Dưới đây là mẫu hợp đồng góp vốn mua đất mới nhất, chuẩn pháp lý cùng những lưu ý quan trọng khi ký kết. Nắm rõ các quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng góp vốn mua đất giúp bạn tránh được rủi ro, tranh chấp về sau.
Hợp Đồng Góp Vốn Mua Đất Là Gì?
Hợp đồng hiểu một cách đơn giản là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên tham gia ký kết. Sau khi ký kết, hợp đồng có hiệu lực sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Theo đó, các bên phải thực hiện đúng theo những gì đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Hợp đồng góp vốn mua đất, hợp đồng hùn vốn mua đất hay hợp đồng chung vốn mua đất là sự thỏa thuận của các bên về việc góp tiền hoặc các tài sản khác để mua đất với diện tích nhất định, mục đích để ở hoặc đầu tư tùy từng trường hợp cụ thể. Việc lập hợp đồng nhằm mục đích chứng minh các bên đã có những thỏa thuận gì về việc góp vốn mua đất và giúp hạn chế tối đa những tranh chấp có thể xảy ra.
Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về hợp đồng góp vốn mua đất nhưng trên thực tế loại hợp đồng này được sử dụng phổ biến. Chủ thể, đối tượng của hợp đồng góp vốn mua đất như sau:
-
Chủ thể: Tổ chức, cá nhân
-
Đối tượng: Công việc mua chung đất
-
Tài sản góp vốn: Gồm tiền, tài sản, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
-
Hình thức: văn bản
![]() |
Hợp đồng góp vốn mua đất là căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết tranh chấp giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. |
Những Nội Dung Nào Cần Có Trong Hợp Đồng Góp Vốn Mua Đất
Pháp luật hiện hành không quy định thống nhất mẫu hợp đồng góp vốn mua bán đất nông nghiệp, đất ở, đất kinh doanh... Vì vậy, các bên tham gia giao kết có thể tự thỏa thuận các nội dung, điều khoản để lập hợp đồng chung vốn mua đất. Về cơ bản, mẫu hợp đồng góp vốn mua đất cá nhân gồm một số nội dung chính như sau:
-
Thông tin chi tiết của các bên tham gia hợp đồng góp vốn mua đất
Hợp đồng góp vốn mua đất bắt buộc phải có thông tin chi tiết, rõ ràng của các bên tham gia hợp gồm họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân hoặc số chứng minh dân dân... Điều này tạo điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng.
-
Tài sản góp vốn
Tài sản góp vốn có thể trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, hoặc sử dụng tài sản tương đương giá trị để thực hiện góp vốn,... Hợp đồng cần có điều khoản thỏa thuận, ghi nhận chi tiết về phương thức góp vốn. Đây cũng là cơ sở để các bên xác định quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình, tránh xảy ra tranh chấp về sau.
-
Mục đích góp vốn
Các bên góp vốn mua đất với diện tích, chức năng nhất định tùy trường hợp cụ thể.
-
Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp dồng
Đây là điều khoản không thể thiếu trong hợp đồng nói chung và hợp đồng góp vốn mua đất nói riêng. Quyền lợi và nghĩa vụ của các bên theo thỏa thuận cần được ghi rõ trong hợp đồng để tránh xảy ra tranh chấp. Điều này quyết định trực tiếp đến trách nhiệm, quyền lợi mà các bên phải thực hiện, được hưởng thông qua hợp đồng này.
-
Thời hạn góp vốn
Thời hạn góp vốn cần được thể hiện rõ ràng, chính xác trong hợp đồng góp vốn mua đất để các bên tham gia góp vốn xác định rõ thời hạn cần phải thực hiệng nghĩa vụ góp vốn của mình, tránh làm ảnh hưởng tới quá trình mua đất ở giai đoạn sau.
-
Phân chia lợi nhuận và rủi ro
Trong hợp đồng góp vốn mua đất cần nêu rõ cách phân chia lợi nhuận và rủi ro. Cụ thể như thế nào sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên tham gia ký kết hợp đồng.
