Theo điều K13 trong cẩm nang Ngoại hạng Anh, CLB có trách nhiệm phải kiểm soát các điểm ra vào sân, khu vực đậu xe và lối vào của cầu thủ. Điều K14 quy định CLB phải đảm bảo an toàn cho cầu thủ, Ban tổ chức trận đấu cũng như môi trường thi đấu. Nếu không, CLB có thể bị phạt tiền hoặc trừ điểm.
CĐV Man Utd phá rào xông vào sân. Ảnh: Reuters.
CĐV Man Utd phá rào xông vào sân, dẫn đến việc phải hoãn trận đấu Liverpool. Ảnh: Reuters.
Liên đoàn bóng đá Anh FA cũng có nhiều quy định về việc để xảy ra bạo loạn trên sân. Ví dụ, theo điều E20, CLB có trách nhiệm kiểm soát CĐV, có thể bị phạt nếu CĐV có các hành vi không đúng mực, bạo lực, đe dọa, lăng mạ, khiếm nhã, gồm cả việc ném đồ. Các biện pháp trừng phạt của FA có thể gồm phạt tiền, đóng cửa sân, đình chỉ thi đấu và bồi thường tổn thất cho đối thủ.
Về vụ việc hôm 2/5, Ban tổ chức Ngoại hạng Anh và FA đang khẩn trương điều tra. Họ đã nói chuyện với Man Utd và chính quyền địa phương.
Ngay trước trận Man Utd - Liverpool, hàng trăm CĐV chủ nhà đã xông vào sân Old Trafford để phản đối chủ sở hữu đội bóng. Họ đụng độ với cảnh sát trong khung cảnh hỗn loạn. Một số đồ vật bị CĐV tháo dỡ. CĐV cũng ném pháo sáng về phía dàn máy quay truyền hình trên sân.
Trước nguy cơ mất an toàn, trận đấu đã phải hoãn lại. Đây là quyết định chung của cảnh sát, hai CLB, Ban tổ chức Ngoại hạng Anh và chính quyền.
Trận Man Utd - Liverpool không thể diễn ra sau cuộc đột kích bất ngờ của CĐV.
Man Utd đang đứng thứ hai Ngoại hạng Anh. Họ sở hữu 67 điểm/33 trận, kém Man City 13 điểm và chơi ít hơn một trận. Nếu Man Utd bị trừ điểm, Man City sẽ vô địch sớm bốn vòng.
Làn sóng phản đối của CĐV Anh nói chung và CĐV Man Utd nói riêng bắt đầu từ giữa tháng 4, khi 12 CLB lớn khắp châu Âu chung tay thành lập Super League. Trước sức ép của CĐV, sáu CLB Anh sớm tuyên bố rút lui và đưa ra lời xin lỗi. Tuy nhiên, CĐV Man Utd mượn đà biểu tình đòi chủ sở hữu, nhà Glazer phải rời CLB.
Thanh Quý (theo Daily Mail)