Lý do nào khiến bất động sản Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam đang lên ngôi tại châu Á?

Thứ bảy, 11/05/2024 - 10:55

Chỉ vài năm trước, thị trường bất động sản thương mại châu Á chủ yếu được thúc đẩy bởi Hồng Kông và Trung Quốc. Khi đó, nền kinh tế đại lục đang bùng nổ, thật dễ dàng lấp đầy các tòa tháp văn phòng ở các thành phố thịnh vượng như Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhưng khi thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào suy thoái, trọng tâm đã chuyển sang Ấn Độ, Việt Nam và Hàn Quốc.

Tháp HQ27 gần Delhi. Ảnh: HQ27

Khi ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia đa dạng hóa hoạt động ở châu Á ngoài Trung Quốc, các chủ nhà ở các quốc gia lân cận có thế mạnh ngày càng lớn.

Theo báo cáo của công ty môi giới Jones Lang LaSalle, tổng diện tích cho thuê ở châu Á trong quý đầu tiên cao hơn 5% so với mức trung bình trong 5 năm qua. Điều đó trái ngược hoàn toàn với Mỹ, nơi tỷ lệ này thấp hơn 29% và châu Âu, thấp hơn 1/3 so với mức trung bình 5 năm.

Công ty môi giới CBRE Group dự đoán giá thuê tại các thành phố lớn nhất Trung Quốc sẽ giảm tới 6% trong năm nay. Tại TPHCM, giá nhà tăng 6,6% trong quý đầu tiên so với một năm trước, một trong những mức tăng lớn nhất ở châu Á, theo nhà môi giới bất động sản Knight Frank.

Tại Ấn Độ, diện tích cho thuê được ký kết trong quý đầu tiên ở mức cao kỷ lục thứ hai, theo báo cáo của Jeremy Sheldon, giám đốc thị trường châu Á - Thái Bình Dương tại JLL cho biết.

Ấn Độ đang dần thay thế Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất khi các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Quốc gia này là nơi đặt nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung Electronics Co.;các nhà sản xuất theo hợp đồng ở đây cũng sản xuất ít nhất 7% iPhone của Apple Inc.

Tháng 11/2023, giá trị xuất khẩu đồ điện tử từ Ấn Độ sang Mỹ bằng 7.7% giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc - không nhiều, nhưng gấp ba lần so với hai năm trước, theo Fathom Financial Consulting. Xuất khẩu đồ điện tử từ Ấn Độ sang Anh bằng 10% so với từ Trung Quốc, cũng gấp hơn hai lần trong cùng kỳ.

Nhu cầu thuê bất động sản đặc biệt mạnh mẽ nhờ sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ và tài chính.

Ông Henry Chin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á -Thái Bình Dương của CBRE cho biết mặc dù Ấn Độ lâu nay được coi là nơi dành cho các hoạt động văn phòng, song ngày càng có nhiều công ty nước ngoài thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại quốc gia này. “Hầu hết nhu cầu mở rộng của các công ty đa quốc gia hiện nay đều ở Ấn Độ”, ông Chin nói.

Theo báo cáo của CBRE, giá thuê bất động sản đã tăng 5.6% ở Mumbai và 3.6% ở Delhi trong năm 2023.

Tại Việt Nam, cam kết đầu tư nước ngoài đã tăng 1/3 vào năm ngoái và đây nổi lên như một địa điểm thay thế quan trọng cho Trung Quốc, với phần lớn tiền đều đổ vào sản xuất. Các nhà cung cấp của Apple, Intel và Samsung hiện đều có cơ sở ở Việt Nam, và Meta Platforms cho biết họ đang cân nhắc mở rộng đầu tư vào đây.

Bà Christine Li - Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Knight Frank cho biết: “Đặc biệt, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá thuê rất cao. Nhu cầu đang thực sự chuyển từ Trung Quốc sang phần còn lại của Đông Nam Á và Ấn Độ”.

Trong khi đó, thị trường bất động sản thương mại Trung Quốc phải đối mặt với hai vấn đề. Ngày càng có nhiều công ty theo đuổi cái gọi là chiến lược Trung Quốc cộng một, tức là chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi đại lục để giảm thiểu nguy cơ trước căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Liên minh châu Âu. Và sau khi hoạt động xây dựng văn phòng bị trì hoãn trong thời kỳ đại dịch, nguồn cung vẫn còn nhiều do nhu cầu giảm mạnh, bà Li nói.

Knight Frank dự đoán mặc dù 1/4 diện tích văn phòng chất lượng hàng đầu ở trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến vẫn còn trống, nhưng hoạt động xây mới sẽ khiến nguồn cung ở đó tăng 23% trong năm nay.

(Theo Bloomberg)

 

Anh Mai