![]() |
Các điều khoản, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn mua đất đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. |
-
Hợp đồng góp vốn mua đất phải có điều khoản về giải quyết tranh chấp
Điều khoản về giải quyết tranh chấp trong biên bản góp vốn mua đất giúp các bên tham gia thỏa thuận, giải quyết trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền lợi, lợi ích của nhau khi có mâu thuẫn phát sinh.
Thực tế cho thấy, biên bản thỏa thuận góp vốn mua bán đất, hợp đồng góp vốn mua đất thường được ký kết giữa những người quen thân, anh em bạn bè. Tuy nhiên, không vì thế mà loại trừ rủi ro. Trường hợp một trong các bên chậm thực hiện nghĩa vụ hoặc vi phạm hợp đồng hoặc không tuân thủ một trong các nội dung đã thỏa thuận khiến việc thực hiện hợp đồng khó khăn, gây thiệt hại. Thế nên, hợp đồng góp vốn mua đất nhất định phải có thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.
Tóm lại, khi soạn thảo hợp đồng góp vốn mua đất, các bên nên lập thành văn bản. Nội dung của hợp đồng góp vốn mua đất do các bên thỏa thuận, tuy nhiên không được trái với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hình thức giao kết, nội dung giao kết, chữ viết...
Hợp Đồng Góp Vốn Mua Đất Có Bắt Buộc Phải Công Chứng Không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hợp đồng góp vốn mua đất không thuộc trường hợp phải công chứnghoặc chứng thực, ngoại trừ trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Điểm a, Khoản 3, Điều 167, Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ: "Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này".
Mặc dù không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng góp vốn mua đất nhưng trên thực tế, số vốn mà mỗi bên đóng góp thường rất lớn, do đó bạn vẫn nên đi công chứng/chứng thực hợp đồng tại tổ chức hành nghề công chứng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình khi xảy ra tranh chấp.
Hơn nữa, khi ra phòng công chứng để làm hợp đồng góp vốn mua đất, bạn có thể sẽ được công chứng viên tư vấn và soạn thảo bản hợp đồng chặt chẽ hơn. Ngoài ra, ở góc độ tâm lý, với nhiều người và trong nhiều trường hợp, một văn bản được công chứng/chứng thực vẫn mang lại sự an tâm và tin tưởng hơn.
Mẫu Hợp Đồng Góp Vốn Mua Đất Mới Nhất
Dưới đây, Dothi.net cập nhật mẫu hợp đồng góp vốn mua đất mới nhất, được sử dụng phổ biến hiện nay.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ——— ***** ——– HỢP ĐỒNG GÓP VỐN (V/v góp vốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất) Hôm nay, vào lúc … giờ, ngày …… tại ……… Chúng tôi gồm những Ông, bà có tên sau: 1. Ông, bà …………… Giới tính ………………. Quốc tịch :……………… Sinh ngày :…………… Chứng minh nhân dân số/ Căn cước công dân số: …… ngày cấp …… Nơi cấp …… Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú :…… 2. Ông, bà …………… Giới tính ………………. Quốc tịch :……………… Sinh ngày :……………… Chứng minh nhân dân số/ Căn cước công dân số: … ngày cấp … Nơi cấp … Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:…… Đã tiến hành họp về việc góp vốn cùng kinh doanh, với những nội dung cụ thể như sau: Điều 1: Mục đích góp vốn …… Điều 2: Tài sản góp vốn 2.1. Số vốn góp; loại tài sản góp vốn của từng thành viên: ...... 