Nhiều người Iran theo dõi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ trong bối cảnh xung đột gia tăng giữa Iran và Israel. Với họ, ông Donald Trump và bà Kamala Harris đại diện cho 2 viễn cảnh hoàn toàn khác biệt đối với Trung Đông.
Trong bối cảnh xung đột giữa Iran và Israel, người Iran đang theo dõi và chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Nhiều người nói rằng họ muốn ứng cử viên của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Cái bóng của chiến tranh và khủng hoảng kinh tế
Những người được hỏi cho biết họ coi ông Trump là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có thể giải quyết các vấn đề. Mặt khác, một chiến thắng cho ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris có nghĩa là quan điểm chính trị của Mỹ sẽ vẫn như hiện nay, không có sự thay đổi.
“Dưới áp lực của cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ, nhiều người Iran muốn có sự thay đổi cơ bản”, nhà báo chính trị Iran Fariba Pajooh nói với DW.
Gần một tháng sau khi Iran phóng loạt tên lửa tấn công Israel, Israel đã đáp trả vào ngày 26/10 nhắm vào các mục tiêu quân sự ở Iran, đặc biệt là các cơ sở sản xuất tên lửa.
Các cuộc tấn công này nhằm mục đích phá hủy hệ thống phòng không và làm suy yếu quá trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran về lâu dài.
“Không thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, Alex Vatanka, Giám đốc chương trình Iran tại Viện Trung Đông ở Washington, DC, nói với DW.
Mỹ tuyên bố không ủng hộ bất kỳ cuộc tấn công nào vào các cơ sở hạt nhân của Iran ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống.
“Tuy nhiên, cuộc trả đũa của Israel cũng không phải là hành động mang tính biểu tượng. 20 địa điểm quân sự ở Iran đã bị tấn công. Israel đã chứng tỏ năng lực quân sự của họ với Iran, đó chính xác là điều mà Mỹ muốn thấy. Israel đã truyền đạt rõ ràng thông điệp và năng lực của mình, đồng thời hy vọng Tehran đã nhận được thông điệp để tránh leo thang thêm nữa”, ông Vatanka bình luận.
Iran mô tả cuộc tấn công của Israel có quy mô nhỏ và chỉ gây thiệt hại hạn chế. Theo ông Vatanka, điều này có thể cho thấy Tehran coi vòng leo thang này đã kết thúc.
Nếu bà Harris thắng cử, sẽ chẳng có gì thay đổi
Năm 2018, trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran (ký năm 2015). Khi đó, ông nói rằng ông có thể đàm phán một “thỏa thuận tốt hơn” so với người tiền nhiệm Barack Obama.
Dù vậy, chính sách “gây sức ép tối đa” của ông đối với Iran cuối cùng cũng không thành công: Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran dần dần bắt đầu đình chỉ các nghĩa vụ của nước này theo thỏa thuận này. Hiện tại, Iran được cho là đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc chế tạo bom hạt nhân.
Hồi tháng 9, ông Trump nói với các phóng viên rằng, Mỹ phải đạt được thỏa thuận với Iran để chấm dứt chương trình hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột leo thang giữa Iran và Israel, ông Trump lại lên tiếng ủng hộ một cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
“Câu trả lời của ông Biden đáng lẽ phải là: Hãy nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân trước và lo lắng về phần còn lại sau”, ông Trump phát biểu tại một cuộc vấn động tranh cử vào đầu tháng 10.
Israel coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu. Iran đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở hạt nhân của nước này sẽ dẫn đến phản ứng nghiêm trọng.
“Để tấn công thành công vào tất cả các cơ sở hạt nhân của Iran, Israel sẽ cần sự hỗ trợ của Mỹ”, Sina Azodi, giảng viên tại Trường Quan hệ quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington ở Washington, nói với DW.
Ông Azodi cho biết các cơ sở hạt nhân của Iran nằm rải rác trên nhiều địa điểm, một số có hầm ngầm được xây dựng sẵn và sẽ rất khó để phá hủy chúng hoàn toàn.
“Tuy nhiên, ngay trước thềm cuộc bầu cử, chính phủ Mỹ không muốn bị kéo vào một cuộc chiến tranh”, ông Azodi nói.
Trong một chương trình podcast hôm 17/10, khi ông Trump được hỏi có ủng hộ việc thay đổi chế độ ở Iran hay không, ông đã nói với người dẫn chương trình người Mỹ gốc Iran Patrick Bet David rằng: “Chúng ta không thể can thiệp hoàn toàn. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thậm chí không thể tự quản lý mình. Tôi vẫn muốn thấy Iran thành công rực rỡ. Vấn đề duy nhất là họ không được sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Hiện tại vẫn chưa thể biết điều gì sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
“Nếu bà Kamala Harris thắng cử, chính phủ của bà có thể sẽ cố gắng đạt được các thỏa thuận tạm thời với Iran”, ông Azodi nói.
Trước đây, bà Harris ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran và coi đó là thành tựu đáng kể trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barrack Obama.
Với vai trò là Phó Tổng thống, trong 4 năm qua, bà luôn ủng hộ các nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, những nỗ lực này đều không thành công.
Ông Trump có thể đưa Iran trở thành đồng minh?
“Nếu Donald Trump thắng cử, ông ấy có thể thực hiện được những thay đổi cơ bản trong quan hệ Mỹ-Iran. Ông ấy có khả năng thuyết phục tất cả những người chỉ trích Iran trong đảng Cộng hòa ủng hộ ông để mang lại một thỏa thuận khác với Iran”, ông Azodi nhận định.
Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước với đài truyền hình Al Arabiya của Saudi Arabia, ông Trump cho biết nếu tái đắc cử, ông sẽ đưa Iran vào Hiệp định Abraham cùng với ít nhất 10 quốc gia khác.
“Hiệp định Abraham đã được ký kết trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi. Không ai nghĩ rằng điều đó là có thể”, ông Trump nói.
Các thỏa thuận được ký kết tại Nhà Trắng vào tháng 9/2020 đã bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain và tiếp sau đó là Morocco.
Ông Trump nói với Al Arabiya rằng hòa bình ở Trung Đông sẽ có thể đạt được nếu ông trở lại Nhà Trắng. Việc mở rộng Hiệp định Abraham sẽ kéo theo một sự thay đổi rất lớn, trong đó Iran - đối thủ lớn nhất của Israel và Mỹ trong khu vực, sẽ trở thành đồng minh.
Cựu Tổng thống Mỹ không đưa ra chi tiết nào về cách ông dự định thực hiện để đưa Iran vào Hiệp định Abraham. Chính quyền Iran, dù đang phải đối mặt với làn sóng phản đối trong nước và khả năng leo thang xung đột với Israel, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận như vậy.
Hoàng Phạm/VOV.VN
Theo DW