Không lồng tiếng chương trình nước ngoài trên TV, giáo viên khuyến khích học sinh tìm tài liệu bằng tiếng Anh là lý do người dân Hà Lan giỏi ngôn ngữ này.
Trong bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh EF English Proficiency Index năm 2019, Hà Lan vượt qua 100 quốc gia và vùng lãnh thổ không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ để giành vị trí dẫn đầu với điểm số 70,27.
Kết quả trên khiến nhiều người đặt ra câu hỏi tại Hà Lan lại giỏi tiếng Anh đến vậy. Là giám đốc văn hóa tại tổ chức giáo dục E duca tion First (Thuỵ Sĩ), Ming Cheng chia sẻ những lý do khiến người Hà Lan giỏi tiếng Anh.
Đất nước nhỏ, tiếng nói lớn
Có khoảng 17 triệu dân, nhưng năm 2017 nền kinh tế Hà Lan đứng thứ sáu EU, thu nhập GDP bình quân đầu người đứng thứ 12 thế giới. Các quốc gia Nam Mỹ hoặc Trung Đông phát triển thị trường nhờ sử dụng tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Ả-rập, những ngôn ngữ phổ biến thuộc hàng đầu thế giới, chỉ có khoảng 28 triệu người trên hành tinh sử dụng tiếng Hà Lan. Vì vậy, để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu riêng, người Hà Lan đã ưu tiên việc học tiếng Anh, ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới.
Không lồng tiếng chương trình nước ngoài
Các chương trình truyền hình và phim tiếng nước ngoài đều đặt phụ đề tiếng Hà Lan nhưng không được lồng tiếng. Người Hà Lan tin rằng việc lồng tiếng sẽ hạn chế khả năng tiếp cận ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng nghe. Nhờ đó, trẻ em Hà Lan làm quen với tiếng Anh từ rất sớm và gần như lớn lên cùng ngôn ngữ này.
Các quốc gia như Pháp, Đức cho phép lồng tiếng tất cả chương trình nước ngoài có kết quả khả năng sử dụng tiếng Anh thấp hơn Hà Lan. Trong bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh EF năm 2019, Đức, đứng vị trí thứ 10, được xếp vào nhóm sử dụng tiếng Anh ở mức rất cao và Pháp, đứng vị trí thứ 31, được xếp vào nhóm sử dụng tiếng Anh ở mức trung bình.
Với người Đức, việc học tiếng Anh thường nằm trong phạm vi nhà trường nhưng người Hà Lan học ngay cả khi ở nhà thông qua các chương trình TV buổi tối. Điều này cũng lý giải tại sao nhiều người Hà Lan nói tiếng Anh Mỹ vì họ xem nhiều chương trình truyền hình Mỹ.
Ảnh: Shutterstock
Tiếng Hà Lan gần với tiếng Anh
Tiếng Hà Lan và tiếng Anh cùng có nguồn gốc từ nhóm ngôn ngữ Germanic. Vì vậy, hai thứ tiếng này có những đặc điểm tương đối giống nhau. Rất nhiều từ tiếng Hà Lan có cách viết gần giống từ tiếng Anh, chẳng hạn mạo từ "de" trong tiếng Hà Lan là từ "the", từ "bier" là từ "beer" (bia). Sự tương đồng này giúp người Hà Lan học tiếng Anh dễ dàng, nhanh chóng hơn nhiều dân tộc sử dụng hệ thống ngôn ngữ khác.
Ngoài ra, trên phương diện tính cách, người Hà Lan yêu thích du lịch, cởi mở, hướng ngoại. Qua nhiều thế kỷ, họ đã giao lưu, kết bạn với nhiều quốc gia trên khắp châu Âu để phát triển giao thương, du lịch và luôn mở rộng vòng tay chào đón du khách nước ngoài. Để có thể hòa nhập, họ lựa chọn sử dụng ngôn ngữ phổ biến hàng đầu thế giới. Bằng chứng là trong các cuộc họp ở Hà Lan, nếu có ít nhất một người không biết tiếng Hà Lan, họ sẽ trao đổi bằng tiếng Anh.
Nhiều khóa học tại các trường đại học được giảng dạy bằng tiếng Anh để phục vụ nhu cầu của sinh viên quốc tế không thông thạo tiếng Hà Lan. Các biển hiệu tại sân bay Eindhoven hay sân bay Schiphol chỉ viết bằng tiếng Anh vì hầu hết người dân Hà Lan đều sử dụng ngôn ngữ này.
Khả năng kinh doanh
Người Hà Lan được biết đến với tài kinh doanh nhạy bén, tầm nhìn xa rộng. Công ty Đông Ấn Hà Lan, thành lập năm 1602, là công ty đa quốc gia đầu tiên trên thế giới. Quốc gia này cũng sở hữu nhiều nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu như Royal Dutch Shell, Heineken và IKEA.
Người Hà Lan, đặc biệt là doanh nhân, từ nhiều thế kỷ đã nhận ra tiếng Anh là cơ hội để mở rộng giao thương quốc tế. Vì vậy, họ rất chú trọng việc học và sử dụng ngôn ngữ này trong kinh doanh và mở rộng sang đời sống xã hội.
Hệ thống giáo dục chú trọng tiếng Anh
Luật pháp Hà Lan quy định tất cả trường học bắt buộc phải dạy tiếng Anh cho học sinh từ 10 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ngày càng nhiều trường học tại quốc gia này đưa môn tiếng Anh vào chương trình giảng dạy từ mẫu giáo.
Hầu hết giáo viên khuyến khích học sinh tìm kiếm tài liệu hoặc thực hiện nghiên cứu bằng tiếng Anh vì nguồn thông tin phong phú, giá trị hơn. Người Hà Lan coi việc học tiếng Anh là bắt buộc chứ không chỉ là việc biết thêm một ngoại ngữ. Họ tin rằng người giỏi tiếng Anh sẽ có cơ hội việc làm và cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hiện tại, Hà Lan đưa vào thí điểm 17 trường song ngữ trên toàn quốc, trong đó thời lượng dạy bằng tiếng Anh chiếm ít nhất 50% tổng thời lượng giảng dạy. Dự án sẽ kết thúc vào năm 2023. Nếu kết quả khả quan, quốc gia này sẽ tiếp tục nhân rộng các trường song ngữ để học sinh có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Hà Lan.
Tú Anh (theo EF, Expatica)/vnexpress