Mazda CX-5 là mẫu xe cực kỳ thành công của Mazda trên toàn cầu, và ngay cả ở thị trường Việt Nam. Mẫu xe đã bán ra tổng cộng 4.761.329 chiếc kể từ lần đầu ra mắt năm 2012, trở thành dòng xe bán chạy nhất của Mazda cho đến nay. Mới đây, thế hệ thứ ba của CX-5 chính thức lộ diện. Về ngoại hình, đây là một phiên bản nâng cấp nhẹ từ thế hệ trước, nhưng nội thất bên trong lại mang tính cách mạng hoàn toàn.

Tuy nhiên, phản ứng của người dùng trên mạng lại khá tiêu cực, nhất là với thiết kế tối giản của bảng điều khiển trung tâm:
• “Không có nút vặn, không mua!”
• “Tôi không bao giờ chọn xe không có nút bấm.”
• “Tôi không thích việc bỏ hết các nút và vòng xoay.”
• “Điều hòa, sưởi, sấy kính, và điều chỉnh nhiệt độ nên dùng nút vật lý... làm ơn đừng bỏ!”
Với hàng loạt bình luận như vậy, trang motor1 đã đặt câu hỏi trực tiếp cho Mazda: Tại sao lại bỏ gần hết các nút điều khiển truyền thống? Ngạc nhiên thay, Mazda khẳng định rằng đây là điều khách hàng mong muốn.
Bà Tamara Mlynarczyk, Giám đốc Truyền thông của Mazda Bắc Mỹ, chia sẻ với Motor1 rằng quyết định loại bỏ hầu hết các nút bấm truyền thống xuất phát từ nghiên cứu nội bộ, cho thấy khách hàng hiện nay ưa thích một màn hình giải trí trung tâm lớn.
“Dựa trên phản hồi của người dùng, chúng tôi đã phát triển giao diện người – máy (HMI) mới, ưu tiên sự đơn giản trong thao tác nhưng vẫn đảm bảo triết lý lái xe an toàn của Mazda. CX-5 mới chuyển từ kiểu điều khiển bằng núm xoay sang màn hình cảm ứng trung tâm – đây là cách hiệu quả nhất để giảm việc người lái rời tay khỏi vô lăng, đồng thời tích hợp:
• Nhận diện giọng nói nâng cao giúp người lái điều khiển điều hòa, âm thanh và định vị bằng lời nói;
• Các nút điều khiển tích hợp trên vô lăng, giảm thiểu phân tán sự chú ý khi lái xe.”
Vậy là rõ: người dùng muốn thế – ít nhất là theo Mazda. Đây được xem là một bước ngoặt lớn với Mazda – thương hiệu vốn nổi tiếng là bảo thủ trong việc dùng cảm ứng. Hãy nhớ lại khi Mazda3 ra mắt năm 2019, kỹ sư trưởng Matthew Valbuena của Mazda Bắc Mỹ từng nói:
“Nghiên cứu cho thấy khi tài xế với tay chạm màn hình cảm ứng, họ vô thức tác động lực vào vô lăng, khiến xe lệch khỏi làn. Và tất nhiên, khi thao tác với cảm ứng, họ phải nhìn vào màn hình – điều này gây mất tập trung. Vì vậy, chúng tôi đã tự tin loại bỏ tính năng cảm ứng lúc đó.”
Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi.

Nội thất Mazda EZ-6 hay còn gọi là Mazda 6e trên thị trường toàn cầu
CX-5 không phải mẫu Mazda đầu tiên đi theo xu hướng này. Tại Trung Quốc, mẫu sedan điện EZ-6 (sẽ được bán toàn cầu dưới tên Mazda 6e) cũng có thiết kế bảng điều khiển đơn giản, xoay quanh một màn hình cảm ứng lớn. Mẫu crossover điện EZ-60 thậm chí còn có màn hình lớn hơn, dù chưa rõ có được phân phối ra quốc tế hay không. Cả hai mẫu xe này đều được phát triển từ nền tảng của liên doanh Mazda – Changan tại Trung Quốc, trong khi CX-5 thế hệ mới hoàn toàn do Mazda phát triển và là mẫu xe toàn cầu.
Cũng giống như BMW, Mazda đã nói lời tạm biệt với núm xoay giữa hai ghế – chi tiết từng là biểu tượng trong hệ thống điều khiển của hãng. BMW cũng đã bỏ núm này trên các mẫu xe dẫn động cầu trước và cả thế hệ xe Neue Klasse mới.
Vậy còn quan điểm của bạn ra sao? Bạn thích một chiếc xe có màn hình cảm ứng lớn tích hợp mọi thao tác, hay ưa thích các phím bấm vật lý quen thuộc hơn?
Cộng tác viên