2.2. Cử người quản lý phần vốn góp: …… Điều 3. Thời hạn góp vốn Thời hạn góp vốn bằng tài sản, tiền mặt bắt đầu kể từ ..... , hạn cuối cùng góp vốn là ......... Điều 4. Nguyên tắc phân chia lợi nhuận......... Điều 5. Phương thức giải quyết tranh chấp Trong quá trình thực hiện hợp đồng góp vốn mua đất, nếu phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; Trong trường hợp không giải quyết được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Điều 6. Cam đoan giữa các bên tham gia Bên A cam đoan: - Những thông tin về nhân thân, tài sản đã ghi trong hợp đồng này là đúng sự thật; - Tài sản góp vốn không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật; - Tài sản góp vốn không có tranh chấp; - Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thoả thuận đã ghi trong Hợp đồng góp vốn mua đất. - Việc giao kết hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc; Các cam đoan khác …… Bên B cam đoan: - Những thông tin về nhân thân đã ghi trong Hợp đồng góp vốn mua đất là đúng sự thật; - Đã xem xét kỹ, biết rõ về tài sản gúp vốn nêu trên và các giấy tờ về quyền sử dụng, quyền sở hữu; - Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thoả thuận đã ghi trong Hợp đồng này; - Việc giao kết hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc; Các cam đoan khác……… Điều 7. Điều khoản cuối cùng 7.1. Các bên đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc giao kết Hợp đồng này. 7.2. Hai bên đã đọc Hợp đồng, đã hiểu và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong Hợp đồng và ký vào Hợp đồng này (trước sự có mặt của Công chứng viên). Hợp đồng có hiệu lực từ ................. BÊN A BÊN B (Ký và ghi rõ họ tên) (Ký và ghi rõ họ tên) |
Ký Hợp Đồng Góp Vốn Mua Đất Cần Lưu Ý Gì?
Trước khi đặt bút ký hợp đồng góp vốn mua đất, các bên cần đọc kỹ bản hợp đồng và đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau để tránh xảy ra tranh chấp không đáng có về sau.
![]() |
Các bên cần đọc kỹ hợp đồng góp vốn mua đất và bổ sung những điều khoản, nội dung còn thiếu trước khi ký kết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. |
Thứ nhất, các bên thỏa thuận rõ mức đóng góp cụ thể của mỗi bên và phân chia lợi nhuận mỗi bên được hưởng. Hơp đồng phải có điều khoản cụ thể, minh bạch về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đồng thời, quy định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
Thứ hai, các bên thỏa thuận rõ về việc chỉ mua các loại đất có đầy đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Thứ ba, các bên thỏa thuận rõ các điều khoản về tài chính khi hợp tác góp vốn cũng như quá trình xử lý tài sản mua được và khai thác giá trị tài sản. Hợp đồng quy định rõ phương thức xử lý tài sản khi các bên không còn hợp tác với nhau.
Thứ tư, các bên thỏa thuận về thời hạn có hiệu lực của hợp đồng (từ khi các bên ký vào hợp đồng hoặc thời điểm phù hợp khác) để ràng buộc phát sinh các quyền, nghĩa vụ pháp lý khi hợp đồng có hiệu lực. Theo đó, các bên thực hiện theo đúng các thỏa thuận đã cam kết trong hợp đồng.
Thứ năm, các bên nên ghi các quy định để bổ sung, sửa đổi lại hợp đồng để cùng thỏa thuận các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng bởi không ai lường trước được những rủi ro có thể xảy ra.
Thứ sáu, các bên nên thỏa thuận lựa chọn cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp xảy ra để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên trong trường hợp một trong các bên vi phạm hợp đồng.
Trên đây là mẫu hợp đồng góp vốn mua đất chuẩn pháp lý và mới nhất mà bạn có thể tham khảo khi có nhu cầu chung tiền mua đất, đầu tư bất động sản. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, trước khi ký hợp đồng góp vốn mua đất, bạn cần đặc biệt lưu ý những vấn đề mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết này.
Lam Giang (TH)
Xem thêm:
>> 4 "bẫy" câu chữ trong hợp đồng mua bán nhà đất gây mất tiền oan
>> [Infographic] 5 cách tránh mất tiền oan khi mua nhà qua hợp đồng góp vốn
>> 6 vấn đề pháp lý cần biết khi góp vốn bằng nhà ở