“Manh mối” từ biến chủng tiết lộ thời điểm SARS-Cov-2 lây sang người

Thứ năm, 07/05/2020 - 07:55

Những điểm chung về biến chủng của SARS-CoV-2 giúp các nhà khoa học tại Anh tìm ra thời điểm thực sự virus này lây nhiễm sang con người.

SARS-CoV-2 thực sự lây nhiễm sang con người khi nào?

Một phân tích mới đây về gen của virus SARS-CoV-2 được lấy mẫu từ hơn 7.600 bệnh nhân khắp thế giới cho thấy dịch Covid-19 đã lây lan từ cuối năm ngoái và chắc chắn đã lan ra nhanh chóng sau đợt lây nhiễm đầu tiên.

Nghiên cứu mới tiết lộ thời điểm thực sự virus SARS-CoV-2 lây nhiễm sang con người. Ảnh: CNN

Các nhà nghiên cứu tại Anh đã xem xét các biến chủng của virus SARS-CoV-2 và tìm thấy bằng chứng về sự lây nhiễm nhanh chóng song chưa tìm ra bằng chứng nào cho thấy virus này đang ngày càng dễ lây nhiễm hơn hoặc có khả năng gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

"Virus này đang thay đổi nhưng điều này không có nghĩa là dịch bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn", nhà nghiên cứu di truyền Francois Balloux tại Viện Di truyền Cao đẳng Hoàng gia London nhận định với CNN.

Balloux và các đồng nghiệp đã tập hợp trình tự gen của virus từ một cơ sở dữ liệu khổng lồ trên toàn cầu. Họ đã xem xét các mẫu được lấy vào những thời điểm và những nơi khác nhau và phát hiện ra rằng virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây nhiễm lần đầu tiên vào cuối năm ngoái.

"Điều này đã loại bỏ bất kỳ nhận định nào cho rằng virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện một thời gian trước khi nó được phát hiện và vì vậy đã lây nhiễm cho một số lượng lớn dân số", đội ngũ của Balloux viết trong báo cáo đăng tải trên tạp chí Genetics and Evolution.

Điều này là một tin tốt nhưng ở một khía cạnh nào đó cũng là một tin xấu. Một số bác sĩ cho rằng nếu virus đã xuất hiện nhiều tháng và âm thầm lây nhiễm cho nhiều người thì điều đó sẽ đem tới hy vọng rằng sự miễn dịch đã được hình thành ở một số bộ phận dân số.

"Mọi người đang hy vọng về điều đó. Tôi cũng vậy", Balloux cho biết.

Dù vậy, trên thực tế, phát hiện của các nhà khoa học trên đã "dội gáo nước lạnh" vào ý tưởng này. Balloux ước tính, nhiều nhất là 10% dân số toàn cầu đã và đang tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

“Manh mối” từ các biến chủng

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ dơi nhưng đã lây nhiễm sang một loài động vật khác trước khi truyền sang con người. Các trường hợp mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm ngoái.

Mỗi lần nhân bản, virus này sẽ tạo ra những phiên bản không hoàn hảo khác nhau và các biến chủng này có thể được sử dụng như cái gọi là ‘đồng hồ phân tử” để theo dõi virus theo thời gian và địa lý.

"Những kết quả của chúng tôi phù hợp với những ước tính trước đó và cho thấy rằng tất cả các trình tự gen đều có một "tổ tiên" chung xuất hiện vào cuối năm 2019. Điều đó cho thấy đây có thể là quãng thời gian virus SARS-CoV-2 đã lây truyền sang con người", đội ngũ các nhà khoa học viết trong báo cáo.

"Việc này xảy ra rất gần đây. Chúng tôi thực sự tự tin khẳng định rằng việc virus truyền sang vật chủ đã xảy ra từ cuối năm ngoái".

Điều đó được lý giải là bởi các mẫu virus được lấy từ nhiều nơi trên toàn cầu có nhiều loại biến chủng và chúng đều có những biến chủng tương tự nhau.

"Nó xuất hiện ở gần như mọi quốc gia", Balloux cho biết.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra bằng chứng về gen ủng hộ cho những giả thuyết trước đó rằng virus SARS-CoV-2 đã lây nhiễm cho nhiều người ở châu Âu, Mỹ và những nơi khác vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trước khi các ca mắc chính thức đầu tiên được ghi nhận vào tháng 1 và tháng 2. Điều đó cũng tức là không thể tìm ra bệnh nhân "đầu tiên" ở bất kỳ quốc gia nào, Balloux nhận định.

"Tất cả những ý tưởng về việc tìm ra bệnh nhân số 0 là vô vọng bởi có quá nhiều bệnh nhân số 0", chuyên gia này đánh giá.

Các phát hiện của đội ngũ chuyên gia Balloux đã được các nhà khoa học khác xem xét trước khi được công bố trên tạp chí khoa học.

Balloux cũng cho biết rằng: “Tất cả virus đều biến chủng tự nhiên. Những biến chủng này bản thân chúng không phải là điều tồi tệ và không có dấu hiệu nào cho thấy SARS-CoV-2 đang biến chủng nhanh hơn hoặc chậm hơn so với những gì chúng ta nghĩ. Đến nay, chúng tôi không thể khẳng định rằng liệu mức độ nguy hiểm và khả năng lây nhiễm của SARS-CoV-2 là nhiều hơn hay ít hơn".

Lane Warmbrod, một nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, người đã theo dõi các bài báo về gen của virus corona chủng mới nhận định, cần có nhiều nghiên cứu hơn trên động vật để biết được sự thay đổi về gen của virus có thể khiến nó có khả năng lây nhiễm nhiều hơn hay ít hơn.

"Những nghiên cứu nói với chúng ta rằng các biến chủng này đang lây lan nhanh chóng hoặc đang dần chiếm ưu thế không có bất kỳ ý nghĩa gì ngoại trừ những điều chúng ta biết là đã xảy ra. Việc này không thực sự nói với chúng ta bất kỳ thứ gì về những điều đang xảy ra về mặt sinh học", Warmbrod nhận định với CNN.

Dù vậy, các bài báo về biến chủng của virus SARS-CoV-2 có thể có vai trò quan trọng với đội ngũ các nhà khoa học đang nghiên cứu thuốc và vaccine chống Covid-19, đặc biệt khi vaccine cần nhắm tới một số phần không thay đổi nhiều qua thời gian của virus./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo CNN