên, nhưng phải khai báo thông tin nhân thân của chính người dưới 14 tuổi đó.
Dịch Vụ Lưu Trú Có Những Loại Hình Nào?
1. Hotel
Hotel (tức là khách sạn) là cơ sở lưu trú du lịch, có từ 10 phòng trở lên, với đầy đủ cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách hàng. Số phòng tại khách sạn có thể dao động từ vài chục đến con số hàng nghìn phòng. Các loại phòng được phân loại theo đặc điểm: Executive, Twin, Triple… Khách sạn thường xây dựng tại thành phố, khu du lịch trọng điểm.
2. Motel
Motel là nhà nghỉ phục vụ khách lưu trú ngắn hạn. Motel kết cấu đơn giản và quy mô nhỏ. Các loại phòng khá cơ bản, không đầy đủ tiện nghi như phòng khách sạn. Motel thường xây dựng gần đường giao thông, thuận tiện cho khách vãng lai cần chỗ nghỉ qua đêm.
3. Hostel
Hostel là hình thức nhà nghỉ giá rẻ, thường dành cho dân du lịch bụi, khá phổ biến tại châu Âu. Hostel tương tự như phòng ký túc xá của sinh viên. Tại đây có nhiều kiểu phòng như: 4 giường, 6 giường, 10 giường.
4. Homestay
Thay vì ngủ ở nhà nghỉ, khách sạn, du khách sẽ ở tại nhà dân. Bạn có thể ăn uống, sinh hoạt chung với người dân, trở thành một thành viên của gia đình họ. Loại hình lưu trú này giúp du khách có cái nhìn gần gũi về đời sống, văn hóa địa phương.
5. Condotel
Condotel thiết kế tương tự như một căn hộ gia đình, đồng thời tích hợp các tiện ích như khách sạn: hồ bơi, nhà hàng, bar, gym, spa… Khi mua Condotel, khách hàng xác lập quyền sở hữu và sử dụng như căn hộ để ở. Trong thời gian không sử dụng, người sở hữu có thể đăng ký với chủ đầu tư để cho thuê lại nhằm thu hồi vốn và sinh lợi.
6. Hometel
Hometel kết hợp giữa Home (nhà ở) và Hotel (khách sạn). Hometel tích hợp đầy đủ trang thiết bị, dịch vụ tiêu chuẩn 5 sao với thời hạn sở hữu lâu dài (có sổ đỏ) và người sở hữu được toàn quyền quyết định sử dụng. Hometel có thể vừa để ở lâu dài như căn hộ, vừa sử dụng để làm khách sạn lưu trú.
7. Bungalow
Bungalow là kiểu nhà một tầng, sở hữu kiến trúc độc đáo, kết cấu đơn giản, thường thấy ở các khu nghỉ dưỡng. Ngày nay, bungalow được xây dựng từ những vật liệu truyền thống như: tre, nứa, gỗ, lá cọ… mang đến sự gần gũi với thiên nhiên, tạo cảm giác thư giãn cho khách lưu trú.
8. Boutique Hotel
Boutique Hotel là những khách sạn dạng nhỏ, quy mô từ 10-100 phòng. Boutique Hotel có phong cách trang trí nổi bật, trẻ trung và đậm chất nghệ thuật. Mỗi phòng có phong cách khác nhau, thường thiên về xu hướng cổ điển, thanh lịch, sang trọng.
9. Villa
Villa là biệt thự du lịch cung cấp trang thiết bị, dịch vụ tiện ích cho du khách thuê và tự phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng. Những khu có từ 3 căn villa trở lên được gọi là cụm biệt thự du lịch.